Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Kế hoạch số 128-KH/TU ngày 4.1.2023 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh.
Thành viên một tổ hợp tác rau an toàn ở huyện Châu Thành chăm sóc vườn rau.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có khoảng 160 tổ hợp tác với 4.000 thành viên; 240 hợp tác xã (HTX) với 50.000 thành viên; 2 liên hiệp hợp tác xã với 10 HTX thành viên; trên 60% tổ chức kinh tể tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; trên 40% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể trong tỉnh. Bảo đảm 80% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 70% tham gia các chuỗi liên kết. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Với các mục tiêu đề ra, Chương trình hành động tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức phổ biển, quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW; Kế hoạch số 128-KH/TU đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh; tạo sự chuyển biến về nhận thức, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, kịp thời tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo quy định pháp luật về kinh tể tập thể, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển.
Theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trong Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13.11.2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các đơn vị có liên quan tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý dứt điểm HTX không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012 theo đúng hướng dẫn; có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng và các quan hệ về tài chính, tài sản của HTX, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể.
Thu hoạch mãng cầu tại Hợp tác xã mãng cầu Thạnh Tân, TP. Tây Ninh.
Mặt khác, hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện, phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể; khuyến khích mở rộng thành viên, đa dạng hoá các loại thành viên trong tổ chức kinh tế tập thể; tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể trong cùng ngành, lĩnh vực và các tổ chức kinh tế tập thể với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp nhà nước.
Liên minh HTX phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động của các HTX; hướng dẫn các HTX tổ chức, củng cố lại hoạt động theo đúng bản chất, quy định của pháp luật. Hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Sở NN&PTNT phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các thành viên HTX được chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm giúp các HTX có đủ điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, huy động tối đa nguồn lực cho sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở Nội vụ thường xuyên kiện toàn và nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX cấp tỉnh và cấp huyện; trong đó tập trung triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX, tổ hợp tác, bảo đảm việc phát triển kinh tế tập thể, HTX diễn ra thực chất, hiệu quả.
Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX. Qua đó, nắm bắt tình hình triển khai thi hành luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân và HTX trong thực hiện pháp luật về HTX.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX đối với phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và nhân dân nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể; phối hợp với các địa phương, tổ chức vận động, phát triển các loại hình kinh tế tập thể; quan tâm xây dựng và phát huy vai trò các đoàn thể xây dựng tổ chức HTX, tổ hợp tác phát triển bền vững.
Liên minh HTX tỉnh củng cố, tăng cường hoạt động; phát huy và làm tốt vai trò nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; là cầu nối giữa cơ quan Nhà nước với các thành phần kinh tế tập thể, hướng dẫn, vận động thực hiện các chính sách đối với kinh tế tập thể; cùng với các tổ chức kinh tế tập thể thực hiện tốt, đúng quy định một số nội dung dịch vụ công nếu được Nhà nước giao.
Trúc Ly