Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
4 tháng trước khi bị bắt, Chủ tịch An Giang chỉ đạo khẩn về quản lý khoáng sản
Thứ ba: 15:03 ngày 26/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
4 tháng trước khi bị bắt, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình từng có chỉ đạo khẩn về nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản khi các cấp dưới của ông vướng vòng lao lý liên quan đến cát lậu và nhận hối lộ.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, ngay khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cùng Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Việt Trí bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đường dây cát lậu lớn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã có chỉ đạo khẩn về quản lý khoáng sản.

Theo đó, ngày 25/8, ông Nguyễn Thanh Bình ký văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu trên địa bàn tỉnh.

Các ghe cát neo đậu trên sông Tiền ở địa phận tỉnh An Giang. Ảnh: CTV

Khi đó, Chủ tịch tỉnh An Giang nhìn nhận, dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu xây dựng, nhưng vẫn còn một số tổ chức, cá nhân sai phạm. 

Do đó, Chủ tịch tỉnh An Giang giao Sở TN&MT khẩn trương đo đạc, kiểm tra ngay địa hình đáy sông; đánh giá trữ lượng còn lại của tất cả các khu mỏ cát sông, dự án nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản; báo cáo quy trình cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản. Đề xuất chấm dứt ngay việc khai thác khoáng sản tại các khu vực không đủ điều kiện. 

Khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh về phương án phân bổ nguồn vật liệu xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu, tiến độ thi công các dự án đường cao tốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ.

Sở TN&MT phải yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản lắp đặt camera trên từng phương tiện khai thác để kiểm soát sản lượng, khối lượng cát tại mỏ; cung cấp số hiệu từng phương tiện đăng ký phục vụ công trình, dự án cụ thể; lắp định vị, có đường truyền về máy chủ để giám sát.

Yêu cầu chủ đầu tư các dự án sử dụng ngân sách báo cáo sản lượng hằng tháng để đối chiếu số liệu từ các mỏ. Nếu phát hiện nguồn vật liệu cung cấp cho các công trình bán ra ngoài thị trường, Sở TN&MT sớm đề xuất UBND tỉnh đóng cửa mỏ, xử lý nghiêm vi phạm, tránh thất thoát ra ngoài.

Chủ tịch tỉnh An Giang cũng yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương thành lập các chốt kiểm soát; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi khai thác khoáng sản không đúng quy định.

Tuy nhiên, ngày 25/12 (tròn 4 tháng kể từ khi Chủ tịch tỉnh An Giang có chỉ đạo khẩn về quản lý khoáng sản – PV), Bộ Công an phát đi thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Bình cũng liên quan tới khoáng sản.

Ông Nguyễn Thanh Bình (Ảnh: Bộ Công an)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định ông Nguyễn Thanh Bình đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Sai phạm trong cấp phép khai thác cát

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, trước khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí, Thanh tra Chính phủ đã công bố thông báo kết luận thanh tra, trong đó nhắc đến "công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang" giai đoạn 2015-2020.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của tỉnh này. Cụ thể, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát và việc cấp phép khai thác cát còn một số hạn chế, vi phạm dẫn đến số tiền cần thu nộp ngân sách nhà nước đã xác định được thất thoát hơn 2,6 tỷ đồng.

Giai đoạn từ tháng 7/2011 - 12/2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông tại khu vực không đấu giá nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản.

Từ sau ngày 1/7/2011, An Giang gia hạn 15 giấy phép khai thác cát không đúng quy định.

Tỉnh này cấp 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng không xác định phục vụ riêng cho các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, địch họa, công trình hạ tầng giao thông và công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới là không đúng quy định.

Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không thực hiện việc kiểm kê trữ lượng cát tại các mỏ cát lòng sông đã cấp phép, không có biện pháp đảm bảo giám sát chặt chẽ khối lượng cát khai thác thực tế hằng năm tại các mỏ được cấp phép…

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra những vi phạm, hạn chế nêu trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN&MT giai đoạn 2011-2020 và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục