Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn:
“Phao cứu sinh” của người lao động
Thứ bảy: 05:05 ngày 22/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn (TVPLCĐ), thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh là điểm tựa pháp lý cho công nhân lao động trong suốt thời gian qua. Văn phòng đã tận tình giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân mỗi khi có tranh chấp với bên sử dụng lao động, từ đó đã tạo được lòng tin trong công nhân, lao động.

Ông Nho đang tư vấn cho người lao động tại Khu công nghiệp Trảng Bàng.

LUÔN TẬN TÌNH TRỢ GIÚP CÔNG NHÂN

Hoạt động của Văn phòng TVPLCĐ nhằm góp phần củng cố vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho công nhân lao động, giúp người lao động có khả năng tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi tham gia quan hệ lao động.

Việc mở rộng hình thức tư vấn pháp luật trực tiếp tại khu nhà trọ là cơ chế hữu hiệu để phát hiện sớm các mâu thuẫn trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.

Từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của công nhân, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Theo chân cán bộ Văn phòng TVPLCĐ đến khu nhà trọ công nhân ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu vào ban đêm, chúng tôi nhìn thấy có hàng chục anh chị công nhân đang làm việc tại Khu Công nghiệp Chà Là vừa tan ca trở về, đang tập trung ngồi chờ để được nghe tư vấn về nhiều vấn đề mà từ lâu họ băn khoăn.

Tại buổi tư vấn, ông Nguyễn Văn Nho, Chủ nhiệm Văn phòng TVPL đã giải thích cặn kẽ những tình huống có liên quan đến pháp luật mà các công nhân đang thắc mắc.

Hầu hết những vấn đề như chế độ nghỉ phép, ốm đau, đặc biệt việc thực hiện “chế độ quẹt thẻ” mà công nhân chưa thấu đáo đã được ông Nho nhiệt tình giải thích để các công nhân hiểu rõ quyền lợi của mình trong quá trình làm việc.

Trong một ngày thứ ba của tuần đầu tháng 7, theo lịch làm việc của Văn phòng TVPLCĐ, chúng tôi lại có mặt tại văn phòng Công đoàn Khu Công nghiệp Trảng Bàng theo đơn của một số công nhân.

Tại đây, một số công nhân đã trình bày những bức xúc khi bị phía công ty bất ngờ chấm dứt hợp đồng lao động. Sau khi lắng nghe các công nhân trình bày, ông Nho phân tích cặn kẽ cho từng người theo hợp đồng lao động.

Qua đó, có công nhân khiếu nại sai do thiếu hiểu biết, nghe ông Nho giải thích đã hiểu được vấn đề, không còn thắc mắc. Có người khiếu nại đúng nhưng cách làm sai, ông Nho hướng dẫn làm lại cho đúng quy trình.

THIẾT THỰC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CÔNG NHÂN, LAO ĐỘNG

Trao đổi với phóng viên về những kỷ niệm khó quên trong công việc tư vấn cho công nhân, ông Nho bùi ngùi nhớ lại câu chuyện của một nữ công nhân ở Khu Công nghiệp Trảng Bàng, bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong khi chị đang mang thai 7 tháng.

Ông Nho nói: “Chị Thảo sống và làm dâu bên gia đình chồng, trong thời gian mang thai lại bị công ty cho nghỉ việc, chị không dám nói cho gia đình chồng biết nên hằng tháng chị phải đi vay tiền bên ngoài để đưa cho gia đình chồng, xem như chị vẫn đang làm việc, lĩnh lương tháng bình thường.

Chồng chị biết rõ chuyện ấy nhưng cũng không mạnh dạn cho gia đình biết. Hằng ngày chị đi ra quán cà phê kiếm võng nằm nghỉ đợi hết giờ mới trở về nhà vì sợ mẹ chồng la mắng.

Rồi đến lúc sinh con, do sinh khó phải mổ nhưng không có tiền nên chồng chị phải tiếp tục chạy đi vay. Đến khi gặp ông Nho, số tiền gốc và lãi họ mắc nợ đã lên đến hơn 15 triệu đồng”.

Biết được sự tình, ông Chủ nhiệm Văn phòng TVPLCĐ đã hướng dẫn chị Thảo khởi kiện ra toà. Toà xử chị Thảo thắng kiện, buộc công ty bồi thường cho chị Thảo gần 45 triệu đồng.

Nhiều công nhân khi được ông Nho hướng dẫn khởi kiện ra toà, được bên sử dụng lao động trả lại số tiền theo đúng quy định pháp luật, họ rất vui và xem ông như vị cứu tinh đã giúp cho gia đình họ vượt qua khó khăn trong thời gian bị mất việc.

Điển hình như trường hợp của anh Phạm Thái Thuỷ. Tại bản án lao động sơ thẩm ngày 22.4.2015, TAND huyện Trảng Bàng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Thuỷ đối với Công ty FT.VN, buộc công ty bồi thường cho anh Thuỷ gần 74,5 triệu đồng.

Ngày 21.5.2015, Viện KSND tỉnh kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm sửa lại án sơ thẩm theo hướng buộc công ty nhận anh Thuỷ trở lại làm việc hoặc tính các khoản bồi thường thiệt hại cho anh Thuỷ đến hết hạn hợp đồng theo quy định tại khoản 1,3 điều 42 Bộ luật Lao động.

Tại phiên phúc thẩm, hai bên đã thoả thuận là anh Thuỷ chấp nhận nghỉ việc theo quyết định của công ty, công ty có trách nhiệm bồi thường cho anh các khoản gồm 3 tháng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tổng cộng hơn 111 triệu đồng.

Một trường hợp bị tai nạn lao động trong quá trình làm việc là anh Nguyễn Văn Chiến, 37 tuổi, tạm trú tại ấp Chợ Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Từ Kiên Giang lên Tây Ninh lập nghiệp, anh Chiến xin vào làm công nhân Công ty TNHH.S, tại ấp Hiệp Thành, xã Hoà Thạnh. Vào  lúc 1 giờ  ngày 13.6.2015,  lúc anh đang đứng máy làm việc, khi đưa mủ bành vào máy cán, trong quá trình thao tác, tay anh Chiến bị máy cuốn vào.

Một công nhân làm chung khâu với anh nhanh chóng ấn nút tắt máy khẩn cấp, nhưng tai nạn xảy ra đã làm giập mất 4 ngón bàn tay trái của anh Chiến. Khi tai nạn xảy ra, Công ty tiến hành đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, sau đó chuyển viện đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh điều trị; vết thương đã được phẫu thuật.

Tuy nhiên, Công ty S. đã không tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn để giới thiệu ra Hội đồng Giám định y khoa, làm chế độ tai nạn lao động cho anh Chiến theo quy định pháp luật.

Đã vậy, vào ngày 15.12. 2015, Công ty còn buộc anh và vợ là chị Trần Thị Thắm chấm dứt quan hệ lao động. Từ đó, gia đình anh Chiến lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vợ chồng anh phải đi bán vé số dạo ở khu vực xã Biên Giới, huyện Châu Thành để mưu sinh.

Sau khi anh Chiến kêu cứu đến Văn phòng TVPLCĐ, được ông Nho hướng dẫn thực hiện các bước khiếu kiện, vụ việc của anh đã được hoà giải thành, Công ty S. chấp nhận trả cho anh Chiến 80 triệu đồng vào tháng 4.2017.

Sông Ninh

Trong 5 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng TVPL Công đoàn tỉnh đã tư vấn trực tiếp tại Văn phòng và tư vấn lưu động cho gần 1.500 vụ, trên 1.600 cá nhân và 56 tập thể; tư vấn bằng văn bản gần 300 trường hợp, tư vấn gián tiếp gần 50 vụ qua các phương tiện thông tin đại chúng và gần 2.500 cuộc qua điện thoại với các nội dung có liên quan về pháp luật lao động và công đoàn cho người lao động và người sử dụng lao động.

Tham gia bảo vệ người lao động, đoàn viên công đoàn trước toà án 51 vụ của 51 người lao động tại 41 phiên hoà giải tại toà án, xét xử sơ thẩm 4 vụ và 6 vụ tại toà án phúc thẩm. Ngoài ra, Văn phòng TVPL cũng đã giúp 564 công nhân làm thủ tục khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền và khởi kiện chủ doanh nghiệp tại toà án huyện, thành phố, do người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và kỷ luật lao động sa thải trái pháp luật, được các cơ quan và toà án thụ lý đưa ra xét xử và hoà giải thành, người sử dụng lao động bồi thường và trả tiền lương, chế độ BHXH, trợ cấp thôi việc cho 564 người lao động với số tiền gần 6 tỷ đồng, có 180 người lao động được nhận trở lại làm việc.

Tin cùng chuyên mục