Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có thể nói Huyện căn cứ địa Dương Minh Châu được khai sinh vào ngày 19.5 lịch sử. Ngày này, năm trước (1950) người Tây Ninh cũng đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn, vừa để kỷ niệm sinh nhật Bác, vừa là một cuộc biểu dương khí thế cách mạng.
Trong Khu di tích Căn cứ Dương Minh Châu.
Trên miền quê hương căn cứ địa Dương Minh Châu, ở đâu chẳng là di tích. Nhà thơ Hưởng Triều, tức Trần Bạch Ðằng từng viết: “Chỗ nào cũng Viện bảo tàng/ An Tịnh, Lộc Chánh, Trảng Bàng/ Gò Dầu, Dương Minh Châu/ Tà Băng, Hảo Ðước?/ Lịch sử đọng trên mỗi bước/ Tà Nốt Cà Tum/ Trảng Ba Chân hay Cánh đồng Rùm?/ Lý lịch viết hoa từng mô đất…” (Về Tây Ninh).
Chỗ nào cũng Viện Bảo tàng! Khi ta về Tây Ninh. Nhưng có bảo tàng mở nào lớn và đẹp, và sâu xa lịch sử như huyện Dương Minh Châu căn cứ địa? Ðây là huyện đầu tiên do chính quyền cách mạng khai sinh. Hãy xem lại sự kiện này trong sách Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005) (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2010): “Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục, tỉnh Tây Ninh với 2 huyện: Ðức Hoà Thành, Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn và 2 huyện Gò Vấp, Hóc Môn của tỉnh Gia Ðịnh sáp nhập lại thành tỉnh Gia Ðịnh- Ninh…
Với dân số trong vùng căn cứ đủ điều kiện thành lập huyện, Tỉnh uỷ chỉ đạo thành lập huyện căn cứ lấy tên là huyện Dương Minh Châu…”. Sự kiện chỉ có thế, nhưng thực chất đây là cuộc cách mạng nhỏ trong lòng cuộc cách mạng lớn lao giải phóng dân tộc.
Cuộc cách mạng ấy điều chỉnh lại đội hình của toàn miền Nan kháng chiến, mà sau đó đã làm nên một thành đồng Tổ quốc. Một trùng hợp lịch sử nữa là, hội nghị chính thức hợp nhất tỉnh và lập huyện căn cứ địa ấy diễn ra tại Linh Nguyên, Bến Cát, Bình Dương vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ - 19.5.1951 (trang 27, sđd).
Như thế, có thể nói là Huyện căn cứ địa Dương Minh Châu cũng được khai sinh vào ngày 19.5 lịch sử. Ngày này, năm trước (1950) người Tây Ninh cũng đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn, vừa để kỷ niệm sinh nhật Bác, vừa là một cuộc biểu dương khí thế cách mạng.
Lễ diễn ra tại Bàu Sen, Hảo Ðước, huyện Châu Thành. Ta hãy cùng xem lại bối cảnh Tây Ninh trước khi thành lập huyện căn cứ địa. Ðấy là “Căn cứ địa Trà Vong của tỉnh Tây Ninh (cũ) hình thành từ năm 1948 đến nay càng ổn định và phát triển về mọi mặt”.
Thế nhưng căn cứ này chỉ nằm gọn trong phạm vi xã Thái Bình, nên đã như một “tấm áo chật” khi chàng trai cách mạng Tây Ninh (và Gia Ðịnh- Ninh) lớn vụt như Phù Ðổng. Vậy là huyện mới đã bảo tồn trong lòng mình Căn cứ địa Trà Vong, như một sự kế thừa để phát triển.
Bằng cách nào đây? Tỉnh uỷ chỉ đạo: “Mở rộng xã Ninh Thạnh quá rộng, được tách một phần và lấy phần đất rộng phía Bắc xã Thái Bình (nơi có Trà Vong) lập nên xã mới Thạnh Bình.
