Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đây là một trong nhiều kết quả của đề án Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”.
Chiều 12.12, tại trụ sở Chính phủ, diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận 61 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”.
Hội nghị đồng thời đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 về việc Hội nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010-2020, chiều 12/12. (Ảnh: VGP)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61, đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương tại Hà Nội và 64 điểm cầu cả nước.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án 61, sau 10 năm thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi và ban hành một số luật, nghị định, quyết định liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn như Luật Đất đai 2013, Luật Hợp tác xã… Đây là những cơ chế, chính sách và nguồn lực để phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.
Đối với Hội Nông dân Việt Nam, thời gian qua đã thực hiện nhiều phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết làm giàu và giảm nghèo bền vững, bình quân mỗi năm có 6,5 triệu hộ đăng ký. Trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, vượt 38% so với mục tiêu Đề án.
Với chất lượng phong trào ngày càng được nâng lên, có trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 đến dưới 200 triệu đồng một năm, trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 đến dưới 200 triệu đồng, có trên 505.000 hộ có thu nhập từ 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, có 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Qua 10 năm thực hiện Kết luận 61 và Quyết đinh 673 cũng đã góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, giúp trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, 100.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Những yếu tố đó góp phần nâng thu nhập của người dân nông thôn từ 9,15 triệu đồng một người năm 2008 lên gần 36 triệu đồng mỗi người năm 2018, vượt gần 57% so với mục tiêu của Đề án.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên toàn quốc (Ảnh: VGP)
Quá trình thực hiện Đề án cũng đã vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm giá trị cao.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu một số tồn tại như việc tuyên truyền thực hiện Đề án và Kết luận 61, Quyết định 673 chưa sâu rộng, chưa nhận thức rõ về nội dung của các chu trương, chính sách này. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với các sở, ngành ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của Quyết định 673 của Thủ tướng. Một số nội dung trong Kết luận 61 triển khai còn chậm như Đề án xây dựng Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; Đề án “Nâng cao năng lực truyền thông của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đạihóa nông nghiệp, nông thôn”… Đời sống của cư dân nông thôn dù được cải thiện nhưng còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn VOV1