Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Sốt đất” đã hạ nhiệt
Thứ hai: 00:06 ngày 05/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau một thời gian “nóng” bất thường, những tháng gần đây, tình trạng “sốt đất” có phần lắng dịu, nhất là ở những địa phương giáp ranh các đô thị lớn như huyện Hoà Thành và thành phố Tây Ninh.

Cánh đồng tại xã Phước Chỉ nơi được cho là sẽ có đường dẫn xuống cầu An Hoà đi qua, làm giá đất nông nghiệp tăng khá mạnh.

Theo lãnh đạo UBND xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, trong hai năm 2017, 2018, tình trạng mua bán, sang nhượng đất ở địa phương tăng đột biến, khiến giá đất tăng cao. Tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay, đặc biệt khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 15 quy định về tách thửa đất, dù giá đất mua bán trên thị trường không giảm nhưng số lượng người mua bán, sang nhượng đã giảm rõ rệt. 

Nhiều xã ở huyện Châu Thành cũng tương tự. Mỗi ngày chỉ có vài người dân đến UBND xã liên hệ làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất nhưng phần nhiều là hồ sơ thừa kế, cho tặng giữa người thân trong gia đình.

Theo một cán bộ xã, cơn “sốt đất” những năm qua ít nhiều có sự liên quan đến các “đầu nậu”. Theo tìm hiểu của cá nhân ông, vào thời điểm “sốt”, nhiều cá nhân đến địa phương mua đất nhưng không phải là người trong tỉnh mà đến từ các tỉnh, thành lân cận. Ông phán đoán, có thể vào thời điểm trên, do nhu cầu mua đất khá nhiều nên đẩy giá lên cao. Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng sốt đất “ảo”, phân lô bán nền đất nông nghiệp ồ ạt, xô bồ lại không thấy những “người lạ” mua, bán đất ở địa phương như thời gian trước đó.

Đáng lưu ý là, hầu hết những “người lạ” đến Tây Ninh mua đất đã bán gần như toàn bộ đất đã mua trước đó và không còn lai vãng ở địa phương. Hiện tại, ở nhiều địa phương đang có tình trạng một số người mua đất nhưng bán rất chậm, khó bán chứ không “sốt dẻo” như trước. 

Tại 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng, tình trạng này cũng diễn ra “rất nóng” trong những tháng đầu năm 2019. Theo lãnh đạo UBND xã Phước Chỉ, trước thông tin dự án cầu An Hoà sắp được thi công, nhiều người từ các xã khác trên địa bàn huyện Trảng Bàng và các huyện lân cận tìm đến mua đất nông nghiệp nên đẩy giá đất lên cao.

Trước đó, đất nông nghiệp ở địa phương được người dân mua bán tính bằng công, bằng mẫu (ha) giá khoảng 600-700 triệu đồng/ha. Còn hiện tại, đất ven theo con đường xuống bến phà Lái Mai được bán theo mét ngang với giá khoảng 40 - 50 triệu đồng/m. 

Theo Chủ tịch UBND xã, có thể giá đất tăng đột biến là do “ăn theo” dự án cầu An Hoà và đường dẫn xuống cầu. Thế nhưng, tình trạng giá đất tăng cao bất thường cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Khoảng 2-3 tháng trở lại đây đã lắng dịu.

Nhiều người cho rằng tình trạng “sốt đất” bất thường có khả năng có bàn tay của giới “đầu nậu” và “cò đất” can thiệp, tạo ra. Bên cạnh đó, khác với các dự án bất động sản được Luật Kinh doanh bất động sản điều chỉnh, thị trường mua bán đất tự do chưa có cơ chế để kiểm soát chặt. Đây cũng là “kẽ hở” để giới “đầu nậu” và “cò đất” tranh thủ “làm ăn” thời gian qua. Người dân thiếu tỉnh táo, ham lợi nhuận có thể sụp bẫy khi mua đất ở những khu vực được cho là “sốt đất”.

Thực tế cho thấy, “cơn sốt đất” chỉ diễn ra trong một thời gian và hiện nay đã “hạ nhiệt”, thậm chí có thể có khả năng “đóng băng” trong thời gian tới. Hệ luỵ là, đã có không ít người do chạy theo lợi nhuận liều lĩnh đầu tư mua đất với giá cao để rồi phải “ngậm ngùi” do không ai mua hoặc phải chịu bán lỗ.

THIÊN TÂM 

Tin cùng chuyên mục