Hai xã Lộc Ninh, Phước Hội nhập lại thành xã Phước Ninh; tách ấp Bến Buôn và vùng ven sông Sài Gòn lập xã Ðịnh Thành. Phần làng mạc ở phía Bắc núi Bà lập nên xã Chơn Bà Ðen”. Bốn xã kể trên, cùng với Ninh Thạnh đã trở thành huyện Dương Minh Châu, thành chiến địa kinh hoàng nhất cho quân ngoại xâm cả hai thời kháng chiến.
Trong quá trình lập huyện, có lẽ cần ghi nhớ công đầu cho làng xưa Ninh Thạnh (nay thuộc TP. Tây Ninh). Ninh Thạnh đã xẻ đất mình ra, nhập với một phần xã Thái Bình lập nên xã mới Thạnh Bình, để bảo tồn vẹn nguyên Căn cứ địa Trà Vong.
Ninh Thạnh cũng xẻ đất mình ra, lập nên xã mới Chơn Bà Ðen. Và, bản thân mình, năm ấy Ninh Thạnh còn ôm trọn núi Bà Ðen. Ðể huyện căn cứ địa Dương Minh Châu có: “Ðỉnh núi Bà/ Tầng mây lơ lửng xa” (thơ Về Tây Ninh của Hưởng Triều). Ðỉnh núi Bà “cả trấn Phiên An trông thấy” (Trịnh Hoài Ðức) tiếp tục là đỉnh cao cho cả Nam bộ hướng về, vững một lòng tin chiến thắng.
Lại thêm một trùng hợp lịch sử nữa. Là anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu mà huyện được mang tên. Ông sinh ngày 9.3.1921 tại làng Ninh Thạnh. Từ tháng 5.1946, ông là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh.
Ngày 7.2.1947, ông đã chiến đấu chống càn với quân Pháp và anh dũng hy sinh tại Căn cứ Ninh Ðiền, huyện Châu Thành. Sách Truyền thống cách mạng huyện căn cứ Dương Minh Châu (1945-1975) cho biết: “Buổi lễ thành lập huyện căn cứ Dương Minh Châu được tổ chức tại Tích Ca (suối Ky, nay thuộc huyện Tân Biên), Tỉnh uỷ đưa nhiều cán bộ đủ các ngành về đây xây dựng huyện.
Ðồng chí Huỳnh Văn Một được bổ nhiệm làm Bí thư kiêm Chủ tịch huyện… lúc này Ðảng bộ có trên 100 đảng viên…”. Và nữa, sau sự kiện vẻ vang này: “Xứ uỷ và Bộ Tư lệnh Nam bộ về đóng ở Tây Ninh lấy vùng Tà Dơ, Ðồng Rùm làm an toàn khu. Bộ Tư lệnh Nam bộ lúc này chỉ huy cả vùng Nam trung bộ và Ðông Nam Campuchia… cũng trong năm 1951, Bộ Tư lệnh phân liên khu miền Ðông từ Bến Cát về đóng chân tại huyện căn cứ Dương Minh Châu…”.
Thật là một ý tưởng thiên tài! Thực ra ý tưởng này đã có từ trước đó cả năm. Biên bản hội nghị Xứ uỷ Nam bộ họp tháng 4.1950 còn ghi ý kiến của Bí thư Xứ uỷ- Lê Duẩn: “Chiến trường càng ngày càng mở rộng thì căn cứ địa đứng chân càng phải được củng cố.
Nay phạm vi lãnh đạo chỉ huy của Xứ uỷ và Bộ Tư lệnh Nam bộ đã được Trung ương giao đảm trách đến vùng Cực Nam Trung bộ (khu 6) và chiến trường Campuchia. Do vậy, căn cứ lãnh đạo chỉ huy phải được bố trí ở vùng trung tâm hơn.
Vùng trung tâm đó không ở đâu tốt bằng vùng phía Ðông tỉnh Tây Ninh…” (sách Lịch sử LLVTND huyện Dương Minh Châu, 1951-2015, năm 2015). Tôi chợt nhớ câu hát bài Nhạc rừng của Hoàng Việt, cũng ra đời tại huyện căn cứ địa thời gian này có câu: “Miền Ðông gian lao mà anh dũng”. Miền Ðông ấy là của cả miền Nam kháng chiến. Và, trung tâm chỉ huy cuộc kháng chiến ấy lại cũng ở miền Ðông tỉnh Tây Ninh. Ðúng là: Một miền Ðông trong một miền Ðông.
Văn bia truyền thống huyện Dương Minh Châu khắc trên đá tại khu di tích căn cứ địa có đoạn mở đầu: “Nơi đây:/ Rừng bát ngát vùng Ðông Bắc/ Người lừng danh đất phương Nam/ Ðồng ruộng núi sông tạo thế liên hoàn/ Nam Bắc Tây Ðông thuận đường trung chuyển…”.
Các cuốn sách sử đã phân tích các yếu tố địa chính trị, quân sự của huyện căn cứ địa. Nhưng thế vẫn là chưa đủ để minh hoạ cho ý tưởng thiên tài của Xứ uỷ Nam bộ lúc bấy giờ. Trong câu chuyện lựa chọn, thành lập huyện căn cứ Dương Minh Châu, còn thấp thoáng đâu đây lời dạy minh triết của các bậc tiền nhân. Như đoạn văn sau đây chép từ sách Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức từ 200 năm trước: “Sơn Xuyên chí (chép về núi sông)/ Núi là xương của đất, nước là máu của đất, ấp ủ lưu thông mà thành đất đai một phương.
Những anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ đều từ đó mà ra. Ðó cũng là nơi sản sinh cất chứa vật quý, làm cho của cải sinh sôi, không gì là không đủ…”. Căn cứ Dương Minh Châu nằm giữa 2 dòng sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Ðông, lại tựa lưng vào núi Bà Ðen cao nhất miền Nam bộ. Sao mà không sinh ra những “hào kiệt, trung thần, liệt nữ” làm rạng danh một vùng non nước miền Ðông!
Kể sao cho xiết những chiến công vẻ vang trên đất Dương Minh Châu. Chỉ hơn 3 năm từ thuở lọt lòng, căn cứ địa Dương Minh Châu đã được coi là thủ đô kháng chiến của Nam bộ- thành đồng Tổ quốc. Chiến công nổi bật nhất trong kháng chiến chống Pháp là trận đánh tan trận càn của 20 tiểu đoàn quân Pháp từ 15.11 đến ngày 7.12.1952.
Trận càn ấy nhằm “tiêu diệt đầu não Việt Minh”. Chúng đã bị quân dân Dương Minh Châu đánh cho tơi tả: 716 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó chết 300 tên. Bắn rơi 2 máy bay tại Ðồng Sầm, Trâm Sụ, bắn cháy 25 xe quân sự…
Quan trọng hơn nữa là chính lực lượng vũ trang còn non trẻ của huyện đã giải cứu thành công các cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ Nam bộ. Hồi ký “Chuyện chưa quên” của Huỳnh Văn Một viết: “Trung đội 9, C 31 đi tiên phong mở đường giữa lúc địch đang càn bố đã đưa đoàn cán bộ cấp trên ra khỏi vòng vây của địch. Trong đoàn cán bộ có đồng chí Lê Duẩn- Bí thư Xứ uỷ (TWC), các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Ðức Thuận…”.
Lịch sử lặp lại chuyện tương tự vào 15 năm sau, khi quân đội Mỹ mở các cuộc hành quân “bủa lưới phóng lao” hòng bắt gọn Trung ương Cục và Mặt trận DTGPMN, tiêu diệt chủ lực quân giải phóng như là sự “bẻ gãy xương sống Việt cộng”.
Từ Attelboro 30 ngàn quân, đến Junction City với 45 ngàn quân Mỹ với chư hầu, hàng nghìn xe tăng, phi pháo. Sau 53 ngày đêm (từ 22.2 đến 15.4.1967), cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã bị thất bại hoàn toàn, mà không đạt được mục tiêu nào.
Quân tham chiến bị loại khỏi vòng chiến đấu 1/4 quân số, hàng trăm xe tăng, đại pháo bị phá huỷ, 160 máy bay bị bắn rơi (trên cả 2 khu căn cứ địa liền kề nhau: Dương Minh Châu và Bắc Tây Ninh). Mà đây cũng chỉ là một trong hàng trăm chiến công vẻ vang của quân và dân Dương Minh Châu cho đến ngày đại thắng 30.4.1975.
Lịch sử quân sự còn ghi nhớ, nơi đây sinh ra các đoàn quân. Từ Chi đội 11 đến Trung đoàn 311 của Tây Ninh đến các đơn vị chủ lực của Bộ Tư lệnh Nam bộ, của Phân liên khu miền Ðông… thời chống Pháp…cho đến các Sư đoàn 9, Trung đoàn 16… được sinh ra và lớn lên tại đây thời kháng chiến chống Mỹ. Nhưng lịch sử cũng không quên các đội quân nhỏ bé như C31 bộ đội địa phương huyện căn cứ Dương Minh Châu những ngày đầu lập huyện.
Ðó là vào giữa tháng 6. 1951, theo đề nghị của Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Huỳnh Văn Một, Ðại đội 31 được thành lập với 31 cán bộ chiến sĩ đầu tiên, trở thành C31 của lực lượng vũ trang huyện Dương Minh Châu.
Xa hơn nữa, là chuyện bộ đội ông Dõng đã có mặt ngay từ tháng 8.1945, mà bây giờ kể cho nhau nghe đã như huyền thoại: “Ông Dõng người quê Suối Ðá, năm 16 tuổi bỏ làng ra đi gần chục năm trời. Trở về, ai hỏi ông đã đi đâu, ông bảo tôi đi tầm sư học đạo. Ông dạy võ nghệ cho trai tráng…
Năm 1940 ông cùng các học trò lại biến đi đâu không ai rõ… Ðến năm 1945 lại thấy đội quân của ông xuất hiện bảo vệ đoàn người từ các xã Suối Ðá, Lộc Ninh, Khe Ðon, Phan kéo ra dự mít tinh ngày tỉnh giành lại chính quyền tại thị xã Tây Ninh.
Khi trở về, đội quân của ông Dõng tuyên bố xoá bỏ hương hào, lý trưởng cùng bọn tay sai Nhật Pháp ngay trong ngày 25.8.1945 hào hùng” (lịch sử LLVTND huyện Dương Minh Châu (1951- 2015), trang 74- 75). Ðội quân ông Dõng ấy sau đó đã trở thành Trung đội 4, Ðại đội 3 của Chi đội 11, LLVT tỉnh Tây Ninh.
Ngày 2.4.1947, trong một trận công đồn Cầu Khởi thắng lợi, ông Phan Văn Dõng đã hy sinh. Và lịch sử cũng không quên cả các đội du kích các xã, như cuộc họp mặt kỷ niệm vừa qua tại xã Chà Là. Qua 2 cuộc kháng chiến, Dương Minh Châu đã hy sinh 558 liệt sĩ, 392 thương binh, 92 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 6.000 gia đình có công với Cách mạng (sđd).
Dương Minh Châu ngày nay vẫn tựa lưng vào núi Bà hướng tới tương lai. Dương Minh Châu đã có thêm một lòng hồ do công sức của muôn người Tây Ninh xây dựng. Nhớ lời Trịnh Hoài Ðức khi xưa. Rằng nước là máu của đất. Thì Dương Minh Châu chính là trái tim của Tây Ninh ta đấy. Một trái tim bền bỉ và vĩ đại luôn rực hồng ở phía đằng Ðông. Như một biểu tượng chói ngời của suối nguồn cách mạng, chảy thênh thang đến mãi muôn đời.
Nguyễn Quốc Việt