Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
123 năm nhà cổ Tây Ninh
Thứ tư: 10:46 ngày 22/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bảng ghi ngày kỷ niệm khi ngôi nhà được hoàn thành. Ba dòng chữ số, dòng giữa nổi bật ngày tháng năm: 17 Janvier 1894. Vậy là cái nhà này ra đời giữa một ngày xuân- 17.1.1894. Đến nay là 123 năm.

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già tới rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai.

(Mãn Giác thiền sư)

Bà Trần Ngọc Sương (79 tuổi) - cháu đời thứ tư của Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên là người gìn giữ, bảo quản ngôi nhà. Ảnh: P.TK (st).

Trở lại nhà cổ ở số 39- Phan Châu Trinh (TP. Tây Ninh) một ngày xuân Đinh Dậu 2017, bỗng đâu mấy câu thơ trong bài “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư cứ day dứt trong đầu. Ừ thì thời gian cứ trôi qua không trở lại, tóc người thì đã bạc còn mái nhà càng thêm sẫm tím sắc thời gian.

Lần này vào từ cửa hông phía sau, nên hình ảnh đầu tiên dưới bóng tối thời gian lại là một điểm nhấn rực vàng, tươi rói. Đó là tấm bảng thếp vàng gắn trên mí cửa sau nhà. Bảng ghi ngày kỷ niệm khi ngôi nhà được hoàn thành. Ba dòng chữ số, dòng giữa nổi bật ngày tháng năm: 17 Janvier 1894. Vậy là cái nhà này ra đời giữa một ngày xuân- 17.1.1894.

Đến nay là 123 năm. Bảng gỗ, chạm khắc trên toàn bộ khuôn bao và cả phần nền. Chẳng biết người ta thếp vàng bằng chất liệu gì mà sau hơn thế kỷ vẫn sáng ngời lên như thách thức với các phần cửa gỗ bao quanh chỉ một màu nâu sẫm hay các viên gạch nền đất nung hình lục lăng đã mòn dưới lớp lớp chân người.

Lên các gian trên, giữa một không gian trang trọng nhưng mờ tối là tấm ảnh chân dung chủ nhà- Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên. Gầy gò và nho nhã, quần lương trắng, áo dài đen, khăn đóng, trông cụ vẫn tự tại an nhiên giữa khói hương, đèn nến con cháu phụng thờ. Khi điện đã bật lên, thì lại thêm một lần “choáng váng” trước một kỳ công tuyệt tác của người xưa. Bởi những phượng múa chim bay như muốn bật ra từ những bức bao lam điêu khắc rậm dày trước gian thờ tự. Cả những nhành cây, hoa lá, sóng nước như đang vờn trong gió. Và những liễn đối, đại tự long lanh phản chiếu ánh đèn thêm rừng rực vàng son.

Kết cấu khung cột nhà rường cổ xưa như vẫn còn vững chắc, bởi từng hàng cột vẫn tròn vo, nâu bóng. Hàng lan can con tiện gỗ trên căn gác gỗ vẫn đứng đều tăm tắp. Trên ấy nay ít có người lên, nó đã phủ thêm một lớp bụi bạc mờ. Trong cả rừng chi tiết điêu khắc gỗ còn tới 80% ta vẫn có thể nhận ra từng chi tiết. Cửa giữa phía trước là nơi duy nhất có chạm khắc một đôi rồng chầu và một bức án thư.

Chung quanh, trên toàn bộ 3 gian mặt tiền theo lối cửa bức bàn là vài chục ô chạm khắc trang trí khác. Mỗi ô mỗi kiểu; chỗ là hình kỷ hà trên từng nan gỗ mỏng, nơi là các ô quả trám, chỗ khác hoa lá cành. Đặc biệt thú vị là đó đây còn có hình dạng của các loại trái cây quen thuộc ở miền Nam như mãng cầu, vú sữa, khế...

Đấy là kết quả từ sự cố gắng của vài thế hệ con cháu chủ nhân ngôi nhà cổ: chống mối mọt cho từng chân cột và các chi tiết điêu khắc gỗ; dùng các loại sơn phủ bảo vệ trong suốt để vẫn ngời lên vân gỗ. Biết bao tâm tư, công sức đổ vào để kéo dài tuổi thọ cho ngôi nhà. Vậy mà không thể giữ được hoàn toàn.

Một nửa sau phần nhà chính đã không còn giữ được mái ngói móc của thuở ban đầu do rui mè đã rệu rã. Săm soi từng góc tối- vẫn còn những vệt tổ mối thập thò. Ngay cả mặt trước dày rậm điêu khắc gỗ cũng không chịu nổi mưa nắng trăm năm nên đã bạc màu. Và cả những viên gạch tàu ốp trên lan can hành lang trước giờ cũng đã mòn đi phân nửa.

“Trên đầu già tới rồi”. Vâng! Cái già vẫn cứ ngang nhiên xồng xộc tới không chỉ với con người mà với cả những di vật tưởng chừng vô tri giác. Ai dám chắc ngôi nhà cổ hầu như duy nhất còn lại với gần như nguyên gốc trên đất Tây Ninh này sẽ cầm cự được cho đến khi nào? Biết vậy nên từ hơn chục năm qua, hết Bảo tàng tỉnh rồi đến Phòng Di sản- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đến nghiên cứu, lập hồ sơ di tích lịch sử văn hoá để có kế hoạch bảo vệ lâu dài cho ngôi nhà cổ. Vậy mà cho đến nay, trải qua một thời gian khá dài, sự việc vẫn chưa có kết quả.

Nhớ lại một số ngôi nhà cổ từng được Đó là khu mộ riêng biệt, được xây bằng đá hoa cương, có cả một ngôi miếu nhỏ để tiện việc khói nhang thờ cúng. Chỉ có hai ngôi mộ của cụ Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên và vợ ông- bà Trần Thị Hậu.

Theo bia trên mộ thì bà Hậu mất năm 1895. Mộ bà được xây hình yên ngựa như nhiều ngôi mộ cổ ở miền Trung. Có thêm khu mộ này thì nhà cổ sẽ có thêm câu chuyện của đời mình, xứng đáng góp phần khi ta cần giới thiệu về văn hoá lịch sử và thiên nhiên của thành phố Tây Ninh. Khu mộ này trước đây có lẽ liền với đất vườn nhà cổ. Vì theo một bản chứng thư về đất lập ngày 21.9.1894 do quan Thủ hiến hành chính ký tên và đóng dấu: “đất vườn và nhà ở, thuộc xã Ninh Thạnh, tổng Hoà Ninh. Bắc giáp Tăng viện (chùa Phước Lâm)…”.

Hai phía Nam và Tây giáp đất của Võ Văn Chiêu, Võ Văn Tấn, còn “Đông thì giáp cảng”- rạch Tây Ninh hiện tại. Diện tích đất khi đó là 5.977m2, lớn gấp rưỡi phần đất hiện còn. Khu mộ này cũng đã được tạo lập từ thời cụ Nguyễn Tâm Kiên còn sống, nghĩa là cũng đã quá trăm năm!

TRẦN VŨ 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục