Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
20 năm đầu của ngôi Đền thánh Tây Ninh
Thứ tư: 23:01 ngày 22/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong triển lãm đầu xuân, nhân dịp Đại lễ vía Đức Chí tôn của đạo Cao Đài bao giờ cũng có 1 gian gọi là Về chùa mới. Sự kiện này diễn ra vào ngày 13.2 năm Đinh Mão, tức ngày 16.3.1927.

Ảnh tư liệu về Đền thánh.

Câu chuyện chính của sự kiện là việc di chuyển pho tượng Đức Phật- lúc đó còn là Thái tử Tất Đạt Đa cưỡi ngựa, từ chùa Gò Kén (lúc ấy còn có tên chữ là Từ Lâm tự) về ngôi Đền thánh tạm đã làm xong. Vậy nên bối cảnh triển lãm có cả ngôi Đền thánh đầu tiên, bằng gỗ tre nứa lá.

Dù chỉ là tạm, với phác thảo đầu tiên nhưng kiến trúc đền đã có những ý tưởng cơ bản, làm nên các đường nét kiến trúc chủ yếu cho ngôi Đền thánh sau này. Phía trước đền cũng đã vươn lên cao hai chiếc lầu cao gọi là lầu chuông và lầu trống.

Những cột gỗ được chắp nối để dựng lên rất cao, nâng đỡ nóc lầu là bốn tấm mái tranh cân đều rất dốc. Ở giữa vẫn là một kiểu mái chùa Nam bộ hình bánh ít.

Tiếp phía sau mới là phần chính điện, chạy dọc từ trước ra sau với hai tấm mái tranh lợp bên trên các bộ khung kèo cột bằng cây gỗ hoặc bằng tre. Nhà chính điện cũng khá cao với phần vách dựng còn trống thoáng.

Trong dịp triển lãm nhân kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển Tây Ninh (1836-2016), ngành Văn hoá tỉnh nhà cũng sưu tầm được 1 bức ảnh ngôi Toà thánh dựng tạm vào năm 1927.

Đây có lẽ mới là hình ảnh chân thực nhất của ngôi thờ tự đầu tiên ấy. Có lẽ, ngôi thờ trong ảnh còn đẹp và rõ về ý tứ, đường nét, mảng khối kiến trúc hơn cả mô hình dựng lại. Đã thấy rõ ràng một kiến trúc có 5 gian. Với tầng trệt đã được xây, hoặc thưng bằng vách ván hay bồ để tiện cho việc trang trí, trong đó đã có vài hàng liễn đối và những vòm lượn cong tầng lầu 1 ở gian giữa (nay là Tĩnh Tâm điện) chính là gian có mái tranh che với 4 tấm mái rất phẳng phiu, như thể mái chùa.

Hai gian ngoài cũng là lầu chuông, lầu trống được cấu trúc cột cây giản dị nhưng cũng cao lên tới 3 tầng. Hai mái lầu với mỗi mái gồm 4 tấm mái hình chóp nhọn, có thể đã cao tới trên 10 mét. Từ lầu một trở lên, bốn phía các gác chuông trống đều để trống, có thể thấy được người đánh chuông, trống bên trong.

Trên khối lầu cũng đã thấy một lớp hành lang với lan can con tiện. Điều khác biệt giữa mô hình với bức ảnh chỉ là ở chính giữa gian trong ảnh là một kiểu “cuốn thư”. Còn mô hình dựng lại là một tấm tường chữ nhất có vẽ hình “thiên nhãn” mà thôi. Hơi đáng tiếc là chỉ có duy nhất tấm ảnh chụp mặt đứng, nên không thấy được phần ngôi chính điện phía sau.

Đạo Cao Đài, với tên gọi chính thức là Đại đạo Tam kỳ phổ độ, là một tôn giáo “nội sinh”, nghĩa là có xuất xứ từ nhu cầu nội tại của người dân ngay trong đất nước Việt Nam. Do vậy, ngay từ khi mới xuất hiện, nhất là sau ngày lễ ra mắt tại chùa Từ Lâm (Gò Kén) đã có nhiều mối quan tâm của dư luận. Báo chí, thậm chí cả sách đã viết nhiều về đạo.

Tuy vậy do mới lạ, người ta chỉ chú ý đến cách thức hoạt động, lễ nghi hay giáo lý mà thôi! Vậy nên có rất ít tư liệu ghi nhận về kiến trúc cơ sở thờ tự của đạo Cao Đài. Người mô tả ngôi Đền thánh đầu tiên của đạo, có lẽ chỉ có nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm của tuần báo Phụ nữ Tân văn trong thời Pháp thuộc.

