Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Tiếp sức” cho nông dân
Thứ hai: 11:45 ngày 11/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau 2 năm triển khai thực hiện chính sách xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tỉnh đã hỗ trợ 5 dự án trồng dứa, chuối già Nam Mỹ, chanh dây của nông dân (với mức 30% mua giống cây trồng) tại các huyện Tân Châu, Tân Biên và Trảng Bàng với tổng diện tích 349 ha. Tuy nhiên việc liên kết bao tiêu sản phẩm vẫn còn là thách thức không nhỏ đối với nông dân.

Thu hoạch mãng cầu trên địa bàn xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh.

VẪN LOAY HOAY TÌM ÐẦU RA BỀN VỮNG

Ngày 5.7.2018, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2018/NÐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để thay thế Quyết định 62/2013/QÐ-TTg ngày 25.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Nghị định 98 quy định nhiều nội dung mới như phạm vi điều chỉnh và nội dung hỗ trợ được mở rộng ở nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thuỷ sản, lâm nghiệp; mức chi phí tư vấn xây dựng liên kết, vốn đầu tư máy móc thiết bị, xây dựng hạ tầng phục vụ liên kết…

Ðây là một tín hiệu đáng mừng cho người nông dân, vì hiện nay tình hình liên kết bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX... chưa được trọn vẹn khi vẫn phải thông qua kênh thương lái, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả.

Ông Huỳnh Biển Chiêu- Giám đốc Công ty TNHH MTV Biển Chiêu (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) cho biết, dù mãng cầu của doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, tạo được niềm tin cho khách hàng, có chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên có những thời điểm, chỉ giao theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm ký kết khoảng 60% sản lượng, còn khoảng 40% phải bán cho thương lái với giá cả phụ thuộc vào thị trường, không ổn định.

Theo ông Chiêu, sau khi thành lập doanh nghiệp, ông đã liên kết với nhiều nông dân trồng mãng cầu để mở rộng quy mô canh tác mãng cầu VietGAP. Công ty cũng có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho nông dân liên kết để họ an tâm gắn bó, canh tác mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Công ty cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ cho vay vốn sản xuất. Tuy nhiên nếu được thụ hưởng những chính sách mới về liên kết, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, cũng như có những hướng đi mới để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới

Một thành viên hội đồng quản trị HTX rau an toàn Rỗng Tượng (xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) cho biết, thời gian qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm rau, trái cây an toàn của HTX không được như mong muốn. HTX chỉ ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm một sản lượng nhỏ, một phần sản phẩm bán tại hệ thống cửa hàng của HTX, còn lại phần lớn vẫn phải tiêu thụ qua kênh thương lái tự do trên thị trường.

Theo vị này, dù được tỉnh hỗ trợ các chính sách vay vốn ưu đãi để HTX sản xuất nhưng vấn đề quan trọng mà hiện nay các HTX, tổ liên kết đều mong muốn là được cơ quan chức năng hỗ trợ trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nông dân khi trồng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi phải bỏ công sức nhiều hơn, tuân thủ các quy trình trong quá trình chăm sóc nhưng phải bán cho thương lái bằng giá các sản phẩm trồng bình thường là điều bất cập mà hiện nay các HTX, tổ liên kết đang gặp phải nên rất cần được các ngành chức năng hỗ trợ trong việc giúp đỡ, tư vấn những kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định.

THIẾU ÐẦU RA, KHÓ BỀN VỮNG

Thu hoạch bí đao.

Theo ông Nguyễn Ðăng Khoa- Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, trước đây tại khu phố Ninh Phúc có Tổ Liên kết sản xuất rau an toàn Bình An. Khi đi vào hoạt động, Tổ nhận được nhiều sự ủng hộ. Nông dân tham gia thấy được lợi ích của việc canh tác sản phẩm theo tiêu chí rau an toàn VietGAP đối với sức khoẻ cộng đồng. Thế nhưng do không tìm được đầu ra cho sản phẩm, các thành viên vẫn phải phụ thuộc thương lái nên dần dà nhiều thành viên Tổ Liên kết không còn mặn mà tham gia. Ðến nay gần như Tổ Liên kết sản xuất rau an toàn Bình An không còn hoạt động

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Thạnh, vấn đề là làm sao tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, ký kết được các hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm giúp người nông dân an tâm liên kết sản xuất.

Ông Huỳnh Văn Tự, Tổ trưởng Tổ Liên kết trồng rau an toàn Ninh Phúc cho biết, Tổ được thành lập khoảng 8 tháng nay, dù trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn nhưng vẫn phải bán cho thương lái do chưa có kênh tiêu thụ. Hiện tổ đang chờ giấy chứng nhận VietGAP để tìm kiếm thị trường liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Tự cũng băn khoăn, từ khi thành lập, Tổ Liên kết nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền, ngành nông nghiệp nhưng trước sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, Tổ Liên kết luôn hy vọng có được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc giúp Tổ Liên kết phát triển như vay vốn đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ tìm kênh tiêu thụ sản phẩm.

CHÍNH QUYỀN LUÔN ÐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN

Nông dân xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu chuẩn bị mùa vụ mới. Ảnh: Lê Văn Hải

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 98, ngành nông nghiệp tỉnh kịp thời có tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh về việc hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 -2025. Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ theo chính sách này tương đối rộng hơn bao gồm: nông dân, chủ trang trại, người được uỷ quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác (gọi chung là nông dân); cá nhân, người được uỷ quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký kinh doanh (gọi chung là cá nhân), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về nguyên tắc hỗ trợ, quy định đối với mỗi loại hình liên kết quy định tại Ðiều 4 Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các bên tham gia liên kết ở nội dung nào thì được hỗ trợ ở nội dung đó. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào các nội dung liên kết theo hợp đồng, dự án liên kết hoặc kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết để quyết định hỗ trợ theo quy định.

Các khoản hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được dự thảo quy định trong tờ trình gồm: hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

 Ðồng thời tờ trình cũng dự thảo quy định về  hồ sơ và trình tự thủ tục hỗ trợ liên kết như đơn đề nghị của chủ trì liên kết, dự án liên kết hoặc kế hoạch đề nghị liên kết; bản thoả thuận cử đơn vị chủ trì liên kết đối với trường hợp các doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng liên kết với nhau; bản sao chụp các chứng nhận hoặc bản cam kết về tiêu chuẩn chất lượng an toàn sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường…

Tổng kinh phí ngân sách Nhà nước dự kiến thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là 105.100 triệu đồng

Hy vọng khi chính sách này được cơ quan có thẩm quyền chính thức thông qua để thực hiện, ngành nông nghiệp sẽ cùng đồng hành với nông dân để đưa nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh