Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
7 lầm tưởng về chứng tăng động giảm chú ý
Thứ hai: 09:13 ngày 09/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều người nghĩ ADHD là kết quả của nuôi dạy con không đúng cách, chỉ có bé trai mới mắc bệnh, sẽ tự hết khi lớn lên...

Bác sĩ Nguyễn Lê Thục Đoan, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ TP HCM, cho biết nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể có kết quả học tập kém. Trẻ sau này dễ gặp những khó khăn trong cuộc sống như thất nghiệp, hiệu suất làm việc kém, gặp khó khăn tài chính, rắc rối với pháp luật, nghiện rượu hoặc các chất lạm dụng khác, dễ gặp tai nạn giao thông hoặc tai nạn khác, các mối quan hệ không ổn định, sức khỏe thể chất và tinh thần kém, muốn tự tử...

Theo bác sĩ Đoan, để tránh những điều này, ngay từ khi trẻ còn nhỏ nếu thấy biểu hiện của tăng động giảm chú ý, nên đưa đến bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Phụ huynh vẫn còn nhiều lầm tưởng về tình trạng này.

ADHD không phải là một tình trạng bệnh thật sự

Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh và Hiệp hội Tâm thần Mỹ đều công nhận ADHD là một tình trạng bệnh.

Các nghiên cứu cho thấy tăng động giảm chú ý có tính di truyền. Cứ 4 người bị ADHD thì một người có bố, mẹ mắc bệnh. Các nghiên cứu trên hình ảnh cho thấy sự khác biệt về phát triển trí não giữa những đứa trẻ mắc bệnh và trẻ không mắc bệnh.

ADHD là kết quả của việc nuôi dạy con không đúng cách

Trẻ mắc bệnh thường phải vật lộn với một số hành vi nhất định. Những người không biết có thể quy kết hành vi của trẻ là thiếu kỷ luật, không được dạy dỗ tốt. Những lời nói không phù hợp hoặc liên tục không ở yên một chỗ là dấu hiệu của ADHD, chứ không phải do nuôi dạy con không đúng cách.

Trẻ mắc bệnh chỉ cần cố gắng chú ý nhiều hơn

Muốn trẻ ADHD cố gắng chú ý không phải là chuyện dễ. Đây không phải là vấn đề về động lực hay do trẻ lười biếng. Yêu cầu trẻ tập trung cũng giống như yêu cầu một người cận thị không đeo kính mà nhìn xa.

Các nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về mạng lưới dây thần kinh trong não của trẻ mắc bệnh với trẻ bình thường. Mạng lưới thần kinh của trẻ bị bệnh có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển hoặc hoạt động kém hiệu quả hơn.

Trẻ bị ADHD không bao giờ tập trung được

Trẻ dễ bị phân tâm nhưng nếu rất thích làm một việc gì đó như xem tivi hoặc chơi một món đồ chơi yêu thích thì trẻ cũng có thể rất tập trung vào việc đó. Tuy nhiên những trẻ bị bệnh cố gắng tập trung cao độ cũng không thể bằng trẻ bình thường.

Tất cả trẻ bị ADHD đều tăng động

Không phải tất cả trẻ bị bệnh đều tăng động hoặc bốc đồng. Có ba loại ADHD. Một trong số đó là ADHD dạng trội về giảm chú ý, trẻ chủ yếu gặp khó khăn trong việc chú ý và dễ bị phân tâm, không có những biểu hiện của tăng động.

Chỉ có bé trai bị ADHD

Dù các bé trai được chẩn đoán mắc bệnh cao gấp hai lần so với các bé gái, nhưng không có nghĩa là bé gái không mắc ADHD. Bé gái dễ bị bỏ qua và không được chẩn đoán bệnh.

Bé gái có biểu hiện bệnh khác bé trai. Bé gái ít gặp khó khăn trong kiểm soát sự tăng động và bốc đồng so với bé trai, trẻ có vẻ mơ mộng nhiều hơn.

Bé gái bị ADHD không bao giờ tăng động

Bé gái ít gặp rắc rối với chứng tăng động hơn bé trai, nhưng tình trạng này vẫn có thể xảy ra. Bé gái có thể quá nhạy cảm hoặc quá xúc động. Có thể nhận ra bằng cách thấy trẻ hay cắt ngang lời người khác hoặc nói chuyện nhiều hơn các bé gái khác. Nhiều người không nghĩ rằng những hành vi này là dấu hiệu của ADHD nên thường bỏ qua.

Tâm lý giáo dục là cách duy nhất để điều trị ADHD

Tăng động giảm chú ý không phải rối loạn tâm lý thông thường do tác nhân bên ngoài, nếu chỉ chẩn đoán và chữa trị tâm lý giáo dục đơn thuần không thể mang hiệu quả tối ưu. Quá trình điều trị tốt nhất cần kết hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu. Một số loại thuốc đặc hiệu đã được chứng minh có hiệu quả tốt trong việc điều trị cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý, hiện đã có trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán. 

ADHD sẽ tự hết khi trẻ lớn lên

Có khoảng 65% trẻ ADHD vẫn tiếp tục tồn tại triệu chứng khi trưởng thành. Nếu phát hiện muộn, việc chữa trị sẽ gặp khó khăn, về lâu dài ảnh hưởng cuộc sống nghiêm trọng của trẻ, thậm chí còn sinh ra hành vi phạm tội, nghiện ngập, đua xe tốc độ...

Hội Bác sĩ gia đình TP HCM tổ chức hội thảo chăm sóc trẻ mắc bệnh ADHD sáng 14/9 với sự tham dự của bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Thái Thị Thanh Thủy, Trưởng Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Nguyễn Thị Giang, Trưởng Khoa Tâm thần Nhi, Bệnh viện Tâm thần TP HCM. Tham dự miễn phí tại Hội trường UBND quận 10, số 1 Thành Thái. 

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục