Cách nay 40 năm- năm 1979, một sự kiện lịch sử tạo ra bước ngoặt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận, đó là luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng được Chính phủ phê duyệt với kinh phí đầu tư lên đến gần 110 triệu USD thời bấy giờ.
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 29.4.1981, tại huyện Dương Minh Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Huỳnh Tấn Phát đã đặt nhát cuốc đầu tiên phát lệnh khởi công công trình thuỷ nông có quy mô lớn nhất nước này. Chỉ 4 năm sau, ngày 10.1.1985, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chính thức mở nước phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha đất ruộng đồng ở Tây Ninh.
Với diện tích mặt nước 27.000 ha, dung tích chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước cùng hệ thống kênh các cấp có tổng chiều dài hơn 2.000km, nhiều năm qua, mỗi năm hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã dẫn nước trực tiếp tưới tiêu cho hơn 100.000 ha đồng ruộng; cung cấp gần 100 triệu m3 nước ngọt cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt, góp phần đáng kể trong việc phát triển sản xuất công nghiệp, cải thiện môi trường, an sinh xã hội.
Ngoài ra, hằng năm, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp cho ngư dân cả ngàn tấn thuỷ sản, giúp hàng trăm hộ có cuộc sống ổn định. Để có được thành quả như ngày hôm nay, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã trải qua không ít thăng trầm, trắc trở cùng với sự nỗ lực lớn lao, không ngừng nghỉ của Trung ương và các địa phương- nhất là trong giai đoạn đầu sau khi mở nước phục vụ.
Nhớ lại những năm đầu sau khi khởi công xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng cách nay gần 40 năm, nhiều người lớn tuổi ở Tây Ninh không khỏi cảm thấy tự hào. Bởi thời ấy, phong trào làm thuỷ lợi với khẩu hiệu “Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta” diễn ra vô cùng sôi động. Thanh niên thời ấy hầu hết đều tham gia làm kênh trên toàn hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. Có nhiều thanh niên coi công trường thi công như là nhà bởi quanh năm suốt tháng luôn có mặt đào, đắp các tuyến kênh. Những lúc cần đẩy nhanh tiến độ, nhiều nơi thanh niên thắp đèn làm cả ban đêm, tiếng cuốc xẻng đào đất, tiếng đầm nện nén đất đắp bờ kênh hoà quyện tiếng cười đùa, hò hát vang vọng trong đêm khuya, tạo thành không khí vui tươi như ngày hội.
Thời đó, đoàn viên - thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong việc thi công công trình thuỷ lợi này. Đến ngày công trình đưa vào vận hành, Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận đã huy động được hơn 450 ngàn lượt đoàn viên - thanh niên tham gia; thực hiện gần 15 triệu ngày công lao động; đào đắp được hơn 11,6 triệu m3 đất, xây lắp gần 54 ngàn m3 bê tông và đá xây... để xây dựng nên hàng ngàn km kênh và hàng ngàn công trình trên kênh.
Từ phong trào làm thuỷ lợi, hàng trăm đoàn viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 1.450 kiện tướng lao động; hơn 430 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng, hơn 10 ngàn thanh niên được kết nạp vào Đoàn. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều đơn vị điển hình làm thuỷ lợi có năng suất cao, chất lượng tốt như xã Hiệp Tân (Hoà Thành), xã Hảo Đước (Châu Thành), xã Cẩm Giang (Gò Dầu), xã Lộc Ninh (Dương Minh Châu), xã Tân Hưng (Tân Biên), xã Bình Minh (Thị xã - bây giờ là thành phố Tây Ninh). Riêng 2 huyện Châu Thành và Hoà Thành thì nhiều năm liền giữ lá cờ đầu trên công trường, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đầu năm 1985, nguồn nước từ hồ chứa Dầu Tiếng bắt đầu tuôn ra, theo 2 tuyến kênh chính Đông và Tây với tổng chiều dài hơn 80km, đổ vào cả ngàn km các tuyến kênh cấp 1, 2, 3 rồi lan toả ra kênh nội đồng đưa nước đến hàng chục ngàn ha đồng ruộng.
Không thể tả hết được niềm vui mừng của nhân dân lúc bấy giờ khi dòng nước kênh chảy ra những cánh đồng bao năm bỏ hoang trong mùa khô vì thiếu nước. Từ đó, nhiều cánh đồng lúa từ 1 vụ không chắc ăn, bỗng trở thành đất lúa 3 vụ mỗi năm, năng suất luôn ổn định. Nhiều cánh đồng “ngàn năm hoang hoá” đã biến thành những vùng sản xuất nông nghiệp trù phú.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh trong năm tăng vọt gấp 2-3 lần so với trước khi có hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển, nhiều vùng chuyên canh được hình thành... Hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong nhiều năm qua.
Bê tông hoá kênh thuỷ lợi.
Tuy nhiên, để có được thành quả như hôm nay không phải là chuyện giản đơn. Trong gần 40 năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân đã phải hết sức nỗ lực trong việc đưa hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng vượt qua những giai đoạn “thăng trầm” phát sinh sau khi đưa vào phục vụ, mà trước tiên là nỗ lực chống xuống cấp.
Sau khi mở nước vài năm, hiệu quả của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng phát huy không bao lâu thì nhiều tuyến kênh bắt đầu xuống cấp. Do tất cả các tuyến kênh lúc bấy giờ chỉ là kênh đất, có nhiều nơi có độ kết dính kém, hơn nữa, việc thi công trước đây hầu hết là thủ công, nên chỉ sau vài năm sử dụng, nhiều đoạn bờ kênh bị sạt lở hoặc bị vỡ, lòng kênh bị bồi lắng…
Hậu quả là rất nhiều tuyến kênh bị hạn chế dòng chảy, nhiều đoạn không còn khả năng dẫn nước. Bên cạnh đó, do kênh nội đồng dẫn nước đến chân ruộng còn thiếu, nhiều diện tích đồng ruộng nằm cạnh các tuyến kênh không có nước vào, nên nhiều nông dân lén xẻ bờ kênh để đặt ống dẫn nước vào ruộng, càng làm cho các tuyến kênh nhanh chóng hư hỏng.
Hậu quả là diện tích tưới giảm sút rất nhanh. Trong những năm 1986, 1987, diện tích tưới toàn tỉnh Tây Ninh đạt đến gần 30.000 ha nhưng đến những năm 1989, 1990, toàn tỉnh chỉ còn hơn 10.000 ha đồng ruộng thực sự được trực tiếp hưởng nước hồ Dầu Tiếng. Không chỉ có các tuyến kênh bị xuống cấp, một số công trình quan trọng trong khu đầu mối cũng bắt đầu xuất hiện nguy cơ mất an toàn. Trên thân đập phụ, một số đoạn xuất hiện tình trạng rò rỉ, nước thấm qua chân đập, có thể xảy ra sự cố khi tích nước đủ cao trình.
Nhận thấy hiệu quả của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng bị giảm sút, khu đầu mối có nguy cơ mất an toàn và diện tích thực tưới giảm mạnh, đầu thập niên 1990, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tăng cường đầu tư thêm cả trăm tỷ đồng nâng cấp khu đầu mối và 2 tuyến kênh chính.
Theo đó, thân đập trong khu đầu mối được gia cố, xây dựng thêm một bức tường tâm bê tông với chiều sâu mấy chục mét để chống tình trạng nước rò rỉ gây mất an toàn. Hai kênh chính cũng được nâng cấp bằng cơ giới để bảo đảm an toàn và tạo độ thông thoáng cho dòng nước lưu thông. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ và nâng cấp hệ thống kênh từ cấp 1 trở xuống.
Ngành thuỷ nông thường xuyên tuần tra trên các tuyến kênh để kịp thời xử lý tình trạng vi phạm đê điều, bảo vệ an toàn cho dòng nước thông suốt đến mặt ruộng. Kết quả của sự nỗ lực từ bộ đến tỉnh, khu đầu mối được gia cố an toàn hơn, nhiều tuyến kênh được nâng cấp, diện tích tưới - tiêu dần khôi phục.
Không chỉ có vậy, những năm cuối thập niên 90, hệ thống kênh Tân Hưng được xây dựng, cũng lấy nước từ hồ Dầu Tiếng để tưới cho các xã phía Nam của huyện Tân Châu và Tân Biên, nâng diện tích tưới tiêu của toàn hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng thêm gần 10 ngàn ha.
Kênh chính khu tưới Tân Biên.
Thế nhưng trong những năm tiếp theo, tuy công trình đã được đầu tư nâng cấp mà diện tích tưới tiêu cũng không thể đạt được mức thiết kế. Nguyên nhân chính là do hầu hết các tuyến kênh, từ kênh chính đến hệ thông kênh cấp 1, 2, 3... đều là kênh đất, tốc độ sửa chữa không thể theo kịp tốc độ xuống cấp. Hơn nữa, cũng do là kênh đất nên số lượng nước tưới bị thất thoát khá nhiều do bị thẩm thấu, khiến diện tích tưới tiêu khó mở rộng.
Khả năng dẫn nước của nhiều tuyến kênh giảm khiến nhiều khu vực nằm trong vùng tưới thiếu nước tưới, thậm chí có một số vùng không có nước tưới. Trong tình hình khó khăn đó, tỉnh đã quyết định đầu tư thực hiện dự án kiên cố hoá kênh mương trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn địa phương.
Khởi đầu là bê tông hoá những tuyến kênh đi qua những vùng có độ kết dính đất kém khiến xuống cấp nặng, kế đến là những tuyến kênh quan trọng, có diện tích tưới lớn... nhằm giữ vững diện tích vùng tưới. Nhiều công trường thuỷ lợi được hình thành trở lại, nhưng khác với trước đây là chủ yếu thi công bằng cơ giới. Dự án kiên cố hoá kênh thuỷ lợi đã giúp một số tuyến kênh phát huy tác dụng, nhưng do nguồn vốn hạn chế nên số lượng các tuyến kênh được kiên cố hoá không nhiều.
Tháng 9 năm 2003, một tin vui cho người dân Tây Ninh khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam” (VWRAP) do Ngân hàng Thế giới đầu tư cho vay- trong đó có dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng”.
Cuối năm 2003, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt “Báo cáo nghiên cứu khả thi” dự án; và sau đó, Hiệp định vay vốn đã được ký kết giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Theo quyết định phê duyệt này, dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, bao gồm: nâng cấp, sửa chữa các công trình đầu mối, bảo đảm an toàn hồ chứa; sửa chữa, nâng cấp 2 kênh chính Đông và Tây bảo đảm chuyển tải đủ lưu lượng thiết kế để tưới cho hơn 115.000 ha bao gồm 2 khu tưới hiện tại và mở rộng khi tiếp nước từ hồ Phước Hoà; gia cố và xây dựng bổ sung hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và kênh đến mặt ruộng, kênh tiêu thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để bảo đảm tưới 57.300 ha; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ quản lý khai thác theo hướng hiện đại hoá… Thời gian thực hiện dự án là 7 năm - bắt đầu từ 2004 đến năm 2010 kết thúc.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” lại gặp trắc trở, khiến cho toàn hệ thống phải nằm chờ đến 5 năm mới được thi công. Theo Ban Quản lý dự án lúc bấy giờ, mãi đến năm 2009 dự án mới được triển khai- chậm 5 năm so với kế hoạch, nguyên nhân là do ách tắc các khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt…
Chính vì chậm trễ như vậy nên toàn bộ khối lượng công việc nâng cấp trong thời gian 6 năm- từ năm 2005 đến năm 2010 nay dồn lại chỉ còn có 2 năm, bởi năm 2011 phải kết thúc và quyết toán công trình. Từ việc triển khai gấp gáp đó, những sự cố, sai sót trong quá trình thi công trên hệ thống kênh từ cấp 1 trở xuống bắt đầu xuất hiện, dẫn tới hậu quả là nhiều nơi chất lượng công trình không đạt.
Sau khi triển khai thi công được gần 2 tháng, Ban Quản lý dự án có báo cáo, trong đó đánh giá “...hầu hết các hợp đồng xây lắp đều chậm so với tiến độ cam kết; quy trình và chất lượng thi công của một số nhà thầu không đạt yêu cầu kỹ thuật đã nêu trong hồ sơ mời thầu; có những nhà thầu không bố trí đúng cán bộ chủ chốt và nhân lực, thiết bị theo hồ sơ mời thầu; nhiều lãnh đạo đơn vị thi công thiếu sự quan tâm, không nắm bắt thông tin thực tế diễn biến tại hiện trường nên không có sự chỉ đạo thi công sâu sát, dẫn đến chậm tiến độ và việc quản lý chất lượng nội bộ của nhà thầu còn nhiều khuyết điểm...”.
Từ đó, Ban Quản lý dự án nỗ lực xử lý các vi phạm, sai sót để thi công lại. Bên cạnh đó, có một số tuyến kênh khi thiết kế nâng cấp thì mặt cắt mới nhỏ hơn mặt cắt cũ, làm giảm diện tích tưới tiêu. Điều này dẫn đến nghịch lý là “kênh chưa nâng cấp thì tưới được nhiều, nhưng sau khi nâng cấp thì diện tích tưới lại ít hơn”. Qua kiến nghị của Ban Quản lý dự án, những tuyến kênh này phải điều chỉnh thiết kế lại, gây hao tốn thời gian và tiền bạc.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, cuối cùng, dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” cũng hoàn thành, gần 50% chiều dài kênh các cấp trên địa bàn tỉnh được bê tông hoá phẳng phiu, vừa vận hành an toàn, vừa dẫn nước thông thoáng, vừa hạn chế lượng nước thất thoát. Lúc đó, hiệu quả của công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng được nâng lên rõ rệt, nhiều vùng được bảo đảm nước tưới nên năng suất, chất lượng nông sản được nâng lên.
Song song với thời gian thi công dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng”, kênh dẫn nước từ hồ Phước Hoà sang hồ Dầu Tiếng được thực hiện và hệ thống thuỷ lợi Tân Biên- lấy nước từ kênh chính Tây bắt đầu được triển khai để mở rộng vùng tưới đến các xã phía Nam và biên giới huyện Tân Biên với diện tích thiết kế khoảng gần 6.500 ha.
Một lần nữa, Tây Ninh lại xuất hiện các công trường thuỷ lợi hoạt động rầm rộ, chủ yếu thi công bằng cơ giới. Những năm gần đây, hệ thống thuỷ lợi này đã được đưa vào vận hành, cung cấp nước cho những cánh đồng phía Bắc của tỉnh từ nhiều năm qua chưa được hưởng nguồn nước của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng.
Diễn tập phòng, chống lụt bão tại đập phụ hồ Dầu Tiếng.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án sửa chữa, nâng cấp kênh chính Tây thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng để nâng cao năng lực tưới tiêu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành và thành phố Tây Ninh với tổng mức đầu tư là 400 tỷ đồng.
Theo đó, sau khi kênh Tây được nâng cấp sẽ phục vụ tưới ổn định và tạo nguồn cho 21.000 ha đồng ruộng, tiêu thoát nước gần 9.000 ha cho lưu vực, cấp nước tưới bổ sung cho khu tưới Tân Biên, kết hợp nuôi trồng hơn 6.400 ha thuỷ sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà làm chủ đầu tư công trình này, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2021.
Như vậy, qua 40 năm kể từ khi lập luận chứng kinh tế kỹ thuật và triển khai thi công đến nay, có những giai đoạn đầu, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng phải trải qua nhiều khó khăn, diện tích tưới có lúc giảm nghiêm trọng do kênh mương xuống cấp. Thế nhưng do được sự quan tâm kịp thời, tăng cường đầu tư của trung ương, của tỉnh, hệ thống kênh mương của công trình thuỷ nông quy mô lớn này đã ngày càng được nâng cấp hoàn thiện, vững chắc, an toàn, vận hành tưới - tiêu ổn định. Từ đó, diện tích vùng tưới được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là thành quả của sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trung ương và địa phương, cùng sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà và các tỉnh lân cận.
Trong tương lai, Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà sẽ còn tiếp tục được đầu tư để phát huy mọi lợi thế, tiềm năng không chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, môi trường mà còn ở những lĩnh vực mũi nhọn khác của tỉnh như du lịch, nghỉ dưỡng... Lúc đó, hồ Dầu Tiếng với cảnh quan hùng vĩ, không khí trong lành sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách mọi miền.
S.T