Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giảm nghèo bền vững:
Ðường còn dài
Thứ sáu: 00:10 ngày 03/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, những năm qua, đã có nhiều hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình không tìm ra lối thoát trên con đường mưu sinh.

Trao bò sinh sản cho phụ nữ nghèo huyện Tân Châu. (Ảnh: Công Điều)

Gia đình chị Lê Thị Lùn, ở ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Châu Thành là một trong những hộ thoát nghèo nhờ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Nhiều năm nay, chị Lùn bị mắc bệnh đau xương sống nên không lao động nặng được.

Hằng ngày, vợ chồng chị kiếm sống bằng nghề cạo mủ cao su cho bà con quanh vùng. Cố gắng hết mức nhưng thu nhập không đủ nuôi hai đứa con, bao năm qua, gia đình chị vẫn ở trong căn chòi lụp xụp và được xếp vào diện hộ nghèo.

Năm 2016, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương xét tặng cho gia đình chị một con bò sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc, con bò đã đẻ được một con bê. Theo quy định, vợ chồng chị chăm sóc chú bê trong 12 tháng và giao lại  Dự án để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo khác.

Vợ chồng chị được giữ lại con bò sinh sản. Đến năm 2017, chính quyền địa phương tiếp tục xây tặng cho gia đình chị một căn nhà đại đoàn kết. Có nhà ở, có bò để nuôi và tiếp tục cố gắng làm công nhân cạo mủ cao su với mức thu nhập trung bình 6,5 triệu đồng/tháng, vì vậy, từ năm 2018 đến nay, gia đình chị Lùn đã thoát nghèo.

“Nếu không được sự giúp đỡ từ Nhà nước, vợ chồng em cũng chưa biết đến khi nào mới thoát khỏi cảnh nghèo và có được nhà cửa đàng hoàng như hôm nay”- chị Lùn chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn thoát nghèo. Ngay trên địa bàn xã Tân Phú cũng có gia đình dù đã được hỗ trợ hết mức nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh thiếu trước hụt sau.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Ba, 88 tuổi, ngụ ấp Tân Hoà là một ví dụ. Vợ chồng bà Ba có 6 người con, chồng bà qua đời từ nhiều năm trước. Đến nay, tất cả các con đều đã lớn khôn và lập gia đình. Khi chúng tôi đến thăm, thấy bà Ba chống nạng, được người con gái thứ sáu dìu đi từ nhà sau lên nhà trước. Hai mẹ con chậm rãi bước đi khó nhọc từng bước một.

Người con gái thứ sáu tên Huỳnh Thị Hoa, 53 tuổi kể, 15 năm trước, chị bị tai biến đi đứng khó khăn. Vợ chồng chị cũng chia tay nhau từ lâu và cũng không có với nhau mặt con nào.

Từ đó đến nay chị khăn gói về sống với mẹ. Cậu em trai tên Huỳnh Văn Rồng, năm nay 49 tuổi, cũng cùng cảnh ngộ. Anh bị bệnh xương thuỷ tinh (loãng xương), nhiều lần bị gãy chân.

Nhiều năm trước, vợ chồng anh cũng ly hôn và chẳng có mụn con. Từ đó đến nay, ba mẹ con bệnh tật, nương náu với nhau. Hằng ngày, trên chiếc xe lắc, anh Rồng đi bán vé số dạo trong thôn xóm, được khoảng 150 tờ, nuôi sống cả gia đình. Hơn 10 năm trước, chính quyền địa phương đã xây tặng cho gia đình bà Ba căn nhà đại đoàn kết, nhưng nay đã xuống cấp, cần được sửa chữa.

Chị Lê Thị Nhung, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tân Châu cho biết, đối với gia đình bà Ba, chính quyền địa phương và ngành LĐ-TB&XH tìm mọi cách để hỗ trợ các chính sách dành cho người nghèo, nhưng gia đình này không thể thoát nghèo. Phòng đang dự kiến đưa gia đình vào diện hộ nghèo vĩnh diễn. Căn nhà của bà Ba xuống cấp, xã đã đưa vào danh sách khảo sát để sửa chữa.

Chị Nhung cho biết thêm, từ năm 2016-2019, huyện đã triển khai được 17 dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo bằng hình thức hỗ trợ bò sinh sản. Qua 4 năm thức hiện, trên địa bàn huyện có 89 hộ/526 hộ thoát nghèo (riêng năm 2019, mô hình được triển khai vào cuối tháng 12, nên chưa thể đánh giá được).

Theo bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo ở Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 là hơn 3.774 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh giảm từ 4,32% vào đầu năm 2016 xuống còn 1,69% vào cuối năm 2019, giảm bình quân 0,66%/năm.

Dù bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận, song bà Lan chia sẻ, việc triển khai thực hiện chương trình này cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, như Trung ương chậm ban hành các văn bản quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, dẫn đến việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh chậm.

Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với mức hỗ trợ cho các đối tượng tham gia dự án còn thấp, chủ yếu từ nguồn ngân sách hỗ trợ.

Phần lớn các hộ nghèo không có điều kiện để góp vốn; các hộ dân sau khi kết thúc dự án hỗ trợ vật nuôi thường không tái đàn; người nghèo thiếu đất, kinh nghiệm sản xuất, thiếu lao động. Các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia học nghề theo Đề án hỗ trợ lao động nông thôn học nghề còn ít, do tâm lý không muốn học nghề mà muốn đi làm thuê, làm mướn để có tiền lo cho gia đình hằng ngày.

Một bộ phận hộ nghèo nhận thức còn hạn chế, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, trông chờ các chính sách hỗ trợ. Ở một số địa phương, tình trạng tách hộ để hưởng chính sách hộ nghèo vẫn còn xảy ra.

Từ thực trạng nêu trên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH kiến nghị cấp trên sớm ban hành chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Trong đó, các biểu mẫu rà soát được cải thiện nhằm bảo đảm tính khách quan, phù hợp với đặc điểm từng vùng/miền. Có phương pháp kiểm tra mức độ chính xác trong việc tính thu nhập của người dân (không thông qua chấm điểm tài sản), vì thực tế còn nhiều hộ “có điều kiện” thu nhập khá nhưng không có tài sản, cố tình không kê khai đủ, đúng tài sản.

Tích hợp các chính sách hỗ trợ hộ nghèo phù hợp theo điều kiện của từng vùng/miền, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ cho không (hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về giáo dục...). Nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng tham gia các dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình phù hợp với đặc điểm vùng/miền.

Nâng mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện/xã có điều kiện khó khăn; ưu tiên tập trung cho các tỉnh có đường biên giới và có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, nhằm tạo thuận lợi trong giao thông, từ đó góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh