Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Thủ phủ” heo điêu đứng vì thương lái Trung Quốc “bỏ bom”
Thứ năm: 17:22 ngày 02/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Vương quốc” heo ở Đồng Nai dẫn đầu cả nước với tổng đàn trên 2 triệu con. Thế nhưng, nông dân đang sống dở, chết dở vì thương lái Trung Quốc ngưng mua, giá heo rớt thê thảm.

Người nuôi heo đang méo mặt vì giá heo giảm mạnh. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nguy cơ nợ chồng nợ

Bà Nguyễn Thị Loan, chủ  một trại heo ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom lo lắng: “Trước tết, chạy ngược chạy xuôi tôi mới bán được đàn heo hơn 100 con  (hơn 10 tấn) với giá 26.000 đồng/kg, lỗ trên 1 triệu đồng/con. Tháng này cũng phải xuất đàn 100 con tiếp, nếu giá không lên, tui sợ phải ôm nợ. Nhưng giá nào cũng phải bán, chứ để lại, tiền thức ăn tốn kém. Đó là chưa kể heo trên 1,2 tạ/con thành heo mỡ càng thêm khó bán”. Lâm vào tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Hữu Kha như ngồi trên đống lửa khi gọi mãi thương lái mới tìm đến và trả 26.000 đồng/kg.

“Biết giá quá thấp nhưng không bán cho họ thì biết bán cho ai bởi khắp vùng ai cũng bán với giá đó”- ông Kha thở dài. Vay mượn ngân hàng, tiền dành dụm được gần một tỷ đồng ông Kha đổ hết vào trại heo. Giờ gia đình ông đứng trước nguy cơ bị nợ chồng nợ.

Ông Sáu Em có trại nuôi lên đến 6.000 con, đợt này mất cả chục tỷ đồng vì heo rớt giá. Mỗi con heo giống ở trại này được mua vào 2 triệu đồng, nhưng theo ông Em khi xuất bán không đầy 3 triệu. Ông Nguyễn Văn Diệp - thương lái ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đây, mỗi ngày mua hàng trăm con heo cho các đầu nậu đưa ra biên giới phía Bắc, tiền luôn được ứng trước cho các chủ trại. Theo ông, cùng thời điểm này vào năm trước, người chăn nuôi lãi từ 1 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/con.

“Nhưng từ cuối năm 2016 đến nay, đầu nậu ngưng mua, thương lái trong vùng chỉ mua cầm chừng cung cấp đủ nguồn thịt cho các lò mổ trong vùng. Hộ chăn nuôi đang lỗ trên 1 triệu đồng/con heo xuất chuồng”- ông Diệp nói.

Đại lý thức ăn chăn nuôi khó thu hồi vốn

Hoài Ân (Bình Định) được xem là vựa heo lớn nhất miền Trung với đàn heo 280 nghìn con, nhưng giờ đây câu chuyện về heo chết, heo rớt giá đang khiến người nuôi lao đao.

Anh Trần Văn Vân (43 tuổi, ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức) thất thần nhìn chuồng heo trống trơn. Anh cho biết đàn heo 300 con chết dần, số còn lại khoảng 100 con thì bán lỗ bán tháo để trả nợ. Tiền nợ cám của đại lý đã hơn 1 tỷ đồng. Mấy năm trước sau khi bán thì ngoài thanh toán tiền cám, trừ tiền giống cũng cho thu về cả trăm triệu, ai ngờ năm nay họa liên tiếp, giá heo rớt thê thảm.

Giá heo hiện nay mà thương lái thu mua 28.000 - 32.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đối với heo ít nạc, giá còn giảm thêm khoảng 2.000 - 4.000/kg.

Chị Lê Thị Ngọc Tuyến bần thần vì giá heo rớt thê thảm, món nợ cả tỷ đồng không có khả năng trả.

Sở hữu đàn heo lớn nhất xã Ân Nghĩa, chị Lê Thị Ngọc Tuyến (thôn Phú Ninh) đang mất ăn mất ngủ vì giá heo rớt mạnh, nếu bán phải chấp nhận thua lỗ nặng trong khi số tiền nợ mua cám heo đã lên đến tiền tỷ. “Trước tết thì heo chết, giờ thì giá rớt, không biết xoay cách nào cho hết lỗ” - chị Tuyến thở dài.

Câu chuyện heo rớt giá còn ảnh hưởng đến các đại lý thức ăn chăn nuôi. Ở đây, các đại lý thường cho các hộ nuôi mua nợ, đến khi xuất chuồng sẽ thanh toán. Nhưng tình trạng heo chết, giá heo rớt khiến cho các chủ đại lý cũng như ngồi trên lửa vì không thể thu lại được khoản nợ như thời hạn. 

Anh Phan Trung Khánh – chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức, cho biết đang đau đầu với khoản nợ 4 tỷ đồng của các hộ nuôi và chưa biết lấy đâu ra vốn để quay vòng. Lâu nay vẫn cho người dân mua nợ đến khi xuất chuồng thì trả nhưng năm nay thì hộ nào cũng lỗ không có tiền trả nợ. Muốn các con nợ có tiền trả nợ cho anh thì phải đầu tư tiếp cho họ tiếp tục nuôi heo. Nếu lứa heo tới họ trúng thì may ra mình đòi được nợ, nếu họ tiếp tục thua lỗ thì số nợ của mình sẽ chồng thêm cao. Hầu hết các đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện đang lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan.

“Hiện toàn tỉnh còn tồn khoảng 400.000 con heo có trọng lượng từ 70kg trở lên. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày nhu cầu tiêu thụ tại Đồng Nai và xuất đi TPHCM chỉ trên 5.000 con”. 

Ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai 

Theo các hộ dân ở đây, giá heo thường do các thương lái quyết định. Đến thời gian heo xuất chuồng thường bị thương lái ép giá xuống. Trong khi đó theo tìm hiểu, heo sau khi mua từ các hộ dân thì được xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Một thương lái nhiều năm trong nghề cho hay, chính họ cũng thường xuyên bị các “bạn hàng” nước bạn lật lọng, o ép, làm ăn với các thương lái Trung Quốc rủi ro cao. Đợt tháng 2 vừa rồi xuất một chuyến heo sang Trung Quốc qua cửa khẩu Trùng Khánh, nhưng sau đó bị phía bạn hàng gây khó dễ, heo phải nằm chờ lâu nên dẫn đến chết hàng loạt, lỗ hơn 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết, tổng đàn heo toàn huyện khoảng 280.000 con. Hiện nay huyện khuyến cáo người dân không nên tăng đàn mà khuyến khích nuôi heo chất lượng cao, đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng tránh rủi ro lớn.

Thương lái Trung Quốc ngưng mua

Nói về nguyên nhân khủng hoảng thừa heo trên địa bàn Đồng Nai hiện nay, ông Trần Văn Quang - Chi  cục trưởng Chăn nuôi - Thú  y Đồng Nai cho biết, nguyên nhân có lượng heo tồn lớn như vậy là do tình trạng tăng đàn quá nhanh. Trong khoảng 3 năm nay giá heo ổn định, người chăn nuôi có lãi nên tiếp tục tăng đàn và đầu tư mới. Năm 2015, tổng đàn heo của Đồng Nai là 1,7 triệu con thì năm 2016 đột biến tăng lên hơn 2 triệu con. Từ tháng 12/2016 đến nay, phía Trung Quốc ngưng nhập heo từ Việt Nam, trong khi tiêu thụ trong nước chỉ có hạn nên mới xảy ra tình trạng thừa như vậy. 

“Ngành quản lý chăn nuôi, Hiệp hội chăn nuôi đã có nhiều khuyến cáo với người chăn nuôi cẩn trọng với việc đầu tư khi tỷ trọng cung vượt cầu quá xa, nguồn thịt xuất khẩu không chủ động được, nhưng cảnh báo không hiệu quả”- ông Quang nói.

Ông Tăng Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Giá heo sụt giảm là do tỷ lệ tăng đàn quá nhanh nhưng không chủ động được thị trường. Hiện nay lượng heo trên địa bàn tỉnh chỉ tiêu thụ hết 60% ở thị trường trong nước, phần còn lại phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc ngưng mua, ngay lập tức lượng heo tồn đọng sẽ rất lớn”- ông Đoán cho hay.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguy cơ phá sản vì giá heo hơi đang ở mức thấp kỷ lục suốt 10 năm qua. Hiệp hội chỉ còn cách gửi văn bản kêu gọi các công ty kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi chia sẻ khó khăn với nông dân bằng cách không tăng giá bán cho đến khi giá heo hơi ổn định trở lại.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục