Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trà xanh, cá biển, nấm agaricus, rong nâu được người Nhật sử dụng phổ biến trong bữa ăn để phòng ngừa bệnh tật, cải thiện sức khỏe.
Trà xanh
Ở Nhật Bản, trà xanh phổ biến và được đưa vào văn hóa ẩm thực thường ngày. Nhiều lớp trà đạo mở ra, chỉ để hướng dẫn người dân cách pha ủ giữ được nhiều dưỡng chất và thưởng thức ngon nhất.
Theo tờ Fox News, các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore đã khảo sát thói quen uống trà của 957 người trên 55 tuổi trong hơn 12 năm. Dữ liệu cho thấy tiêu thụ trà thường xuyên giúp giảm 50% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Nghiên cứu cũng cho thấy các hợp chất trong lá trà giúp cơ thể giảm mức cholesterol, giảm cục máu đông và giảm nguy cơ ung thư khởi phát.
Cá biển
Cá biển được ưa chuộng ở Nhật Bản đến nỗi, đất nước này tiêu thụ nhiều sản lượng cá của thế giới, mặc dù dân số ít. Mỗi người Nhật ăn cá nhiều gấp 5 lần so với các nước khác. Sushi và sashimi (gỏi cá sống) kết hợp cùng Wasabi là hai món ăn truyền thống đậm chất Nhật Bản nhất.
Các loại cá biển thường dồi dào protein lành mạnh, giàu acid béo omega và các vi chất khác tốt cho sức khỏe. Chúng có đặc tính kháng viêm, ngừa lão hóa, bảo vệ tim mạch. Trang Cancer Therapy Advisor tổng hợp 42 nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ cá có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ các loại ung thư thực quản, đại trực tràng, biểu mô tế bào gan, tuyến giáp...
Sushi và sashimi của người Nhật không thể thiếu nguyên liệu cá biển.
Nấm Agaricus
Nấm Agaricus có nguồn gốc từ Brazil, sau đó được xuất khẩu sang Nhật Bản vào những năm 1960. Ngày nay, loại nấm dược liệu ăn được này đã nhân trồng phổ biến ở Nhật Bản và được gọi với cái tên thân thuộc là "Himematsutake".
Theo trang Very Well Health, nấm Agaricus có thể hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường, ung thư, huyết áp, mỡ máu... Nghiên cứu công bố trên BioMed Research International năm 2017cho thấy, chiết xuất từ nấm Agaricus có đặc tính diệt khuẩn, hỗ trợ kháng tế bào ung thư. Loại nấm này chứa hoạt chất Beta-Glucans có khả năng kích thích các tế bào miễn dịch của cơ thể (gồm đại thực bào và tế bào diệt tự nhiên), góp phần chống lại virus, các tế bào lạ.
Nấm Agaricus du nhập vào Nhật Bản từ năm 1960 và trở thành món ăn dinh dưỡng ở Nhật Bản.
Rong nâu
Rong nâu xuất hiện phổ biến trong bữa ăn của người Nhật từ thế kỷ 17 đến ngày nay. Người dân vùng đảo Okinawa đã tiêu thụ rong nâu suốt nhiều thế kỷ, thưởng thức như loại rau xanh không thể thiếu trong chế độ ăn hàng ngày. Các nhà khoa học đã phát hiện thấy, thói quen ăn rong nâu ảnh hưởng đến tuổi thọ người dân Okinawa. Hòn đảo này không chỉ là vựa rong nâu Mozuku lớn nhất thế giới với hơn 90% sản lượng toàn cầu, mà còn là nơi người dân sở hữu cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ cao nhất.
Rong nâu phổ biến trong chế độ ăn hàng ngàycủa người Nhật.
Ngoài Mozuku, người Nhật còn chuộng các loại rong nâu Wakame, Bladder Wrack... Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt chất Fucoidan trong rong nâu góp phần ức chế khối u, giảm tác dụng phụ của hóa xạ trị, hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư vú, tuyến tiền liệt, gan, dạ dày, buồng trứng, cổ tử cung, đại trực tràng... Công dụng này có được chính là nhờ đặc tính kìm hãm quá trình tăng trưởng khối u (Angiogenesis), thúc đẩy quá trình tự chết của tế bào ung thư (Apoptosis).
Nguồn VNE