Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Dù tiết kiệm là chính đáng nhưng nếu quá tằn tiện lại gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe con người.
Dưới đây là 5 hành vi tiết kiệm vô nghĩa, đang ăn mòn sức khỏe gia đình.
Tái sử dụng dầu ăn nhiều lần
Tái sử dụng dầu ăn là một cách tiết kiệm mà nhiều người đang làm, tuy nhiên đây là hành vi nguy hiểm, gây tổn hại sức khỏe.
Ngoài việc làm mất hương vị thực phẩm, giảm dinh dưỡng, dầu chiên đi chiên lại còn gây mùi cũ, khét. Đặc biệt, dầu thực vật khi nấu ở nhiệt độ cao, chiên nhiều lần thì thành phần hóa học trong chúng sẽ bị biến đổi, thậm chí có thể phân hủy thành chất béo chuyển hóa (trans-fat), aldehyd, fatty acid oxide... Các chất này gây hại sức khỏe tổng thể, trong đó có sức khỏe tim mạch, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Dầu đã qua sử dụng nếu không được lọc và bảo quản đúng cách, các mảng thức ăn còn sót lại trong dầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn Clostridium botulium, gây ngộ độc thực phẩm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Ảnh minh họa: AliExpress.
Không bật hút mùi khi nấu ăn
Để tiết kiệm điện, nhiều người không bật máy hút mùi khi nấu ăn, mà nghĩ rằng chỉ cần mở cửa thông thoáng sẽ hết mùi. Tuy nhiên việc không bật hút mùi sẽ khiến người trong nhà hít phải khói dầu cũ khi nấu. Theo thời gian khói dầu sẽ xâm nhập vào hệ hô hấp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh về phổi.
Biện pháp tốt nhất sau khi nấu ăn xong nên để máy hút mùi vận hành khoảng 10 phút nữa rồi mới tắt. Bởi lúc này, trong không gian bếp vẫn còn mùi khói dầu cũng như các khí độc hại như carbon dioxide, carbon monoxide,...Cũng cần lưu ý trong trường hợp không cần thiết không nên tăng công suất máy hút mùi để tránh gây lãng phí năng lượng.
Không thay mới dụng cụ bếp, thực phẩm
Không chịu thay mới dụng cụ bếp cũng như ăn thực phẩm quá hạn có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng.
Ví dụ như thớt sau thời gian sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng bị mốc và tiết ra chất aflatoxin, gây nguy hại cho sức khỏe. Nồi hay chảo nhôm quá cũ, xuất hiện nhiều vết xước cũng nên thay mới.
Ngoài ra, những thực phẩm như rau củ quả, trái cây bị hỏng, nhiều người tiết kiệm chỉ cắt bỏ phần thối và tiếp tục ăn phần còn lại cũng rất dễ gây ngộ độc.
Thường xuyên ăn thức ăn để qua đêm
Thói quen để đồ ăn qua đêm xuất hiện trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, những món ăn không nên để qua đêm như các món được nấu từ rau xanh, đậu nành, thịt gà, nấm,... vì chúng có thể gây ngộ độc.
Theo các chuyên gia, món ăn sau khi được nấu chín nên để ở nhiệt độ bên ngoài trong hai giờ. Sau khoảng thời gian này, vi khuẩn có hại sẽ xuất hiện và phát triển số lượng khá nhanh làm sinh ra những độc tố nguy hiểm và gây ngộ độc.
Vì vậy, đối với các thực phẩm thừa hoặc chưa sử dụng, người dùng nên bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc được nấu chín trên 60 độ C. Nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dưới 5 độ C, thời gian bảo quản thực phẩm không vượt quá hai ngày. Sau thời gian này, các loại thức ăn có thể bị hỏng và gây tình trạng ngộ độc.
Không thay mới đũa định kỳ
Nhiều người cho rằng nếu đũa không bị gãy hỏng thì không cần thay mới. Tuy nhiên, đây là thói quen tai hại.
Mỗi khi cọ rửa trên bề mặt đũa sẽ có vết nứt, tích tụ cặn thức ăn và vết dầu mỡ. Nếu không được làm khô ngay sau khi rửa, nước đọng sẽ thành nơi sản sinh của vi khuẩn. Dù ngâm đũa trong nước sôi có thể loại bỏ vi khuẩn, nhưng đũa cũ khiến vi sinh vật dễ sinh sôi trở lại, gây hàng loạt bệnh, làm suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tiêu hóa.
Đũa tre và gỗ khi tiếp xúc với nước dễ bị nấm mốc. Loại đũa này nên được thay sau 3-6 tháng sử dụng. Đũa sử dụng trên 6 tháng có thể sinh độc tố aflatoxin, một loại độc tố vi nấm gây ngộ độc cấp tính và là nguyên nhân gây xơ gan, ung thư gan.
Nguồn vnexpress.net