Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Vượt qua bom đạn của kẻ thù, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng luôn hiện diện tại nhiều chiến trường ác liệt.
Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) điện tin từ mặt trận về căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chính thức ra đời ngày 12/10/1960 tại khu rừng Chàng Riệc (tỉnh Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã thực hiện và hoàn thành “sứ mệnh” vẻ vang, anh dũng trên mặt trận thông tin, duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam vì hòa bình thống nhất nước nhà đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.
Trong hơn 15 năm hoạt động và phát triển, Thông tấn xã Giải phóng phải sơ tán trụ sở hàng chục lần để tránh quân địch phát hiện và bảo mật thông tin. Đặc biệt, trong năm 1961, Thông tấn xã Giải phóng đặt trụ sở chính tại Chiến khu Đ (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn tại Đồng Nai, song Thông tấn xã Giải phóng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, tại Chiến khu Đ.
Vượt qua bom đạn của kẻ thù, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng luôn hiện diện tại nhiều chiến trường ác liệt. Đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng không ngừng trưởng thành, kịp thời đưa thông tin đến các cán bộ chiến sỹ cách mạng cũng như những người dân trong cả nước.
Những thông tin của Thông tấn xã Giải phóng phát đi đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; vạch trần âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, bản chất phản động của chế độ tay sai Mỹ ở miền Nam; tập hợp các tầng lớp nhân dân miền Nam đấu tranh chống Mỹ, Ngụy và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Với đặc điểm khí hậu rất khắc nghiệt, Chiến khu Đ được xem là nơi "rừng thiêng, nước độc." Các phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng hoạt động, tác nghiệp tại đây gặp rất nhiều khó khăn.
Bệnh sốt rét rừng đã cướp đi tính mạng của nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng. Đặc biệt, khu vực các phóng viên, kỹ thuật viện chọn làm nơi để truyền tin, phát tin luôn được xem như "túi chứa bom" không ai muốn tới gần vì chỉ cần phát thông tin lên, không quân Mỹ có thể xác định được tọa độ, vị trí và cho ném bom tiêu diệt.
Để bảo toàn lực lượng, bảo mật thông tin, các cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng phải liên tục di chuyển, tránh bị phát hiện. Thời điểm đó, việc di chuyển nhiều trong rừng cũng khiến máy móc truyền, phát tin bị hư hỏng. Tính mạng của họ thường xuyên bị thú dữ đe dọa.
Theo lời kể của ông Nguyễn Minh Tân, tên thường gọi là Hai Tân (nguyên là điện báo viên của Đài thông tin Phân xã Thông tấn xã Giải phóng miền Đông, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai), mặc dù thời bấy giờ, hoàn cảnh tác nghiệp đầy rẫy những khó khăn, có khi phải đánh đổi cả tính mạng nhưng những phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng vẫn luôn kiên cường, bất khuất, đảm bảo dòng tin được thông suốt, đưa thông tin nhanh nhất về cuộc chiến, về âm mưu chống phá của những thế lực thù địch.
[60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Góp sức duy trì "mạch máu" thông tin]
"Năm 1961, cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ diễn ra khốc liệt. Các phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng phải tác nghiệp trong 'mưa bom, bão đạn'. Nhiều người để bảo vệ bí mật thông tin đã anh dũng hy sinh. Lúc ấy, tôi là người phục vụ cho Văn phòng Khu ủy miền Đông, chuyên nhận và đưa thư cho các lãnh đạo chủ chốt. Dù chiến trường khốc liệt nhưng những bản tin của Thông tấn xã Giải phóng về tình hình chiến sự, về âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch vẫn đều đặn, được các phóng viên truyền tải về không một giây phút chậm trễ, thông báo tình hình cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước," ông Hai Tân nhớ lại.
Sau này, ông Hai Tân trở thành điện báo viên của Đài thông tin phân xã Thông tấn xã Giải phóng miền Đông, chuyên thu nhận, phát những bản tin của Thông tấn xã Giải phóng. Ông cùng đồng đội đã góp phần tích cực đưa thông tin của Thông tấn xã Giải phóng lên những bản tin "đúng sự thật, đúng sự lãnh đạo của Đảng." Những thông tin này trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, giúp tình thần của các chiến sỹ cũng như người dân tin vào Đảng, tin vào cách mạng.
Du khách dâng hương, tưởng niệm các anh hùng, là phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng miền Nam tại Nhà bia tưởng niệm Thông tấn xã giải phóng miền Nam (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)
Cuối năm 1961, Trung ương cục miền Nam rời về chiến khu Tây Ninh lập căn cứ và hoạt động. Thông tấn xã Giải phóng cùng các cơ quan, ban ngành chuyển về Tây Ninh để phục vụ cách mạng, chấm dứt hoạt động tại Chiến khu Đ.
Theo bà Đinh Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Sinh thái-Văn hóa-Lịch sử chiến khu Đ, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, năm 2014, tỉnh Đồng Nai xây dựng Nhà bia Đài Phát thanh Giải phóng và Thông tấn xã Giải phóng tại Chiến khu Đ. Nhà bia được xây dựng nhằm ghi lại dấu ấn sâu sắc hoạt động của Thông tấn xã Giải phóng thời kỳ đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã dũng cảm, kiên cường vượt qua gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong suốt những năm qua, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, thanh niên Thông tấn xã Việt Nam đến thăm, ôn lại truyền thống hào hùng mà lớp lớp cha anh đi trước đã dày công vun đắp; ghi nhớ và biết ơn các nhà báo-liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp Thông tấn, đóng góp xứng đáng vào quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc.
Chị Vũ Thị Mai Thi, hướng dẫn viên du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, cho biết trung bình mỗi năm, Khu Bảo tồn đón khoảng 50.000 lượt khách tới tham quan. Tại Nhà bia tưởng niệm, du khách sẽ được nghe kể về những năm tháng sống, làm việc, chiến đấu trong lòng địch của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Giải phóng, trong đó không ít người đã hy sinh anh dũng vì nên độc lập của dân tộc. Từ đó, du khách sẽ hiểu hơn về một thời gian khó, ác liệt mà cả dân tộc Việt Nam đã vượt qua; trân quý hơn giá trị của hòa bình.
Trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ, mỗi cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng luôn giữ vững khẩu hiệu "Làn sóng điện không bao giờ tắt” đảm bảo mạch máu thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Mỗi tác phẩm báo chí của "cánh quân Thông tấn" ấy giống như một ghi chép trường tồn cùng thời gian, mỗi con người Thông tấn xã Giải phóng năm xưa như một nhân chứng lịch sử góp phần tạo nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Tiếp nối truyền thống của lớp cha anh đi trước, những “người con Thông tấn” hôm nay đang nỗ lực hết mình để xây dựng Thông tấn xã Việt Nam thành một tập đoàn truyền thông đa phương tiện, sánh ngang với các cường quốc truyền thông trên thế giới, để dòng tin chính thống không bao giờ ngừng chảy.
Nguồn TTXVN/Vietnam+