CÔNG NGHIỆP HOÁ NGÀY CÀNG MẠNH MẼ
Nói về sự phát triển tỉnh nhà trong 45 năm qua, không thể không kể đến những thành tựu của công cuộc công nghiệp hoá tỉnh nhà. Ðây là một trong những “cây đũa thần” giúp kinh tế Tây Ninh phát triển.
Tuy nhiên bước khởi đầu của tiến trình công nghiệp hoá ở Tây Ninh gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, bởi trong thời gian chiến tranh, Tây Ninh là một trong những tỉnh bị tàn phá rất nặng nề, nhiều nơi ruộng đồng bị bỏ hoang, cơ sở công nghiệp hầu như chẳng có gì, đường sá đi lại khó khăn, thương mại kém phát triển... Ðã vậy, gần 10 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tây Ninh vẫn chưa được hoà bình trọn vẹn do chiến đấu chống bọn diệt chủng Pol Pot. Ðến khi biên giới yên ổn, Tây Ninh mới thực sự bắt tay vào công cuộc công nghiệp hoá.
Dấu ấn đầu tiên trong tiến trình công nghiệp hoá ở Tây Ninh là nhà máy đường Nước Trong, do nước bạn Cuba hợp tác đầu tư (lúc đó thường gọi là nhà máy đường Cuba) với công suất ban đầu là 500 tấn mía cây/ngày (TMN), được xây dựng ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu, sau đó được nâng lên 1.000 TMN. Sự ra đời của nhà máy đường với công suất lớn nhất thời bấy giờ này đã tạo tiền đề phát triển lĩnh vực chế biến mía đường ở Tây Ninh, từ đó thúc đẩy vùng nguyên liệu mía của tỉnh mở rộng.
Trên đà phát triển đó, năm 1995, Tập đoàn Bourbon của Cộng hoà Pháp đã đầu tư 100 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến mía đường công suất lớn nhất cả nước thời bấy giờ- giai đoạn đầu là 8.000 TMN, với công nghệ hiện đại sản xuất đường tinh luyện, dự trù giai đoạn sau nâng lên 16.000 TMN. Giai đoạn này, Công ty CP đường Biên Hoà cũng đầu tư xây dựng nhà máy 2.500 TMN sản xuất đường thô, sau nâng lên 3.500 TMN rồi 4.000 TMN trong đó sản xuất cả đường tinh.
Vùng nguyên liệu mía ở Tây Ninh theo đó mà phát triển rất nhanh để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, Tây Ninh đã có đến 3 nhà máy chế biến mía đường quy mô lớn- trong đó có nhà máy công suất lớn nhất cả nước, tạo điều kiện cho vùng nguyên liệu mía phát triển, có năm đạt đến hơn 35.000 ha, biến Tây Ninh trở thành “thủ đô mía đường” của cả nước. Hiện 3 nhà máy đường có tổng công suất lên đến 14.800 TMN, niên vụ vừa qua toàn tỉnh đưa vào chế biến trên 1,6 triệu tấn mía cây, sản xuất trên 160.000 tấn đường cung cấp cho thị trường.
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến tinh bột khoai mì cũng phát triển mạnh không kém. Khởi đầu là nhà máy chế biến tinh bột mì liên doanh với Thái Lan có công suất ban đầu là 50 tấn tinh bột/ngày. Ðây là nhà máy có quy mô sản xuất lớn và công nghệ tiên tiến nhất so với những cơ sở sản xuất thủ công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời bấy giờ.
Sau sự khởi đầu này, nhiều nhà máy khác liên tiếp ra đời cũng với công suất lớn và công nghệ hiện đại, trong đó có nhà máy liên doanh với Singapore và nhiều nhà máy tư nhân. Từ đó, vùng nguyên liệu khoai mì phát triển theo ngày càng mạnh mẽ, diện tích có khi lên đến trên 40.000 ha. Hiện trên địa bàn tỉnh có 74 cơ sở, nhà máy chế biến tinh bột mì với tổng công suất thiết kế khoảng 7.296 tấn sản phẩm/ngày, trong đó có 6 nhà máy chế biến sâu, 4 nhà máy sản xuất tinh bột biến tính và 2 nhà máy sản xuất mạch nha. Năm vừa qua, sản lượng khoai mì nguyên liệu đưa vào chế biến đạt đến hơn 3 triệu tấn, sản xuất ra gần 800.000 tấn tinh bột cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước.
Trước đây, toàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy chế biến cao su thuộc Công ty Cao su Vên Vên (nay là Công ty CP Cao su Tây Ninh). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tây Ninh bắt đầu phát triển cây cao su khu vực phía Bắc của tỉnh, đồng thời Tổng cục Cao su Việt Nam cũng phát triển thêm nhiều diện tích cao su ở các huyện Tân Biên, Tân Châu. Từ đó công nghiệp chế biến cao su phát triển khá nhanh, không chỉ các công ty xây dựng nhà máy mà còn có khá nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng. Ðến nay, toàn tỉnh có khoảng 23 công ty, doanh nghiệp chế biến cao su và một số cơ sở nhỏ với tổng công suất chế biến khoảng 431 tấn sản phẩm/ngày...
Vòm chứa đá Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh. Ảnh: Dương Đức Kiên
Như vậy, sau 45 năm tái thiết, xây dựng tỉnh nhà, hầu hết các cây trồng thế mạnh của Tây Ninh đều có nhà máy công nghiệp chế biến tại chỗ, trong đó có những nhà máy công suất lớn và công nghệ khá hiện đại. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp khác phát triển mạnh. Ðáng kể nhất là dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất xi măng Fico Tây Ninh tại xã Tân Hoà, huyện Tân Châu có công suất 1,5 triệu tấn/năm triển khai vào năm 2008 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.800 tỷ đồng, đến năm 2009 cho ra sản phẩm mang thương hiệu Fico Tây Ninh tham gia thị trường. Gần đây, Tây Ninh phát triển thêm nhà máy chế biến rau quả Tanifood với tổng công suất thiết kế là 150.000 tấn/năm, hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng nhanh chóng đưa Tây Ninh trở thành tỉnh công nghiệp.
Bên cạnh việc tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển các nhà máy công nghiệp quy mô lớn, Tây Ninh còn hết sức quan tâm đến việc hình thành các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện tập trung đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá. Bước khởi đầu là Khu công nghiệp (KCN) Trảng Bàng hình thành. Ðây là KCN đạt hiệu quả cao nhất ở Tây Ninh tuy bước đầu có gặp không ít khó khăn.
Từ đó, nhiều KCN khác ra đời tiếp tục. Ðặc biệt, từ năm 2009, Tây Ninh triển khai thực hiện hai khu công nghiệp có quy mô rất lớn là Khu liên hợp công nghiệp đô thị dịch vụ Phước Ðông- Bời Lời và Khu công nghiệp dịch vụ Bourbon- An Hoà. Trong đó, Khu liên hợp Phước Ðông- Bời Lời có quy mô lớn nhất Tây Ninh với tổng diện tích quy hoạch lên đến hơn 2.800 ha, trải dài qua các xã Phước Ðông, Bàu Ðồn thuộc huyện Gò Dầu và xã Ðôn Thuận thuộc huyện Trảng Bàng.
Còn Khu công nghiệp dịch vụ Bourbon- An Hoà, có tổng diện tích quy hoạch là 1.020 ha thuộc địa bàn xã An Hoà huyện Trảng Bàng. Song song đó, nhiều cụm công nghiệp (CCN) cũng được quy hoạch, trong đó có những cụm đã triển khai khá hiệu quả như: CCN Bến Kéo (Hoà Thành); CCN Hoà Hội, Ninh Ðiền (Châu Thành); CCN Thanh Xuân 1...
Từ sự hình thành các KCN CCN, khả năng thu hút đầu tư của Tây Ninh gia tăng đáng kể. Riêng lĩnh vực đầu tư nước ngoài, từ năm 1993 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thu hút được 291 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký là 5.782,15 triệu USD.
Từ những nỗ lực phát triển theo định hướng công nghiệp hoá, trong nhiều năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp ở Tây Ninh đã tăng trưởng với tốc độ rất cao, thường từ 15% đến 20% mỗi năm, có năm vượt trên 20%. Theo con số báo cáo của Sở Công nghiệp cũ trước đây, trước năm 1990, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Tây Ninh không năm nào đạt đến 100 tỷ đồng, nhưng đến năm 1997 đã vượt qua con số 1.000 tỷ đồng.
Năm vừa qua, tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng qua con số báo cáo tiến độ của ngành chức năng, dự đoán giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh có thể sẽ đạt trên 80.000 tỷ đồng. Tuy so với một số tỉnh, thành khác trong khu vực, giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Ninh chưa phải là cao- thậm chí còn thấp hơn, nhưng đối với một tỉnh có xuất phát điểm rất thấp do bị chiến tranh tàn phá nặng nề như tỉnh ta thì đạt được kết quả như vậy là rất đáng tự hào. Từ thành tựu của công cuộc công nghiệp hoá, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh gia tăng hằng năm- có năm tốc độ vượt con số 20%.
HẠ TẦNG NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN
Ðối với những người cao tuổi, sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh mới có thể hình dung rõ nét nhất về sự “thay da đổi thịt” trên quê hương mình trong suốt chiều dài 45 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Sau khi biên giới bình yên, Tây Ninh ngay lập tức tập trung toàn lực vào việc phát triển hạ tầng- mà trước tiên là hệ thống đường giao thông. Tại trung tâm tỉnh, khởi đầu là nâng cấp láng nhựa đường Cách Mạng Tháng Tám, sau đó tuyến đường Hoàng Lê Kha được thảm bê tông nhựa đầu tiên. Rồi hàng loạt tuyến đường như 30.4, Nguyễn Thái Học, Lạc Long Quân, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi... được nâng cấp bê tông nhựa.
Bên cạnh đó, lần lượt các tuyến đường từ trung tâm tỉnh đến các huyện được đầu tư nâng cấp, trong đó đường 785 đi huyện Tân Châu là tuyến đầu tiên được thảm bê tông nhựa. Rồi lần lượt tuyến quốc lộ 22B về huyện Tân Biên, đường 781 về huyện Châu Thành và về huyện Dương Minh Châu, đường 786 về huyện Bến Cầu, đường 795 Tân Biên- Tân Châu, đường 782-784 Dương Minh Châu- Trảng Bàng và nhiều tuyến liên huyện khác được đầu tư nâng cấp. Ðồng thời, các tuyến đường đến tất cả các xã trong tỉnh cũng được đầu tư nâng cấp.
Ðến nay, hệ thống đường giao thông ở Tây Ninh có tổng chiều dài hơn 4.600km, trong đó đường do tỉnh quản lý có 40 tuyến với chiều dài 739km; huyện, thành phố quản lý 1.281km; cấp xã khoảng 2.600km. Hiện nay, mạng lưới giao thông đã trải đều khắp, xe có thể đến từng xóm, ấp trong tỉnh.
Nhà máy đường Thành Thành Công - Tây Ninh. Ảnh: Sơn Trần
Song song với việc phát triển đường giao thông, hệ thống truyền tải điện cũng vươn xa về các vùng nông thôn, biên giới. Giai đoạn đầu, do kinh phí đầu tư còn hạn chế nên ở nhiều địa phương, ngành Ðiện chỉ lắp đặt đường dây trung thế, người dân hình thành tổ huy động góp vốn hạ thế và kéo điện về sử dụng- nhất là ở các vùng nông thôn.
Sau đó, ngành điện lực dần dần tiếp thu và nâng cấp các đường dây của các tổ điện, chuyển sang cung cấp điện trực tiếp, giúp người dân sử dụng điện an toàn với giá gốc rẻ hơn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hơn 45km đường dây 220kV, 2 trạm biến áp (TBA) 220kV; hơn 220km đường dây 110 kV và 10 TBA 110kV với tổng công suất là 772 MVA. Còn hệ thống đường dây hạ thế thì trải đều khắp, đưa điện lưới quốc gia về phục vụ gần 100% hộ dân từ thành thị đến các vùng nông thôn, biên giới.
Ðặc biệt, chỉ sau 6 năm ngày đất nước thống nhất, Tây Ninh động thổ xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng- dự án thuỷ lợi lớn nhất cả nước, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 110 triệu USD lúc đó. Hệ thống gồm hồ chứa nước có dung tích hơn 1,5 tỷ mét khối, hàng ngàn km kênh các cấp, dẫn nước tưới cho hàng trăm ngàn ha trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận.
Nhờ hệ thống thuỷ lợi này mà hàng chục ngàn ha đất sản xuất 1 vụ ở Tây Ninh chuyển lên 3 vụ trong năm, nhiều vùng chuyên canh hình thành, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng mạnh. Ðến nay, hệ thống kênh thuỷ lợi có tổng số chiều dài hơn 2.000km, trong đó có hơn 1.500 tuyến kênh tưới với tổng chiều dài gần 1.500km và hơn 270 tuyến kênh tiêu với tổng chiều dài gần 600km. Trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai thi công hệ thống kênh mương vượt sông Vàm Cỏ Ðông để mở rộng vùng tưới sang khu vực cánh Tây...
Hạ tầng phát triển đã góp phần hết sức quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt- cả đô thị, nông thôn cùng khu vực biên giới. Ở trung tâm tỉnh, ngày nay dọc theo các trục đường không chỉ nhà cửa mà các cửa hàng, dịch vụ, cơ sở kinh doanh, siêu thị... mọc lên san sát, ban đêm đèn đuốc sáng choang. Còn ở các vùng nông thôn, tuy không bằng thành phố, nhưng dọc các tuyến đường chính cũng ngày càng có nhiều nhà xây cất khang trang, nhiều điểm vui chơi giải trí mọc lên không thua kém bao nhiêu so với những vùng thị trấn, thị tứ. Ðặc biệt, sau khi có hệ thống thuỷ lợi, đời sống người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt do năng suất cây trồng gia tăng, giá trị sản xuất trên mỗi ha ngày càng cao.
Qua sự nỗ lực vượt bậc của Ðảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong 45 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quê hương Tây Ninh đã có sự “thay da đổi thịt” rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng lên ngày càng cao. Hiện nay, thị xã Tây Ninh trở thành thành phố Tây Ninh trực thuộc tỉnh, 2 huyện Hoà Thành và Trảng Bàng chuẩn bị trở thành thị xã và các thị trấn huyện còn lại đang phấn đấu nâng cấp đô thị ngày càng hiện đại hơn. Các xã vùng ven, vùng sâu qua 10 năm xây dựng nông thôn mới cũng có sự đổi thay nhanh chóng; điện, đường, trường, trạm được xây dựng, nâng cấp đều khắp, nghèo đói và lạc hậu dần bị đẩy lùi.
Ðối với những người lớn tuổi sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh, ở thời điểm 45 năm về trước, không thể tưởng tượng được là quê hương mình có được những thành tựu như ngày nay, bản thân mình được sống trong điều kiện vật chất, tinh thần đầy đủ, ấm no, so với ngày trước đã hơn rất nhiều. Ngày nay, hầu hết người dân Tây Ninh không chỉ “ăn no” mà còn “ăn ngon”, không chỉ “mặc ấm” mà còn “mặc đẹp”. Quả thật, nếu không có hoà bình, thống nhất đất nước cách nay 45 năm thì người dân Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung sẽ không có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
S.T