Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
VỤ CÂY GỖ QUÝ “BIẾN MẤT” TRONG RỪNG PHÒNG HỘ DẦU TIẾNG:
“Sơ suất” từ phía cơ quan chức năng
Thứ bảy: 18:37 ngày 22/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thay vì Ban quản lý rừng chuyển hồ sơ qua cho Hạt Kiểm lâm ký, sau đó, Hạt phải trực tiếp chuyển ngược lại cho Ban quản lý (để bổ sung thủ tục xin ý kiến cấp trên) thì lại chuyển qua tay của ông Nguyễn Văn Năm, tức người làm đơn xin tận thu cây. Sau đó mới xảy ra sự việc đáng tiếc như đã biết”.

Sau khi Báo Tây Ninh có bài phản ánh về việc cây giáng hương bổng dưng “biến mất” trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng, dư luận đặc biệt quan tâm, mong sớm có kết quả xử lý vụ việc. Tuy nhiên, từ khi cây bị bán đến nay đã hơn 1 tháng, ngành chức năng vẫn chưa tìm ra được tang vật.

Ngày 21.9, ông Mang Văn Thới- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Vụ việc được chính thức bắt đầu điều tra vào ngày 24.8, do đến khoảng thời điểm này người dân mới có đơn trình báo”.

Chúng tôi đặt vấn đề với ông Thới: “Nguyên nhân nào mà các loại giấy tờ của Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng đang trong quá trình chờ xin ý kiến cấp trên lại lọt được vào tay của người mua cây?”. Ông Thới trả lời: “Có sự sơ suất và chủ quan của cán bộ trong việc này.

Thay vì Ban quản lý rừng chuyển hồ sơ qua cho Hạt Kiểm lâm ký, sau đó, Hạt phải trực tiếp chuyển ngược lại cho Ban quản lý (để bổ sung thủ tục xin ý kiến cấp trên) thì lại chuyển qua tay của ông Nguyễn Văn Năm, tức người làm đơn xin tận thu cây. Sau đó mới xảy ra sự việc đáng tiếc như đã biết”.

Thực tế, ông Trần Hoàng Nam, Nguyễn Văn Thảnh- bảo vệ rừng tại tiểu khu 59 và ông Chưởng- bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 58 đều biết mặt và số điện thoại của người mua cây tên K. Lý do, lúc đầu ông K trình giấy tại tiểu khu 58, ông Nam không đồng ý vì cây bị đào gốc tại tiểu khu 59.

Ông Chưởng là người đã xem qua giấy tờ từ tay ông K, đồng thời còn cầm máy điện thoại của ông K để nói chuyện với ông Nam (như đã đề cập trong bài trước). Lúc ông K đem các chứng từ vào tận gốc cây giáng hương, cả ông Thảnh và ông Nam đều thấy mặt ông K.

Thế nhưng, theo ông Thới, sau khi sự việc xảy ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã 3 lần mời ông K lên làm việc nhưng ông chỉ đến 1 lần. Ông K hoàn toàn phủ nhận việc mua cây giáng hương tại tiểu khu 59 rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Mặc dù vậy, Chi cục cũng đã cung cấp hình ảnh của ông K cho ông Nam, ông Thảnh và ông Chưởng nhận diện.

Cả 3 bảo vệ rừng đều khẳng định ông K chính là người trong tấm ảnh. “Hiện vụ việc đang được Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Công an huyện Tân Châu tiếp tục điều tra làm rõ. Sau khi có kết luận chính thức, sẽ có hướng xử lý các cán bộ có liên quan” - ông Thới cho hay.

Nhiều người cho rằng, có khá nhiều phương pháp để xác định nhanh chóng ai là người đã mua cây giáng hương. Cụ thể, cho nhân chứng nhận diện, lấy lời khai từ những người đào thuê gốc cây (đã bị quay phim, chụp hình), trích lục lại nhật ký cuộc gọi, trích xuất camera an ninh trong khoảng thời gian mà ông Nam cho biết… Dù sao, vụ việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, tin rằng, dư luận sẽ có câu trả lời thoả đáng..

MINH QUỐC

Tin cùng chuyên mục