Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Góp ý dự thảo Luật Đất đai:
“Tuổi thọ” quy hoạch phải đủ độ dài để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân sinh
Thứ bảy: 11:07 ngày 11/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quy hoạch chỉ 2 cấp là cấp quốc gia và cấp tỉnh, còn xây dựng kế hoạch sử dụng đất là phải 4 cấp: quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Chương IV, từ Điều 38 đến Điều 54 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Với những điều khoản, nhiều nội dung mới, cụ thể, dự thảo Luật Đất đai có nhiều điểm tiến bộ, giải đáp được nhiều khó khăn, vướng mắc của người dân. 

Tuy nhiên, trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu về những tồn tại của Luật Đất đai năm 2013: “Quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm…”, vì vậy thiết nghĩ những khó khăn, vướng mắc đó cần phải được làm rõ hơn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ nhất, dự thảo luật quy định việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện ở 3 cấp: quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện theo trình tự và “… được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên. Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập đồng thời, chia sẻ, tích hợp thông tin trong quá trình lập quy hoạch….”.

Điều này có nghĩa, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của cấp trên quyết định quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới. Nghe có vẻ hoàn hảo nhưng có những bất hợp lý và tốn nhiều công, nhiều của. Tổng thể là của Trung ương, nhưng cụ thể là của cấp tỉnh.

Đáng lẽ phải có bức tranh đủ các gam màu cụ thể để hình thành nên một bức tranh toàn thể, thì dự thảo luật dường như đi ngược lại. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy trình quy hoạch từ cấp tỉnh lên cấp quốc gia để bảo đảm tính chính xác, cụ thể, khoa học.

Thứ hai, việc xây dựng các công trình, dự án đầu tư, giao thông, thuỷ lợi, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng chuyên canh, phát triển hạ tầng… chủ yếu là của cấp tỉnh. Vậy có cần đưa cấp huyện thành một cấp quy hoạch với một quy trình nhiêu khê, tốn kém? Theo tôi, để phục vụ cho quy hoạch cấp tỉnh, các huyện xây dựng báo cáo với yêu cầu cụ thể để tỉnh xem xét và đưa vào quy hoạch chung là đủ.

Như vậy, quy hoạch chỉ 2 cấp là cấp quốc gia và cấp tỉnh, còn xây dựng kế hoạch sử dụng đất là phải 4 cấp: quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Thứ ba, dự thảo quy định quy hoạch ở 3 cấp độ quốc gia, tỉnh, huyện: “Định hướng sử dụng đất 10 năm, tầm nhìn 30 năm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm quốc phòng…”.

Điều này đáng băn khoăn, cụ thể như quy hoạch khu đó, vùng đó là nhà ở, khu dân cư, mà đã là nhà ở thì phải có thời gian dài để người dân an cư, lạc nghiệp. Nếu định hướng chỉ 10 năm thì người dân không an tâm, hoặc xây dựng khu công nghiệp mời nhà đầu tư vào họ xây nhà xưởng, nhưng thời gian quy định như trên thì họ cũng không muốn đổ tiền vào.

Những năm qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở nhiều nơi thường xuyên thay đổi, thiếu ổn định, có khi mang tính chủ quan, nhưng cũng không ít trường hợp vì lợi ích nhóm, dẫn đến phá nát quy hoạch, Nhà nước, người dân mất đất, mất tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống, nảy sinh tham nhũng tiêu cực, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Do đó, đề nghị dự thảo luật quy định chặt chẽ, cụ thể về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ tư, để Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có tuổi thọ dài hơn thì một mặt, ngoài việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật, mặt khác cần chú trọng nhiều hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp… Đồng thời, việc lấy ý kiến rộng rãi, khoa học còn giúp luật sau khi được ban hành sẽ dễ dàng đi vào đời sống hơn.

Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là hết sức quan trọng, trong đó quy hoạch là nền tảng, là cơ sở để xây dựng kế hoạch sử dụng đất, cũng như làm cơ sở để thực hiện các chính sách liên quan về đất đai. Vì vậy, cần nghiên cứu thấu đáo để Luật Đất đai lần này khi ban hành sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển, dân giàu, nước mạnh và người dân sẽ an cư lạc nghiệp.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục