Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
4 quan điểm của Trung Quốc khiến chiến tranh thương mại kéo dài
Thứ ba: 20:08 ngày 11/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trung Quốc không tin tưởng Mỹ trong đàm phán và biết mình còn nhiều công cụ khác để trả đũa, ngoài thuế.

Một trong những chỉ trích phổ biến nhất nhằm vào các cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump là sự mập mờ về chiến lược. Gần đây nhất là việc ông đe dọa đánh thuế nhập khẩu lên Mexico vì vấn đề nhập cư trái phép qua biên giới, nhưng vẫn thúc đẩy quy trình phê chuẩn hiệp định thương mại tự do mới với Canada và Mexico.

Giới chức Trung Quốc cũng phải nỗ lực suy đoán toan tính của ông Trump, khi căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng leo thang. Trong các cuộc họp với giới chức, nhà đầu tư và học giả tại Bắc Kinh, chủ đề bao trùm luôn là: Trung Quốc từng tự tin có thể đối phó ông Trump, nhưng giờ họ nhận ra, với lớp sương mù dày đặc hiện tại, xung đột này có thể còn kéo dài.

Giới phân tích cho rằng nếu muốn đảm bảo cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra tại Nhật Bản cuối tháng này, đồng thời khôi phục đàm phán thương mại, Mỹ sẽ cần thay đổi 4 suy nghĩ của Bắc Kinh.

Ông Trump không đáng tin cậy trong đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn trước báo giới. Ảnh: Bloomberg

Trong Sách trắng công bố hồi đầu tháng, giới chức Trung Quốc cáo buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm cho việc đàm phán bất thành. Họ cho rằng Washington thường xuyên thay đổi lập trường và đòi hỏi quá cao, không phù hợp với mục tiêu chính trị trong nước của ông Tập và khiến họ khó thực hiện cam kết.

Trong một cuộc họp cuối tháng trước với báo giới Mỹ, Yu Dunhai - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại vấn đề này. Họ cho rằng Mỹ dường như muốn nâng thuế hơn là giảm bớt để công nhận sự nhượng bộ của Trung Quốc. "Nếu hai bên có thể đối xử với nhau công bằng và tôn trọng, chúng ta có thể quay lại bàn đàm phán", Yu khẳng định.

Giới chức Mỹ phủ nhận cáo buộc trên của Trung Quốc. Họ cho rằng chính Trung Quốc mới là bên muốn lật lại các cam kết đã thống nhất trước đó, khiến ông Trump phải quyết định nâng thuế với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nước này.

Ông Trump giỏi gây ra hơn là kết thúc chiến tranh thương mại

Tổng thống Mỹ và những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc cho rằng cách duy nhất để đạt một thỏa thuận có ý nghĩa với Bắc Kinh là tăng sức ép kinh tế lên nước này. Đây cũng là chiến lược ông Trump sử dụng với Mexico trong vấn đề nhập cư, và Liên minh châu Âu, Nhật Bản với vấn đề ôtô.

Dù vậy, Trung Quốc lại coi đây là sự bắt nạt. Họ muốn một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Bắc Kinh cho rằng với việc nâng thuế, đe dọa áp thêm thuế và hạn chế hoạt động của các công ty mà Trung Quốc rất tự hào, như Huawei, ông Trump đang đi quá xa.

Giới chức Trung Quốc từng cảnh báo việc dồn ép có thể khiến ông Tập phải đấu tranh lại, để không bị trong nước chỉ trích là yếu thế. "Quá khứ cho thấy bất kỳ hành động nào để đạt thỏa thuận, như nói xấu hay gây sức ép, chỉ khiến quan hệ hai bên bị hủy hoại", Sách trắng của Trung Quốc cho biết.

Trung Quốc có rất nhiều hình thức để trả đũa

Khi tuyên bố sẽ ra danh sách "các thực thể không đáng tin cậy", liệt kê các công ty vi phạm hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc vì các lý do phi thương mại, Bắc Kinh rõ ràng muốn trả đũa việc Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Đây cũng là điều các hãng công nghệ Mỹ lo sợ.

Sự can thiệp của chính phủ Mỹ sẽ càng khiến người Trung Quốc cho rằng làm ăn với công ty Mỹ rất rắc rối. Lãnh đạo nhiều hãng công nghệ lo ngại không chỉ Huawei, mà nhiều công ty Trung Quốc khác mua hàng điện tử từ Mỹ cũng sẽ chùn bước. Trong khi đó, Trung Quốc đang là thị trường béo bở cho các công ty Mỹ.

Đây chỉ là một trong rất nhiều cách Trung Quốc có thể trả đũa lại Mỹ, ngoài việc dùng thuế nhập khẩu. Vài tuần trước, giới chức nước này còn điều tra FedEx vì gửi nhầm tài liệu của Huawei sang Mỹ. Các công ty nước ngoài ở Bắc Kinh cũng đang lo ngại chịu cuộc điều tra tương tự.

Một năm qua, giới chức Trung Quốc còn tích cực đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt, như sản phẩm bán dẫn, để giúp tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ. Việc này có thể khiến nhiều công ty Mỹ phải rời khỏi Trung Quốc, vì đối thủ nội địa có thể xuất hiện trong tương lai.

Trung Quốc biết chính sách áp thuế của ông Trump không được ủng hộ

Nhiều nhà kinh tế học Mỹ đã chỉ ra thuế nhập khẩu sẽ khiến các hãng sản xuất nước này bị đội chi phí, giá hàng hóa tiêu dùng tăng lên và tăng trưởng kinh tế giảm sút. Thuế này còn gây gián đoạn chuỗi cung ứng, kéo tụt tăng trưởng toàn cầu, từ đó gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy chính sách áp thuế của ông Trump không được đa số người Mỹ ủng hộ. Gần đây nhất, khảo sát của Đại học Monmouth cho thấy chỉ 25% người Mỹ cho rằng thuế này có lợi cho nền kinh tế. Trong khi đó, 62% tin rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh khoản thuế này, chứ không phải người Trung Quốc như ông Trump khẳng định.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.

Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ.

Nguồn VNE (theo Bloomberg)

Tin cùng chuyên mục