Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bất cứ ai trải nghiệm cuộc sống hôn nhân đều hiểu rằng đó là một con đường dài và nhiều thử thách khi mọi thứ có thể suôn sẻ hoặc không như vậy.
Mark Travers, tiến sĩ tâm lý học tại ĐH Cornell (Mỹ) đã xác định một trình tự chung của quá trình tiến hóa hôn nhân, bao gồm 6 giai đoạn chính.
Mối quan hệ yêu thương
Trong giai đoạn đầu này, mọi người đều có điểm chung là sung sướng, vui vẻ khi đáp ứng được nhu cầu của người kia. Sự thỏa mãn này cùng với hôn nhân giúp củng cố cảm giác yêu thương và chăm sóc. Hai phía có thể hiểu sâu sắc hơn về nhau bất chấp những phiền nhiễu trong cuộc sống hàng ngày. Họ cũng coi nhau là hoàn hảo, có suy nghĩ và hành động tương đồng.
“Trăng mật” kết thúc
Trong giai đoạn này, động lực thay đổi khi một đối tác không đáp ứng được kỳ vọng của bạn đời, dẫn đến thất vọng và muộn phiền. Trách nhiệm chung đối với hạnh phúc vẫn tồn tại nhưng hành vi của các cặp vợ chồng mang tính trách nhiệm với nỗ lực khôi phục lại trạng thái ban đầu của tình yêu. Tình yêu và sự quan tâm không còn là vô điều kiện nữa, các phía có thể dao động giữa việc chỉ trích và cảm thấy bị tổn thương hoặc thất vọng khi mối quan hệ không đạt được trạng thái lý tưởng.
Xung đột
Sự thất vọng chuyển thành sự tức giận, dẫn đến một cuộc tranh giành quyền lực được đánh dấu bằng các biện pháp trả đũa thường xuyên.
Cuộc đấu tranh đóng vai trò như một cơ chế phòng vệ chống lại sự thất vọng đang diễn ra vì một trong hai phía không thể nối lại mối quan hệ yêu đương ban đầu. Các cuộc tranh luận xoay quanh các vấn đề kiểm soát, chẳng hạn như tiền bạc, tình dục hoặc thời gian dành cho nhau.
Trong những trường hợp cực đoan, việc ngoại tình có thể xảy ra như một cách làm tổn thương người phối ngẫu. “Khủng hoảng năm thứ 7 của hôn nhân” có thể xuất hiện ở giai đoạn này.
Cố chấp
Giai đoạn này, những cặp vợ chồng với sự mệt mỏi về mặt cảm xúc và nguy cơ chia ly, chuyển sự chú ý của họ sang các khía cạnh khác của cuộc sống hơn là giải quyết những xung đột hiện có.
Bất chấp sự nồng thắm của tình cảm ngày càng giảm, sự cam kết trong hôn nhân vẫn còn và hai phía tập trung vào những sở thích chung vì lợi ích của gia đình như xây nhà, nuôi dạy con cái hoặc thăng tiến trong công việc.
Trong khi sự hài lòng trong mối quan hệ giảm sút, mối liên hệ của hai bên vẫn tích cực khi họ hợp tác trong các mục tiêu chung.
Tập trung vào mục tiêu riêng
Giai đoạn này, người vợ và người chồng thừa nhận “không thể mong đợi người kia đáp ứng nhu cầu của họ”. Nhận thức này thúc đẩy sự độc lập và tự tin tăng lên khi các cá nhân chỉ tìm kiếm sự hài lòng cho chính mình.
Việc theo đuổi hạnh phúc chuyển từ vợ (hoặc chồng) sang các nguồn bên ngoài, đánh dấu một giai đoạn đam mê được khơi dậy nhưng cũng là sự thừa nhận những hạn chế của mối quan hệ hôn nhân. Họ cũng dần học cách chia sẻ và thấu hiểu với mục tiêu của đối tác.
Trưởng thành
Giai đoạn cuối cùng được đặc trưng bởi sự chấp nhận thực tế, chuyển trọng tâm sang hiện tại. Các cá nhân trong giai đoạn này phát triển tính tự lực và nhận ra sự cần thiết của việc duy trì bản sắc cảm xúc riêng biệt cho một mối quan hệ trưởng thành. Thành công trong giai đoạn này bao gồm việc chấp nhận trách nhiệm về những niềm vui và nỗi đau của mình và tăng cường khả năng quan hệ với người khác, đặc biệt là bạn đời của mình, một cách trọn vẹn hơn.
Theo các chuyên gia, đây chính là giai đoạn của sự thân mật và tương hỗ trở lại. Các cặp đôi dần nhận ra họ có thể chung sống hòa bình dựa trên bản sắc riêng.
Nguồn VNE