Nữ sĩ còn có bút danh là Nguyễn Thị Manh Manh, cũng là bút danh ghi dưới những bài thơ cách tân “gây sốc” trong dư luận Sài Gòn những năm 30 thế kỷ trước. Chính là bà đã có một bài bút ký “Hai ngày ở thánh thất Cao Đài”, in trên các số báo ra ngày 17 và 24.11.1932.

Như vậy, Đền thánh theo mô tả của nữ sĩ là vào khoảng sau 5 năm ngôi này được xây dựng. Do vậy một số chi tiết kiến trúc đã khác đi, do quá trình tu sửa, tôn tạo ngôi Đền thánh. Nhưng về cơ bản, vẫn trên cơ sở ngôi đền đã có từ năm 1927.

Đấy là: “Trong toà thánh coi rộng rãi. Bề dài chừng 20 đến 22 thước (m) bề ngang cỡ mười đến mười hai thước. Đất lót gạch tàu. Chẳng có ghế dài ngồi nghe giảng kinh như trong nhà thờ thiên chúa. Từ cửa chánh vô tới điện “thầy” có đệm trải liên tiếp. Cột bằng gỗ cao và láng. Nóc cao, lợp ngói. Nhờ hai bên hông không có vách nên coi khoáng khoát và sáng sủa lắm. Đêm thì thắp đèn khí đá.

Từ cửa chánh tới điện “thầy” đếm đâu được bốn cái bàn nhỏ, trên có để lục bình cặm bông, lư hương, chân đèn và cổ bồng đựng đầy những trái cây. Có xen lộn vào đây hai cái tủ sắt để đựng tiền, coi lạ mắt một chút. Dựa vách đối mặt tiền, ở bên trái và bên mặt cửa điện có hai bàn để thờ bà Quan- Âm và ông Quan- Công.

Điện “Thầy” thì cất sâu vô trong, vách vòng tròn, trực kính (diamétre) của điện chừng 5, 6 thước. Nền điện cao, thành thử tín đồ ngồi chỗ nào cũng có thể thấy được. Trong đó có cái bàn lớn bằng thứ cây tốt và chạm trổ rất tỉ mỉ.

Trên bàn toạ thấy đủ các vị thánh- thần, có cả chúa Giê-Du (Jesus) nữa. Sau cái bàn, dựng nên một quả bóng tròn, bằng giấy. Quả bóng thật lớn, trực kính có tới 2 thước. Mặt bóng day ra ngoài, trên thấy có vẽ những ngôi sao nho nhỏ, những chòm mây vẩn vơ và chính giữa thì một con mắt thật to. Đấy là mắt “thầy” ở giữa càn khôn. Quả bóng vẫn trống ruột và trong đấy vẫn thắp đèn…

Trong điện bao giờ cũng có nhang đốt trầm xông, hương bay dịu dàng ngào ngạt. Ở cửa bước vô, thấy trong hết là điện “thầy” một toà chói sáng rực rỡ, thật có khí tượng lộng lẫy nghiêm trang, khiến cho cái cảm giác đầu tiên của khách đến đây chỉ là lạnh lùng kiêng sợ, nhận đó là Tổ đình, là Thiên quốc- (la cité de Dieu)…”.

Đọc kỹ những dòng trên, những mô tả sắc sảo và có thể là tương đối chính xác nữa; có thể nhận ra những ý tưởng đầu tiên này vẫn được ngôi Đền thánh chính thức sau đó tuân theo.

Dù ngôi đầu tiên được dựng bằng gỗ, tre, tranh lá. Hay đến khi bà Nguyễn Thị Kiêm quan sát thì đã được thay thế từng phần. Như, cột đã được bào chuốt cho trơn láng, hay mái tranh đã được thay bằng mái ngói. Nền nhà cũng đã được lót gạch tàu. Nơi được gọi là điện “thầy” chính nơi này là phần kiến trúc của Hiệp Thiên đài.

Các vị thánh thần cũng không còn ngồi trên “bàn toạ” nữa, mà được đưa lên cao trên phần bao lam trước điện… Điều khác với ngày nay, rõ nhất là ở 2 ban thờ Phật bà Quan Âm và Quan Công. Có lẽ đó là ảnh hưởng của Phật giáo, nhất là khi vừa mới dời đi từ chùa Gò Kén - Thiền Lâm.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục