Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
3 năm, cả nước xảy ra 10.930 vụ cháy
Thứ sáu: 09:35 ngày 16/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 15.4, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.

Dự và chủ trì hội nghị có Thiếu tướng Lê Quốc Hùng- Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh- Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có Đại tá Trần Văn Luận- Phó Giám đốc Công an tỉnh.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Minh Khương- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn trên toàn quốc; hướng dẫn của Bộ Công an về huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý.

Từ năm 2018- 2020, cả nước xảy ra 10.930 vụ cháy, làm chết 235 người, bị thương 508 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4.911,3 tỷ đồng. Trong đó, xảy ra 118 vụ cháy lớn, làm chết 30 người, bị thương 72 người.

Số vụ cháy lớn mặc dù chỉ chiếm 1,08% nhưng thiệt hại về người và tài sản gây ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, tổn thất lớn về kinh tế và môi trường. Các vụ cháy lớn xảy ra tại 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ yếu ở các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hoá nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, có nhiều khu dân cư tập trung.

Về thời điểm xảy ra các vụ cháy lớn, có 65/118 vụ cháy lớn xảy ra ngoài giờ làm việc (chiếm 55,1%), trong đó nhiều vụ xảy ra vào thứ 7 và chủ nhật, là thời điểm các cơ sở thường tạm ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh và có ít người trực nên phát hiện báo cháy muộn, không xử lý kịp thời dẫn đến cháy lớn.

Các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người chủ yếu xảy ra ở nhà riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà chung cư cao tầng và tại cơ sở kinh doanh có điều kiện vui chơi, giải trí tập trung đông người.    

Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Tây Ninh tham gia chữa cháy- Ảnh minh hoạ

Trong 3 năm, Công an các đơn vị, địa phương, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, huấn luyện và củng cố đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc phát hiện và xử lý sự cố cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh.

Công an các đơn vị, địa phương chủ động thanh tra, kiểm tra an toàn tại địa bàn, cơ sở nguy hiểm cháy nổ, phát hiện, hướng dẫn, yêu cầu sửa chữa, khắc phục tồn tại, vi phạm. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn PCCC được chú trọng, tăng cường và mang lại hiệu quả thiết thực. Lực lượng chức năng lập hơn 34.000 biên bản, tạm đình chỉ hoạt động hơn 1.600 trường hợp, đình chỉ hoạt động khoảng 1.380 trường hợp vi phạm.

Các đại biểu trao đổi một số nội dung về nguyên nhân và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện của Công an các địa phương khi xảy ra cháy lớn; một số hạn chế và rút kinh nghiệm khi xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ có huy động nhiều lực lượng, phương tiện của địa phương và Công an các địa phương lân cận; triển khai kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu kết luận, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng- Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, công tác tuyên truyền cần cô đọng, thiết thực, dễ nhớ, đi vào lòng người; phải tập trung vào an toàn sử dụng điện, gas, hoá chất, có giải pháp rõ ràng, cụ thể.

Công an các đơn vị, địa phương sau khi giải quyết xong vụ cháy tổ chức rút kinh nghiệm chung, tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của từng đơn vị; khẩn trương xây dựng các phương án PCCC, cứu nạn cứu hộ lớn, cần huy động nhiều lực lượng và phương tiện liên ngành, liên vùng, liên địa phương tham gia.

Đẩy mạnh công tác nghiệp vụ chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát PCCC. Các đơn vị phát động đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; triển khai về cấp xã, đi từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng nơi để xem xét về biện pháp PCCC…

Từ năm 2018 – 2020, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 79 vụ cháy, làm 1 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 69 tỷ đồng. 

Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục