Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
100 năm của chiếc khẩu trang từ cúm Tây Ban Nha đến Covid-19
Thứ hai: 22:53 ngày 06/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, Mỹ là nước nhanh chóng cho rằng "Đeo khẩu trang chống cúm". Nước này cũng có nhiều chiến dịch yêu cầu người dân che mũi, miệng nơi công cộng.

Zing trích dịch các bài viết của CNN, SCMP, BBC về việc Mỹ là nước tiên phong trong việc bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng trong dịch cúm vào năm 1918. Tuy nhiên, sau 100 năm, khi đối mặt với Covid-19, xứ cờ hoa lại tranh cãi việc có nên đeo khẩu trang để phòng dịch hay không.

Khi đại dịch cúm Covid-19 tràn vào châu Á, người dân trong khu vực đã nhanh chóng đeo khẩu trang để phòng chống lây nhiễm. Tuy nhiên ở các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, việc đeo khẩu trang phòng dịch còn là điều mới mẻ.

Thậm chí, dù chính quyền liên bang ngày 3/4 khuyên người Mỹ nên che mặt khi ra ngoài để giúp chống lại virus corona, Tổng thống Donald Trump nói sẽ không theo khuyến nghị này: “Tôi lựa chọn sẽ không làm vậy”. Trong quá khứ, lịch sử từng chứng kiến nước Mỹ và châu Âu yêu cầu người dân đeo khẩu trang ra phố trong đại dịch cúm xảy ra vào năm 1918.

Các kho lương thực miễn cưỡng biến thành các bệnh viện cách ly và chữa bệnh. Ảnh: CNN.

Đeo khẩu trang là điều bắt buộc

Thời điểm đó, hơn 1/3 dân số thế giới bị nhiễm bệnh, tương đương với khoảng 500 triệu người, 50 triệu người tử vong và một nửa trong số đó sống tại Mỹ.

Mặc dù nguồn gốc của virus vẫn là một ẩn số, người ta vẫn đặt tên cho nó là cúm Tây Ban Nha. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng khi lính chiến đấu trong Thế chiến I nhiễm bệnh. Sau đó, các kho lương thực miễn cưỡng biến thành bệnh viện chữa và cách ly.

Tháng 10/1918, San Francisco, Mỹ đã trở thành ổ dịch bệnh lần thứ hai, bệnh viện lần lượt tiếp nhận số lượng bệnh nhân tăng lên chóng mặt.

Ngày 24/10/1918, khi San Francisco ghi nhận hơn 4.000 ca mắc, một Ủy ban Giám sát chính thức thành lập, nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống quyết liệt, trong đó có sắc lệnh “Đeo khẩu trang chống cúm”, biến việc đeo một miếng vải che mũi, miệng ở những nơi công cộng trở thành yêu cầu bắt buộc.

Đeo khẩu trang là bắt buộc tại Mỹ. Ảnh: CNN

Sau đó, một chiến dịch giúp tăng cường nhận thức của người dân đã được triển khai.

Thị trưởng thành phố, cùng các thành viên của Hiệp hội Sức khỏe đã tán thánh trong buổi hội thảo công khai của Hội Chữ thập đỏ: “Đeo khẩu trang để bảo vệ mạng sống của chính mình! Khẩu trang có thể phòng chống 99% vi khuẩn gây bệnh”. Nhiều bài hát được sáng tác về việc đeo khẩu trang, trong đó có bài viết: “Tuân thủ luật pháp và đeo khẩu trang, bảo vệ mặt khỏi sự nhiễm trùng”.

Bất cứ ai không đeo khẩu trang khi ra đường sẽ bị phạt, thậm chí có thể bị đi tù.

Chiến dịch đã đem lại hiệu quả khi California bắt đầu làm theo, từ Santa Cruz và Los Angeles, rồi lần lượt là các tiểu bang trên khắp nước Mỹ.

Hội Chữ thập đỏ kết hợp cùng các tổ chức nâng cao ý thức người dân đeo khẩu trang. Ảnh: CNN.

Phía bên kia Đại Tây Dương, các bước tương tự đã được thực hiện. Ở Pháp, Hội đồng Nghiên cứu khoa học của Học viện Y khoa Paris đã khuyến cáo đeo khẩu trang tại các nhà tù vào đầu tháng 11/1918. Tại Anh, các cán bộ y tế của thành phố Manchester bắt đầu áp dụng biện pháp này.

Báo chí, cùng nhiều thông cáo liên bang tại Mỹ, đã liên hệ việc đeo khẩu trang chống dịch như chống giặc trên chiến trường: “Mặt nạ phòng độc trong chiến hào, khẩu trang chống cúm tại nhà". Tờ Washington Times còn đăng thông báo cung cấp 45.000 chiếc khẩu trang cho quân đội Mỹ để sẵn sàng chống cúm Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, việc bắt buộc người dân đeo khẩu trang chống cúm khi ra đường đã khiến cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao, việc đáp ứng nguồn cung lại trở nên khó khăn.

Thiếu khẩu trang, giải pháp tốt nhất là tự may khẩu trang tại nhà. Ảnh: MassLive.

Một số nơi tại Mỹ, nhà thờ, các nhóm cộng đồng và Hội Chữ thập đỏ kết hợp với nhau tổ chức các buổi hướng dẫn tự làm khẩu trang bằng vải.

Khi Thế chiến I kết thúc vào ngày 11/11, các công ty sản xuất mặt nạ phòng độc đã chuyển sang cung cấp khẩu trang chống cúm.

Ngày 14/11/1918, Tucson, Arizona đã ban hành sắc lệnh đeo khẩu trang, nhưng miễn trừ cho các nhà thuyết giáo, ca sĩ, diễn viên trong rạp chiếu phim và giáo viên – những người làm việc có khoảng cách với khán giả và học sinh.

Ngày 25/10/1918, trang nhất tờ San Francisco Chronicle xuất hiện bức ảnh thẩm phán và các chính trị gia hàng đầu của thành phố đều đeo khẩu trang khi làm việc.

Thẩm phán, các chính trị gia đeo khẩu trang khi làm việc. Ảnh: CNN.

Sẽ không có ai có thể lách luật và không đeo khẩu trang ra đường. Tất cả chuyến tàu đến miền Tây nước Mỹ đều phải chịu sự theo dõi của Ủy ban Giám sát và sẽ có các nhóm tình nguyện viên sẵn sàng cung cấp khẩu trang cho những ai không có.

Dĩ nhiên sẽ có những người cố tình không chấp hành luật. Tại trận đấu boxing tại California, một bức ảnh được chụp với ánh đèn flash cho thấy 50% khán giả không hề đeo khẩu trang. Cảnh sát đã nhanh chóng nhận diện và thực hiện hình phạt thích đáng.

Một người dân bị nhắc nhở sẽ phải đóng góp “tự nguyện” cho tổ chức từ thiện giúp những người lính chiến đấu ở nước ngoài, hoặc nặng hơn sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Cảnh sát Mỹ đeo khẩu trang khi làm việc giúp phòng chống lây bệnh. Ảnh: CNN.

Một thế kỷ sau, ở Đông Á, khẩu trang trở nên phổ biến, không chỉ do sự bùng phát virus, mà còn để bảo vệ sức khỏe con người khỏi tình trạng ô nhiễm không khí và thậm chí chống chọi với thời tiết giá lạnh.

Cộng với trong những năm qua, châu Á đã phải đối mặt với sự bùng phát liên tục của dịch tả, thương hàn và các bệnh truyền nhiễm khác, ví dụ rõ rệt là đại dịch SARS năm 2003. Chính vì thế, việc đeo khẩu trang dần được duy trì thường xuyên.

Ví dụ như Nhật Bản, thói quen đeo khẩu trang đã trở thành hành vi gắn kết xã hội, một biện pháp tự bảo vệ và là trách nhiệm tập thể.

“Tại Nhật Bản, khẩu trang đã trở thành một phương pháp phòng ngừa bệnh cúm rất phổ biến từ những năm 70 - 80. Gần đây, Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự ô nhiễm không khí nên mọi người lại càng thường xuyên đeo khẩu trang hơn”, ông Mits Mitsutoshi Horii, giáo sư tại Đại học Shumei, cho biết.

Ngược lại, với Mỹ và các nước châu Âu, họ đã không còn phải đối mặt với các đại dịch nhiều năm nay. Vì vậy, việc đeo khẩu trang không còn được duy trì.

Thời điểm đầu khi virus corona lan rộng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo rằng chỉ những người có triệu chứng bệnh và những người chăm sóc bệnh nhân mới phải đeo khẩu trang. Những trường hợp còn lại không cần.

Theo WHO, khẩu trang không phải vật dụng ngăn ngừa virus, dễ tạo cảm giác an toàn giả. Nghiên cứu khoa học cho thấy loại virus này lây qua giọt bắn. Vì vậy, rửa tay thường xuyên với xà phòng có hiệu quả phòng bệnh cao hơn.

Bài báo trên tờ San Francisco Chronicle ngày 25/10/1918. Ảnh: CNN.

Nhưng mới đây, ngày 3/4, WHO lại thay đổi lập trường, ủng hộ nỗ lực của các chính phủ khuyến khích hoặc yêu cầu công chúng đeo khẩu trang.

“Chúng tôi thấy rõ trong một số trường hợp việc đeo khẩu trang, cả tự chế và khẩu trang vải, khi ra ngoài cộng đồng, có thể giúp chống dịch”, tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành chương trình ứng phó y tế khẩn cấp của WHO, nói.

Ngày 1/4, California đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ ra hướng dẫn nói đeo khẩu trang sẽ giúp kiềm chế sự lây lan của virus corona, và một số bang, địa phương khác ở Mỹ đã làm tương tự.

Cơ quan phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa ra hướng dẫn mới, theo đó mọi người, đặc biệt là từ các vùng dịch, nên đeo những đồ che mặt như áo phông, khăn vuông bandana và khẩu trang không phải loại y tế khi đi ra ngoài. Nhiều tiểu bang ở Mỹ đang chuẩn bị tinh thần cho tình huống mọi người sẽ đồng loạt mua khẩu trang sau hướng dẫn mới.

"Chúng tôi nhận được các thông điệp khác nhau, và mọi người không rõ có nên đeo khẩu trang trong cuộc sống hàng ngày hay không. Rất khó hiểu. Đeo, hay không đeo?”, Stacey Nelson, chủ một tiệm thuốc ở ngoại ô bang Florida, nói với AP.

"Tôi rất sợ nếu không thống nhất và có một yêu cầu rõ ràng, nước Mỹ sẽ bỏ qua điều quan trọng nhất trong phòng chống dịch".

Nguồn Zing

Tin liên quan