Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp
Thứ năm: 21:39 ngày 27/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 26.7, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm Chính phủ (Ban chỉ đạo 138) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng chống tội phạm 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Tây Ninh, dự hội nghị có ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan và thành viên Ban chỉ đạo 138 tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, thời gian qua, công tác phòng chống tội phạm toàn quốc đã đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Do đó, tại hội nghị lần này, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu phải suy nghĩ và giải đáp rõ nguyên nhân của tình trạng ấy là gì và phải giải quyết như thế nào để tạo ra bước chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần nêu rõ những việc làm được, chưa làm được, bài học kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc; đánh giá rõ thực trạng tình hình tội phạm hiện nay ở các địa phương, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nguyên nhân và dự báo thời gian tới; việc tổ chức thực hiện như thế nào cho có hiệu quả.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh .

Báo cáo tại hội nghị, thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 25.850 vụ phạm pháp hình sự (giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2016).

Tuy nhiên, hoạt động của các loại tội phạm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nổi lên là hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lưu manh, côn đồ, sử dụng vũ khí, hung khí, manh động, liều lĩnh có sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm hình sự với kinh tế, ma túy và núp bóng doanh nghiệp; đe dọa lực lượng thực thi pháp luật, thi hành công vụ.

Thời gian gần đây xảy ra một số vụ chống người thi hành công vụ mang tính chất tập thể, lôi kéo, tụ tập đông người tham gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự ở cơ sở...

Đáng chú ý là hoạt động của các nhóm thanh niên thiếu niên tụ tập, thanh toán lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng, thậm chí vào bệnh viện để truy sát nạn nhân.

Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện tâm thần, giết người vô cớ, giết người do nguyên nhân xã hội tăng, xảy ra nhiều vụ giết nhiều người, thủ đoạn man rợ, vô nhân tính.

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương gây bức xúc dư luận, có vụ xảy ra thời gian dài mới phát hiện, điều tra, xử lý...

Đối với tội phạm vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, với các hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tội phạm về ma túy sử dụng vũ khí tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; lượng ma túy từ Lào, Trung Quốc thẩm lậu vào nước ta rất lớn, có vụ hàng tạ heroin, hàng chục kg ma túy tổng hợp; vận chuyển ma túy qua đường hàng không, đường biển tiềm ẩn phức tạp, phát hiện một số vụ trung chuyển ma túy lớn qua Việt Nam để đi nước thứ 3 qua đường biển.

Đặc biệt tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng trong lứa tuổi thanh thiếu niên (chiếm khoảng 48% tổng số người nghiện)...

6 tháng đầu năm 2017, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quan tâm triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm ngay từ những tháng đầu năm.

Đặc biệt đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước...

Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 3,8% số vụ phạm pháp hình sự. Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 79,67%; hầu hết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng dư luận quan tâm đều được khẩn trương điều tra làm rõ; phát hiện và điều tra khám phá án kinh tế, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, môi trường nhiều hơn so với cùng kỳ 2016...

Mặc dù các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo triển khai công tác đấu tranh chống tội phạm, song tình hình hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn ra phức tạp, một số nơi còn để xảy ra tội phạm gây rối trật tự công cộng phức tạp hoặc có vụ phạm tội, vi phạm pháp luật xảy ra kéo dài, nhưng chậm được giải quyết...

Tại hội nghị, các tỉnh/thành như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh... có báo cáo tham luận về tình hình phòng, chống tội phạm tại các địa phương trên trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời kiến nghị Ban chỉ đạo 138/CP cần xem xét giải quyết những vướng mắc trong thực thi pháp luật như thi hành án tử hình người nước ngoài, vấn đề hài cốt...

Một buổi truyền thông phòng chống ma tuý trong học sinh- Ảnh minh hoạ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và của các ngành, các cấp, mà nòng cốt là lực lượng công an, số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc đã giảm 3,8% so với cùng kỳ 2016.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp như tội phạm giết người tăng 3,98%, với 95% là do nguyên nhân xã hội; tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nơi, đang thách thức các chuẩn mực đạo đức và gây bức xúc trong nhân dân; tội phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước; tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp... 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tội phạm còn hạn chế, thiếu sót. Việc nắm tình hình và dự báo về tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn bị động trong một số vụ việc, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo phòng chống tội phạm.

Đặc biệt hiệu quả trong đấu tranh tội phạm có tổ chức, băng nhóm xã hội đen, ổ nhóm buôn lậu chưa cao, nhất là việc phát hiện phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử người cầm đầu đường dây, tổ chức tội phạm đó..

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2017.

Trong đó tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng chống tội phạm, đặc biệt là Kết luận số 05 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, các Chương trình của Chính phủ trong vấn đề này.

Các ngành, các cấp, địa phương cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa tội phạm, chú trọng phòng ngừa xã hội, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về phòng chống tội phạm...

Chú ý việc xác định trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm là của cả hệ thống chính trị, phát huy hết sức mạnh tổng hợp của toàn dân, huy động sức mạnh toàn dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm...

Thiên Tâm

Tin cùng chuyên mục