Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
2018- năm của cải cách hành chính
Thứ tư: 06:42 ngày 02/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nguyên tắc sáp nhập được thực hiện theo hướng gọn, hoạt động hiệu quả, tăng năng suất lao động, thực hiện tinh giản biên chế, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND thành phố Tây Ninh. Ảnh: Thanh Vinh

Cuối năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành hàng loạt nghị quyết với tính chất rất quan trọng, thậm chí có phần cấp bách. Trong đó, Nghị quyết số 18 và 19 về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước, các cơ quan hành chính sự nghiệp giành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đầu năm 2018, hai nghị quyết nêu trên được các tỉnh, thành trong cả nước bắt tay triển khai. Sau một năm, kết quả thu được cho thấy, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được sắp xếp lại theo tinh thần gọn. Tuy nhiên, hiệu quả của chủ trương này như thế nào, còn phải chờ thời gian trả lời.

“NHẤT THỂ HOÁ” BA CƠ QUAN THAM MƯU

Một trong những thông tin đáng chú ý nhất về cải cách hành chính, tổ chức lại bộ máy Nhà nước trong những ngày cuối năm 2018 là hợp nhất ba văn phòng, gồm Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng UBND tỉnh thành một cơ quan thống nhất. Sự hợp nhất này, dù chỉ mang tính thí điểm (thời gian một năm) sau đó mới xem xét bước tiếp theo, nhưng rõ ràng, đây là một việc làm cụ thể thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội.

Trước khi triển khai việc sắp xếp lại, lãnh đạo tỉnh đã nhìn nhận, đánh giá một cách thấu đáo về sự tồn tại của ba văn phòng. Theo tinh thần này, thời gian qua, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh trong triển khai, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, bộ máy còn cồng kềnh, nhiều đầu mối. Có phòng, đơn vị trực thuộc rất ít biên chế nhưng có nhiều cấp phó, số lượng nhân viên hợp đồng để thực hiện công tác hỗ trợ, phục vụ còn lớn. Thực tế đó làm cho bộ máy khó tập trung nguồn lực, phát sinh tăng trụ sở, đặc biệt là chức năng phục vụ trùng lặp giữa 3 văn phòng, gây lãng phí lớn.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã nêu, đồng thời nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh trong việc quyết định những nội dung quan trọng của địa phương, trong quản lý, điều hành, giám sát việc triển khai và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và để sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thì việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh là hết sức cần thiết.

Việc thí điểm tại Tây Ninh thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quốc hội. Nguyên tắc sáp nhập được thực hiện theo hướng gọn, hoạt động hiệu quả, tăng năng suất lao động, thực hiện tinh giản biên chế, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh.

 Việc hợp nhất 3 văn phòng được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, có tính kế thừa trên cơ sở xác định chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng của lãnh đạo Văn phòng, từng phòng, ban, trung tâm trực thuộc Văn phòng hợp nhất, không làm gián đoạn công tác tham mưu, phục vụ, giúp việc. Sự hợp nhất này cũng bảo đảm thực hiện đúng quy định về giải quyết chế độ, chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với công chức, viên chức, nhân viên và người lao động cơ quan sau khi sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

Hiệu quả sau hợp nhất như thế nào còn phải chờ, không thể đánh giá vội vàng vào lúc này, vì chưa có đủ cơ sở. Nhưng ít nhất, điều đó cũng cho thấy, bộ máy Nhà nước đang được tổ chức lại và nghị quyết của Đảng đang thật sự đi vào cuộc sống.

THU NHỎ QUY MÔ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP

Không như các cơ quan quản lý hành chính hay tổ chức chính trị, một trong những đặc điểm của các đơn vị sự nghiệp công lập là số lượng người làm việc đông, tính cho hết, phải đến hàng chục ngàn người.

Tuy vậy, vấn đề ở các đơn vị sự nghiệp không phải là bao nhiêu người, điều quan trọng là số lượng lao động, tổ chức bộ máy trong khối này có điều gì bất cập hay không? Trung ương Đảng đã có đánh giá về vấn đề này, xin trích nguyên văn: “Tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và còn không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua.

Nhiều văn bản pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập chậm được ban hành hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung. Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế.

Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp.

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, có phần thiếu minh bạch; việc chuyển đổi từ phí sang giá và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công chưa kịp thời. Việc thực hiện xã hội hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập”.

Đọc kỹ đoạn văn trên, đối chiếu với thực tế sẽ thấy, nhận định, đánh giá của Trung ương là hoàn toàn có cơ sở. Quy mô, cấu trúc bộ máy, hệ thống, mạng lưới các đơn vị sự nghiệp tổ chức như thời gian qua rõ ràng là không khoa học. Từ thực tế đó, trên cơ sở nghị quyết của Trung ương cũng như của các cấp có thẩm quyền ở địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập như Giáo dục, Y tế, Văn hoá, Thể thao, Nông nghiệp, Công Thương… đã triển khai sắp xếp tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn.

Đến thời điểm này, đã có hàng chục đơn vị được sáp nhập hoặc giải thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời tiết kiệm nguồn chi từ ngân sách. Cần biết, hàng chục năm nay, có những đơn vị rất nhỏ nhưng bộ máy lại đông người. Trong bộ máy đó, những người giữ chức vụ lớn hay nhỏ đều có chế độ, phụ cấp kèm theo lương. Đơn cử, chỉ việc sáp nhập một đơn vị trường học đã xoá bỏ được cả chục người hưởng các phụ cấp. Hoặc trong ngành Y tế, việc sáp nhập lại các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau cũng tiết kiệm được nhiều nguồn lực, cả về con người lẫn ngân sách.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự kỳ họp thứ 10, nhiệm kỳ 2016-2021.

KHÔNG CẦU TOÀN NHƯNG CŨNG KHÔNG NÔN NÓNG

Một trong những nguyên tắc của tổ chức bộ máy Nhà nước là không để khoảng trống nhưng cũng không được chồng chéo, trùng lặp. Xét theo nguyên tắc này, hàng chục năm qua, bộ máy Nhà nước, gồm cả cơ quan hành chính, tổ chức chính trị và đơn vị sự nghiệp đã xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp nhau về chức năng, nhiệm vụ hoặc ít nhất, chức năng, nhiệm vụ của nhiều tổ chức na ná như nhau. Nhìn rộng ra, như có lần đã đề cập, mỗi mô hình, mỗi thứ hình thức chỉ phù hợp hoặc cần thiết với một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử nhất định. Do vậy, chủ trương tổ chức, sắp xếp lại bộ máy là cần thiết.

 Cách nay ít hôm, phát biểu nhân một năm triển khai các nghị quyết của Đảng về sắp xếp lại bộ máy Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý hai nội dung rất cơ bản. Đó là, quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy không được cầu toàn, cái gì đã “chín”, có đầy đủ cơ sở thì phải triển khai ngay. Mặt khác, cũng không được nóng vội, chủ quan, dẫn đến làm ẩu, thậm chí có dấu hiệu làm theo phong trào.

Một trong những bằng chứng để chứng minh cho điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vừa đề cập, đó là, có địa phương ngồi chờ… hướng dẫn, lại có nơi làm theo kiểu… “thi đua sáp nhập”. Ví dụ, việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay chưa thể thực hiện được, vì các nghị định của Chính phủ ban hành trước đây vẫn còn hiệu lực, chưa được bổ sung sửa đổi. Thế nhưng, có nơi vẫn sáp nhập cấp phòng, thậm chí sáp nhập cả các sở lại với nhau. Nhận thấy có dấu hiệu nôn nóng, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản gửi các địa phương chưa triển khai sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND tỉnh cho đến khi Chính phủ có hướng dẫn mới.

Ở đây cũng cần nói thêm, lẽ ra, sau khi Trung ương Đảng ban hành nghị quyết, các bộ, ngành tham mưu nên bắt tay soạn thảo, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định thay thế nghị định hiện hành. Làm như vậy, việc triển khai vừa đồng bộ vừa bảo đảm tính pháp lý. Nhưng, cho đến nay, các bộ, ngành liên quan ở Trung ương có phần chậm trễ trong việc này.

Như  vậy, có thể thấy, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, hiệu quả của sự sắp xếp ấy như thế nào lại còn phải chờ lâu hơn, có khi phải đến cả chục năm. Một trong những luận cứ chứng minh cho nhận định vừa nêu là, việc sáp nhập trong thời gian qua, trên thực tế vẫn nặng tính chất cơ học.

Nghĩa là, mới chỉ gộp các đơn vị với nhau, giảm được các tổ chức đầu mối nhưng số lượng người cơ bản vẫn còn nguyên. Phải chờ cho đến lúc, sau khi sáp nhập, những người đến tuổi nghỉ hưu hoặc xin nghỉ theo diện tinh giản biên chế nhưng không tuyển dụng, bổ nhiệm thêm hoặc theo nguyên tắc, hai người nghỉ hưu chỉ được tuyển một người (trừ ngành Giáo dục), lúc đó, bộ máy mới thật sự tinh gọn đúng bản chất.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục