Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, tính đến ngày 15/1/2017, tổng số SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn được phát hiện là hơn 17 triệu; tổng số SIM bị khóa đạt gần 16 triệu SIM. Hiện đã có khoảng gần 1 triệu SIM đi đăng ký lại sau khi đã bị khóa tài khoản.
Nhà mạng đã thu hồi 16 triệu SIM trả trước kích hoạt sẵn.
Ngày 20/1/2016, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối của các doanh nghiệp viễn thông di động.
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/7/2016, Bộ TT&TT đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động rà soát, xác minh, cập nhật nâng cao tính chính xác thông tin thuê bao di động trả trước; rà soát, thu hồi toàn bộ số SIM thuê bao đã đăng ký sẵn thông tin thuê bao trên các kênh phân phối trước ngày 31/12/2016.
Ngày 28/10/2016, năm doanh nghiệp viễn thông di động là VNPT, Viettel, MobiFone, Gmobile, Vietnamobile đã ký kết Bản cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối.
Theo đó, 3 doanh nghiệp viễn thông di động lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 diễn ra từ 3/11/2016 đến hết 21/11/2016 nhằm thu hồi các SIM được kích hoạt sẵn trong khoảng thời gian từ 1/4/2016 đến 30/9/2016. Giai đoạn 2 từ 5/12/2016 đến hết ngày 22/12/2016 nhằm thu hồi các SIM được kích hoạt sẵn trong tháng 10/2016.
Đối với Gtel và Vietnamobile, việc triển khai lùi 1 tháng so với doanh nghiệp lớn trên và dự kiến kết thúc vào ngày 22/1/2017. Riêng đối với số SIM được kích hoạt sẵn trước ngày 31/3/2016 trên kênh phân phối và tháng 11/2016, số lượng này theo đánh giá của các doanh nghiệp không nhiều; hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu rà soát và sẽ triển khai nhắn tinh và thu hồi trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, ngay sau khi các doanh nghiệp ký cam kết, Bộ TT&TT đã thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động thu hồi SIM kích hoạt sẵn gồm Lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ (Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông, Trung tâm VNCERT) và Cục An ninh Văn hóa, Thông tin, Truyền thông (A87) – Bộ Công an để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giám sát chéo lẫn nhau.
Đồng thời nhằm đồng bộ với công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương, Bộ đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn gửi các Sở TT&TT triển khai thanh tra việc kích hoạt thuê bao, khuyến mại không đúng quy định, xử phạt vi phạm khi phát hiện SIM đã bị thu hồi mà còn liên lạc được.
"Tính đến 15/1/2017, quá trình triển khai thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối đã đem lại những kết quả đáng khích lệ: tổng số SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn được phát hiện (giai đoạn 1 và 2) là hơn 17 triệu; tổng số SIM bị khóa đạt gần 16 triệu SIM; tổng số SIM đi đăng ký lại khoảng gần 1 triệu SIM trong đó đa phần là đăng ký lại sau khi đã bị khóa tài khoản, còn lại là các SIM bị hủy do hết thời hạn sử dụng, chuyển sang trả sau" ông Nguyễn Đức Trung cho biết.
Ông Nguyễn Đức Trung khẳng định: "16 triệu SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối được thu hồi là một kết quả rất ấn tượng mà trước khi bắt đầu chiến dịch này ngay cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cũng chưa thể hình dung.
Điều đó cũng có nghĩa là 16 triệu số thuê bao được trả lại kho số mà các doanh nghiệp đã được phân bổ để tái sử dụng. Tình trạng SIM có sẵn tài khoản khủng, SIM được khuyến mại vượt mức giảm rõ rệt. Như đánh giá của Sở TT&TT TP Hà Nội, “Đợt thu hồi, khóa SIM kích hoạt sẵn vừa qua đạt được kết quả tương đối cao. Trên địa bàn thành phố Hà Nội đã không còn hiện tượng bày bán tràn lan các SIM kích hoạt sẵn, đăng ký thông tin không chính xác (SIM rác).
Nhu cầu mua, bán SIM kích hoạt sẵn đã giảm hẳn rõ rệt. Một số đại lý nhỏ lẻ đã không có SIM kích hoạt sẵn để kinh doanh. Và đã tác động tương đối lớn đến thói quen của một bộ phận người sử dụng luôn mua SIM kích hoạt sẵn với số tiển rất lớn trong tài khoản để dùng xong rồi bỏ”. Đó chính là các thành công quan trọng của đợt thu hồi SIM này"
Vẫn theo ông Trung, một thành công nữa không kém phần quan trọng, là nhìn chung xã hội rất ủng hộ và hợp tác trong hoạt động này của các doanh nghiệp viễn thông. Điều này thể hiện qua tổng số các khách hàng khiếu nại rất nhỏ so với tổng số SIM bị khóa dịch vụ: tại giai đoạn 1 theo báo cáo của 3 doanh nghiệp lớn: MobiFone là 1.412 trường hợp, của VNPT là 2.159 trường hợp, của Viettel là 2.448 trường hợp.
Đối với các trường hợp khiếu nại, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện việc giải đáp và có hình thức xử lý phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, đại diện Cục Viễn thông cũng đề cập đến tồn tại trong đợt thu hồi SIM vừa qua là chất lượng đăng ký lại không đạt yêu cầu. Tình trạng thông tin cá nhân được đăng ký lại không chính xác, sử dụng giấy tờ không đúng qui định, lợi dụng danh nghĩa của các tổ chức, doanh nghiệp để đăng ký lại hoặc đăng ký vượt quá số lượng thuê bao theo quy định, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi kiểm tra xác suất có doanh nghiệp tỷ lệ thông tin sai lên đến 60%.
Bộ TT&TT đã có văn bản chấn chỉnh ngay vi phạm của các doanh nghiệp do vậy, các giai đoạn tiếp theo các doanh nghiệp đã rút kinh nghiệm, có các biện pháp thích hợp, bảo đảm việc đăng ký lại thông tin thuê bao đúng quy định.
Nguồn ictnews