Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Kỳ thi “hai trong một” giải quyết được nhiều vấn đề, giảm bớt căng thẳng xã hội, nhưng, 9 năm qua cho thấy, kỳ thi này không phải không có “bóng tối dưới chân đèn”.
Sau 13 năm kỳ thi tuyển sinh đại học được tổ chức theo phương thức ba chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả, năm 2015, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được nhập chung với kỳ thi tuyển sinh đại học để mang tên kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh chỉ cần dự thi kỳ thi này, dựa vào điểm thi để xét tốt nghiệp phổ thông trung học và xét tuyển vào các trường đại học. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần cuối cùng vào năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sau thời điểm này, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (không còn sử dụng tên gọi kỳ thi THPT quốc gia) nhưng vẫn áp dụng kết quả của kỳ thi cho hai mục đích: công nhận tốt nghiệp THPT và lấy điểm thi, học bạ làm căn cứ tuyển sinh đại học. Đến năm học 2022-2023, mô hình một kỳ thi phục vụ hai mục đích đã thực hiện tròn 9 năm. Cùng nhìn lại một chặng đường đổi mới thi cử.
Thí sinh làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế thi tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa.
Giảm thiểu chi phí, rủi ro
Mục đích chính của quyết định gộp hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng) nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí. Để tham dự kỳ thi này, thí sinh phải thi ít nhất 4 bài thi gồm 3 bài thi độc lập bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đối với học sinh THPT, 2 bài thi độc lập bắt buộc là Toán, Ngữ văn đối với học sinh GDTX và một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Ý định tổ chức một kỳ thi quốc gia chung đã từng được lên kế hoạch từ năm 2009 và có thể tổ chức lần đầu vào năm 2010. Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị đầy đủ nên phải hoãn lại.
Năm đầu tiên tổ chức một kỳ thi phục vụ hai mục đích, trường đại học, cao đẳng, học viện, Cục nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng và các Sở GD&ĐT phối hợp thực hiện. Thí sinh có nhu cầu vừa xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, hoặc chỉ có nhu cầu tuyển sinh vào các trường này thì phải thi ở cụm thi do các trường đại học chủ trì. Cụm thi này phải có ít nhất thí sinh từ hai tỉnh trở lên và phải bảo đảm điều kiện ăn ở, đi lại của thí sinh. Thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp thì thi ở các cụm do Sở GD&ĐT chủ trì.
Năm 2016, mỗi tỉnh, thành tổ chức một cụm thi đại học và một cụm thi tốt nghiệp. Từ năm 2017, mỗi tỉnh, thành chỉ còn một cụm thi duy nhất do Sở GD&ĐT tỉnh/thành đó chủ trì có sự phối hợp của các trường đại học. Điều này tránh được việc thí sinh phải qua tỉnh khác tham gia kỳ thi.
Cho đến nay, tính cả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023, kỳ thi này đã tổ chức được 9 năm. Theo đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục và cả dư luận xã hội, kỳ thi đã lồng ghép sự công bằng, khách quan, nghiêm túc của thi đại học cùng với sự nhẹ nhàng của thi tốt nghiệp THPT.
Việc tổ chức thi theo cụm (sau này học ở đâu thi ở đó) góp phần giảm thiểu rủi ro và cả nỗi nhọc nhằn, phụ huynh chỉ phải đi xa đúng một lần và giảm bớt chi phí đi lại. Kỳ thi này cũng giảm bớt chi phí tổ chức, in ấn và tình trạng luyện thi đại học tràn lan. Từ năm 2017, hầu hết các môn thi được chuẩn hoá thi theo hình thức trắc nghiệm, giúp kiểm tra được khối lượng kiến thức rộng, tránh học vẹt học tủ.
Một kỳ thi phục vụ hai mục đích, từ lần đầu tổ chức (năm 2015) cho đến hiện tại vẫn còn những hạn chế. Năm 2015, nhiều thí sinh vùng núi dự thi đại học vẫn phải đi lại xa để dự thi do hình thức tổ chức theo cụm chỉ tổ chức các điểm thi ở tỉnh có trường đại học chủ trì cụm thi. Rất nhiều trường đại học thêm nhiều tổ hợp mới, làm cho cách xét điểm sàn khó khăn. Tỷ lệ tốt nghiệp năm đầu tiên tổ chức đạt gần 92% nhưng nhiều chuyên gia vẫn khẳng định chưa phản ánh đúng thực chất.
Trách nhiệm về một kỳ thi nghiêm túc
Năm 2017, năm đầu tiên các môn được tổ chức thi trắc nghiệm, việc xuất hiện hàng ngàn điểm 10 và điểm sàn nhiều trường (lấy kết quả thi THPT quốc gia) lên rất cao (29-30 điểm vẫn trượt đại học) khiến dư luận cho rằng đề thi trắc nghiệm quá dễ, khó phân loại học sinh và lắm rủi ro. Năm 2018, đề thi một số môn được phản ánh là quá khó, nhiều chuyên gia cũng gặp khó khăn khi giải đề, phổ điểm một số môn thấp, đặc biệt là Lịch sử và Ngoại ngữ.
Khâu chấm thi xuất hiện “có vấn đề” ở một số địa phương. Năm 2018, kỳ thi xuất hiện hàng loạt sai phạm trong công tác chấm thi dẫn đến việc nâng điểm cho thí sinh trên quy mô lớn ở nhiều địa phương như Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình. Tổng số thí sinh bị phát hiện gian lận là 222 thí sinh, đã bắt 16 nghi phạm liên quan đến vụ gian lận.
Sau vụ gian lận thi cử năm 2018, Bộ GD&ĐT đã có những thay đổi quan trọng nhằm tránh lặp lại sai phạm nghiêm trọng này, ngoài thay đổi nội dung thi chủ yếu là nội dung học lớp 12, bảo đảm năng lực và phù hợp cho học sinh phổ thông thì còn có nhiều thay đổi khác. Trường đại học chấm thi trắc nghiệm do trường chủ trì dưới sự giám sát của Bộ GD&ĐT; địa phương chỉ chuẩn bị cơ sở vật chất và chấm thi tự luận. Việc chấm sẽ dùng phần mềm của Bộ GD&ĐT và mã hoá bài thi, thực hiện quy trình chặt chẽ chi tiết từ việc giám sát thi, chấm thi, sắp bài thi, lưu dữ liệu bài thi. Toàn bộ khâu coi thi, tổ chức thi, chấm thi, lưu giữ bài thi... được giám sát chặt chẽ qua camera và các đơn vị liên quan 24/24.
Kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT bao gồm: 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét và điểm khuyến khích +30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh, cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Bộ GD&ĐT tăng tính tự chủ tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng thông qua việc các trường lập đề án, phương pháp tuyển sinh phù hợp. Thí sinh hệ tự do, giáo dục thường xuyên sẽ thi chung với thí sinh hệ trung học phổ thông, không thi riêng như những năm trước. Một số thay đổi khác như yêu cầu tuyển sinh với các nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ phải có học lực giỏi, tăng cường trách nhiệm của trường, thay đổi đối với quân nhân, lưu bằng tốt nghiệp.
Không để “Bóng tối dưới chân đèn”
Kể từ năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 đến việc dạy và học ở các nhà trường, đồng thời xuất hiện những kỳ thi tuyển sinh mới do các đại học, trường đại học tổ chức riêng như đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy, kỳ thi THPT quốc gia ngừng tổ chức. Thay thế là kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trở lại với cách thức gần giống với kỳ thi THPT quốc gia và mang mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT. Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ tuyển sinh đại học.
Sau cùng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 hoàn toàn do mỗi địa phương tổ chức (không còn phối hợp với trường đại học, học viện, cao đẳng) như những năm đầu.
Bất kỳ một phương thức tổ chức thi cử nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Hình ảnh hàng triệu thí sinh, người thân lũ lượt đổ về các thành phố lớn dự thi đại học đã không còn. Lò luyện thi ở các đô thị lớn nóng rực (theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) cũng gần như không tồn tại. Những rủi ro, tai nạn giao thông rình rập khi di chuyển hàng trăm, hàng ngàn cây số giảm hẳn.
Kỳ thi “hai trong một” giải quyết được nhiều vấn đề, giảm bớt căng thẳng xã hội, nhưng, 9 năm qua cho thấy, kỳ thi này không phải không có “bóng tối dưới chân đèn”. Sau những bê bối chưa từng có trong lịch sử giáo dục nước nhà, nhiều ý kiến của người trong ngành đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh đại học giao hoàn toàn cho trường đại học theo Luật Giáo dục đại học.
Trên thực tế, việc giao quyền tự chủ tuyển sinh hoàn toàn cho trường đại học đã và đang bộc lộ sự cạnh tranh không lành mạnh. Rất nhiều cơ sở giáo dục đại học tìm mọi chiêu thức để thu hút sinh viên, đơn giản, nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục, sinh viên là khách hàng của họ.
Điều này chẳng có gì khó hiểu khi học sinh lớp 12 chưa thi tốt nghiệp đã nhận giấy báo trúng tuyển vào trường đại học này, đại học nọ. Nhìn lại một chặng đường dài như vậy để thấy, không một phương thức tuyển sinh nào có ưu điểm tuyệt đối. Vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước (đã và đang làm) là hạn chế thấp nhất tình trạng “bóng tối dưới chân đèn”.
Việt Đông
Hơn 10.000 thí sinh Tây Ninh thi tốt nghiệp thpt năm 2023
Chiều 27.6, cùng với hơn một triệu thí sinh trong cả nước, hơn 10.000 thí sinh Tây Ninh đến điểm thi làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT, trong tổng số 10.229 thí sinh đăng ký dự thi, 70 thí sinh không đến điểm thi làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 99,32%.
Trước đó, số liệu tổng hợp cho thấy, kỳ thi năm nay toàn tỉnh có 10.229 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, có 9.901 thí sinh đang học, 328 thí sinh tự do, 35 thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự xét đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non (GDMN) là 293 thí sinh.
Số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi, chấm thi là 1.825 người, trong đó coi thi 1.648 người, chấm thi 177 người. Tổng số nhân sự tham gia phục vụ kỳ thi là 1.931 người. Ngày 1.6, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố phối hợp ngành Giáo dục thực hiện.
Trên phạm vi cả nước, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023 có 1.025.166 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%; số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 5,49%.
Trong tổng số thí sinh, thí sinh tự do chiếm 4,71% (48.309 thí sinh); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp chiếm 7,14% (73.232 thí sinh); thí sinh chỉ xét tuyển sinh chiếm 3,34% (34.203 thí sinh); thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh chiếm 89,52% (917.731 thí sinh).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là kỳ thi áp chót của Chương trình giáo dục phổ thông 2000. Năm 2024 là kỳ thi cuối cùng dành cho học sinh theo học chương trình này. Nếu không đỗ tốt nghiệp, thí sinh sẽ phải dự thi với khoá đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngày thi đầu tiên, 28.6, buổi sáng thí sinh thi môn Ngữ văn, thời gian 120 phút (đề tự luận); buổi chiều thi môn Toán, thời gian 90 phút (đề trắc nghiệm).
Việt Đông