Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
30 năm hy sinh cho biển
Thứ ba: 17:32 ngày 27/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 30 tuổi quân, 30 năm sống ở nhà giàn “vui buồn với biển”; là người “biển vùi không chết”, “Công ngãng”, đó là “lai lịch ngắn gọn” nhất của anh.

Anh bảo, “hạnh phúc nhất của tôi là được cống hiến cho DK1. Nhiều người bảo, lính DK1 gian khổ vì chẳng biết sống chết thế nào khi bão tố cuồng phong ập đến. Nhưng có hạnh phúc nào hơn được hy sinh cho Tổ quốc yên bình? tôi chọn DK1 để cả đời lính hy sinh cho biển”. Đó là khát vọng của Đại úy Hồ Thế Công- người lính nhà giàn DK1.

 Ký ức bi hùng

Cho đến bây giờ, sau tròn 30 năm nhà giàn DK1 được dựng giữa biển khơi, Đại úy Hồ Thế Công, nhân viên thông tin đối hải trở thành “tấm thẻ số 1” trong hơn 200 đồng đội khoác “áo vằn cánh sóng” đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Tức là 30 năm trước, anh là người “đồng hành” trong sự kiện xây dựng nhà giàn DK1/3 ở bãi san hô ngầm Phúc Tần ngoài thềm lục địa phía Nam. Và bây giờ,  anh là người có tuổi quân ở nhà giàn DK1 lâu nhất.

Đại úy chuyên nghiệp Hồ Thế Công trong giờ làm việc ở DK1.

Trong nhiều câu chuyện kể “sống với biển, vui buồn với biển”, đời lính nhà giàn xa nhà biền, biệt 30 năm “ăn sóng nói gió” và bao nghĩa tình đồng đội giữa trùng khơi, có một câu chuyện khiến không ai có thể cầm được nước mắt. Anh Công bảo: “30 năm rồi tôi không bao giờ quên cơn bão định mệnh tháng 12 năm 1990. Lúc đó tôi đeo quân hàm hạ sĩ. Không phải chiến tranh mới có đổ máu hy sinh, mà ngay trong thời bình vẫn có bao người ngã xuống. Hy sinh vì biển đảo của Tổ quốc là một danh dự của người lính”, ngân ngấn nước mắt, Đại úy Công xúc động chia sẻ.

Vụ nhà giàn DK1/3 Phúc Tần bị cơn lốc nhấn chìm rạng sáng 5.12.1990 được Đại úy Hồ Thế Công kể lại: “Chiều 4.12, chúng tôi nhận được mệnh lệnh từ đất liền, có một cơn lốc quét qua nhà giàn và sẵn sàng đối phó. Lúc đó trên nhà giàn có 8 anh em. Mặc dù không có tàu trực, song anh em bình tĩnh và sẵn sàng rời nhà khi có lệnh”. Trước đó, lúc 20 giờ đêm 4.12.1990, một đợt sóng mạnh đã đánh bật tung sàn nhà ở. Những tấm gỗ mặt sàn tung tóe trôi trong nước. Sóng mỗi lúc một mạnh dần, mặt biển đen ngòm. Sóng ập vào nhà giàn ngày càng dữ dội. Mọi vật dụng trên nhà bị xô lệch từ góc này sang góc khác.

“Lúc đó anh Nguyễn Hữu Quảng giữ chức phó trạm trưởng về chính trị lệnh cho anh em mặc áo phao, nhưng áo phao chỉ còn 5 cái trong khi có 8 người. Tôi đã nghĩ ngay đến cái phao cứu sinh màu cam dạng đời cũ chất liệu bằng cao su. Chúng tôi đã dùng miệng thổi vào, nhưng phao bị thủng lỗ chỗ nên không phồng lên được. Phương án tối ưu lúc này là dùng phao bè, loại phao bên trong là xốp, bên ngoài được bọc một lớp nhôm, hình vuông, có thể chở được một tiểu đội trong điều kiện sóng cấp 6 cấp 7. Chiếc phao bè thả xuống biển liền bị sóng đánh vỡ thành ba mảng”.

30 tuổi quân, 30 năm bám trụ trên nhiều nhà giàn, ước muốn của người lính thông tin thật giản dị, khiêm nhường. “Tôi quyết định gắn bó với nhà giàn DK1 cả đời binh nghiệp vì muốn được cống hiến sức lực cho Tổ quốc. Biển đã ngấm vào máu thịt tôi, nó là quê hương không thể tách rời của người lính Hải quân”. 

Công kể tiếp: Tình huống vô cùng gian nguy. Làm cách nào sống đây, nếu nhà đổ? Trong phút giây hiểm nghèo ấy, Thượng úy Bùi Xuân Bổng- Chỉ huy trưởng nhà giàn đã động viên anh em lấy dây thừng kết những tấm gỗ bung lên từ sàn nhà lại với nhau thành một chiếc bè. Anh Bổng căn dặn: “Nhảy xuống biển, anh em cố gắng bám chặt vào thanh gỗ, nhất định chúng ta phải sống và trở về, tàu sẽ đến cứu chúng ta”.

Đại úy Hồ Thế Công quay mặt đi giấu giọt nước mắt xúc động muốn trào ra. Trấn tĩnh, anh kể tiếp: “2 giờ sáng ngày 5.12.1990, một con sóng cực lớn trùm lên nhà giàn. Trong tích tắc nhà chìm vào đêm đen. Anh Bổng hô to, “Tất cả lao ra khỏi nhà đi”. Cả 8 anh em lao xuống biển một cách vô định, không biết bơi về đâu. Anh Bổng cũng lao theo, áo phao bị sóng đánh tuột khỏi người, nhưng may mắn vớ được một mảnh phao bè. Anh Bổng đã xé áo mình làm dây, buộc tay tôi vào mảnh phao bè. Chúng tôi chống chọi với sóng gió suốt gần một đêm một ngày. Ai cũng động viên nhau cố sức bám trụ, chờ tàu đến cứu.

