Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023, TP.HCM dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu với hơn 42,4 tỉ USD.
Sáng 16-5, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức lễ công bố “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”.
Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Năm 2023 là một năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài.
Công bố “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”. Ảnh: CẤN DŨNG
“Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do vậy chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn… Tuy nhiên, kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023 vẫn đạt 681,1 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỉ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỉ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28,3 tỉ USD” - ông Hải chia sẻ.
Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2023 lần lượt là: TP.HCM với kim ngạch hơn 42,4 tỉ USD; Bắc Ninh 39,3 tỉ USD; Bình Dương 30,6 tỉ USD; Hải Phòng 26,7 tỉ USD; Thái Nguyên kim ngạch 25,6 tỉ USD; Bắc Giang 24,4 tỉ USD; Đồng Nai 21,6 tỉ USD; Hà Nội 16,6 tỉ USD; Phú Thọ 10,5 tỉ USD; Vĩnh Phúc 9,9 tỉ USD.
10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu 12,9 triệu USD, Điện Biên 22,4 triệu USD, Sơn La 25,5 triệu USD, Bắc Cạn 37,6 triệu USD, Ninh Thuận 62 triệu USD, Cao Bằng 85,8 triệu USD, Đắk Nông 100 triệu USD, Hà Giang 145 triệu USD, Quảng Bình 179 triệu USD, Tuyên Quang 183 triệu USD.
Cùng với lễ công bố “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”, Bộ Công Thương cũng tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành logistics và Thương mại điện tử hiện đại, bền vững”.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Trong đó có Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics cũng là một trong tám ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
“Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh “chuyển đổi số” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác"- Ông Hải nói.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo đó tối ưu hiệu quả của các hoạt động của hai ngành này, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Nguồn PLO