Trong khi đó, ở một nhóm khác, anh Quảng cùng y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền bám vào thanh gỗ cố chống chọi với bão tố. Anh em lấy lương khô ăn để cố giữ sức. Biết mình không trụ được nữa, Anh Quảng đã nhường lại miếng lương khô cuối cùng và chiếc áo phao của mình cho đồng đội rồi chìm vào lòng biển. Có ngờ đâu, Là và Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm ngay sau đó”.  

Giọng Đại úy Công chùng xuống. Trên khóe mắt của người lính 30 năm lăn lộn với biển cả rơm rớm nước. Anh nhìn qua ô cửa sổ như cố giấu đi giây phút xúc động: “Tôi không nghĩ mình lại còn sống đến bây giờ. Nói thật với anh, đi nhà giàn DK1 ngày ấy đồng nghĩa với sinh tử, tuy nhiên chẳng ai lùi bước”, anh Công nói chân thành.

Ngay khi nhận được tín hiệu nhà giàn Phúc Tần 3 bị đổ, Lữ đoàn 171 đã  điều tàu HQ-711 khẩn cấp đi cứu hộ. Đến chiều tối ngày 5.12 năm ấy, tàu HQ-711 đã cứu được Bổng, Quỳnh, Công, Báu, Trung, Công. Ba người hy sinh là Nguyễn Hữu Quảng, Trần Văn Là và Hồ Văn Hiền.  

Biển ngấm vào máu thịt

Đại úy Hồ Thế Công nhập ngũ năm 1989. Sau 3 tháng huấn luyện thông tin hữu tuyến, anh được điều về Tiểu đoàn DK1 và ra nhà giàn DK1/3 nhận nhiệm vụ. Sau sự cố nhà giàn DK1/3 đổ tháng 12.1990, Công được cấp trên cho đi học nghiệp vụ thông tin, sau đó lại đi DK1. Biết đời mình sẽ gắn bó với nhà giàn, năm 1994, Công cưới vợ, gửi “ông bà già” rồi tiếp tục đi biển. Cưới vợ 24 năm, nhưng gom lại ở với vợ con khoảng gần 2 năm. Lần nào nghỉ phép dài là một tháng, ngắn là 15 ngày. Khi đơn vị lệnh gọi là sẵn sàng lên đường ngay.

Nhà giàn DK1- nơi Đại úy Hồ Thế Công có 30 năm gắn bó.

“30 tuổi quân, 30 gắn bó với biển, tôi đã đi hầu hết 15 nhà giàn DK1. Tôi quyết định gắn bó với nhà giàn DK1 cả đời binh nghiệp vì muốn được cống hiến sức lực cho Tổ quốc. Biển đã ngấm vào máu thịt tôi. Ở ngoài biển thì nhớ đất liền, nhưng khi về thăm vợ con nửa tháng lại nhớ biển cồn cào. Đứng trên nhà giàn nhìn biển mênh mông vời vợi, nhưng cảm giác gần gũi lắm, bởi đó quê hương mình”.

Anh Công chia sẻ, “biết chồng làm nhiệm vụ gian khổ, vợ tôi cũng nén lòng chịu đựng và cũng chẳng đòi hỏi gì. Có đợt đi nhà giàn qua hai cái tết mới vào đất liền. Anh em gọi tôi biệt danh là “ngãng”, vì thời gian ở nhà giàn lâu quá có khi bị “đơ”. Tai tôi bị điếc nhẹ vì đeo ma-níp (tai nghe- PV) ngồi vài giờ đồng hồ thu nhận, mã dịch, phát điện về đất liền”.

30 năm bám trụ nhà giàn, niềm vui lớn nhất của Đại úy Hồ Thế Công không phải là những tấm huy chương chiến công hay bằng khen, giấy khen các hạng, mà là sự cống hiến tuổi trẻ cho biển cả. Anh bảo, “hạnh phúc nhất của tôi là được cống hiến sức lực cho DK1. Nhiều người bảo, lính DK1 gian khổ vì chẳng biết sống chết thế nào khi bão tổ cuồng phong ập đến. Nhưng có hạnh phúc nào hơn được hy sinh cho Tổ quốc yên bình? tôi chọn DK1 để cả đời lính hy sinh cho biển, chỉ đơn giản vậy thôi”.

Đại úy Hồ Thế Công quê ở huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Sau những ngày tháng làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1, anh khoác ba lô về quê thăm vợ con. Căn nhà mái bằng khang trang mọc giữa miền đất nắng gió “bùn nhiền hơn đất” và bãi sú bãi vọt ngút đầu được xây bằng tiền phụ cấp nhiều năm đi DK1.

Anh Công tâm tình: “Đời binh nghiệp rồi cũng đến lúc nghỉ hưu. Tiền lương nhiều năm đi biển dành dụm lại xây căn nhà mái bằng ở quê cho bố mẹ, vợ con ở, vậy là hạnh phúc rồi. Nói đi DK1 tôi chưa bao giờ lùi bước. Mặc dù ở nhà giàn còn khó khăn, sống giữa biển khơi không lấy gì sung sướng, nhưng đó là những năm tháng ý nghĩa nhất của tôi”.

Lê Khanh

Tin cùng chuyên mục