Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ai được nghe ông Trump điện đàm?
Thứ ba: 15:18 ngày 01/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bản ghi chép cuộc gọi của ông Trump bị nghi là được bảo mật quá mức, khiến nhiều người thắc mắc điện đàm diễn ra thế nào và ai được tiếp cận.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 7 đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi một quan chức tình báo Mỹ gửi đơn tố cáo để bày tỏ lo ngại. Ông Trump đã thúc giục Zelensky điều tra con trai của phó tổng thống Joe Biden, đối thủ đáng gờm của ông trong cuộc bầu cử 2020.

Người tố cáo cho rằng bản ghi chép cuộc điện đàm được giữ trong một không gian điện tử bí mật không phải vì lý do an ninh quốc gia mà vì mục đích chính trị. Ban đầu nó chỉ được phân loại là tài liệu "mật" nhưng sau đó được chuyển thành "tối mật". Người tố giác đánh giá các quan chức Nhà Trắng không chỉ nhận thức được bản chất nhạy cảm về mặt chính trị của cuộc gọi mà còn cố gắng che giấu thông tin để những người khác trong chính phủ Mỹ không được tiếp cận.

Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng tháng 11/2018. Ảnh: Nhà Trắng.

Thông thường, trước các cuộc điện đàm, một số quan chức từ Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) sẽ tóm tắt thông tin cho tổng thống Mỹ về lãnh đạo nước ngoài mà ông sắp nói chuyện và tình hình đất nước đó. Những người này sau đó ngồi trong Phòng Bầu dục cùng với Tổng thống trong khi ông nghe điện. Ít nhất hai thành viên của NSC thường có mặt.

Một số quan chức khác ngồi trong một phòng bảo mật của Nhà Trắng để lắng nghe cuộc gọi và ghi chép. Ghi chú của họ được gọi là "bản ghi nhớ cuộc điện đàm".

Các cuộc điện đàm cũng được ghi lại theo cách chuyển âm thanh thành văn bản bằng máy tính. Sau đó, người ghi chép sẽ so sánh bản viết tay của họ với bản điện tử rồi kết hợp chúng thành một tài liệu. Bản cuối cùng này có thể không hoàn hảo nhưng nó được thực hiện bằng cách cẩn thận nhất trong khoảng thời gian và tài nguyên cho phép.

Trong trường hợp cuộc điện đàm giữa Trump với Zelensky, người tố giác nói rằng khoảng một chục người đã lắng nghe cuộc trò chuyện.

Kể từ khi Trump nhậm chức, việc tóm tắt thông tin trước điện đàm có thể được sắp xếp một cách vội vã và do nhiều người có trình độ chuyên môn khác nhau đảm nhiệm, theo một cựu quan chức NSC. Ông cho biết thêm đôi khi họ được yêu cầu nghe cuộc gọi vào phút chót.

Các quan chức làm việc trong văn phòng thư ký NSC sẽ quyết định mức độ bảo mật với từng cuộc gọi. Nếu bản ghi chép chứa thông tin có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hoặc tính mạng của cá nhân, nó được phân loại "tuyệt mật" và lưu trữ tại nơi được bảo vệ nghiêm ngặt.

Chuyên gia Andrew Miller từ Dự án về Dân chủ Trung Đông từng làm việc cho NSC dưới thời Obama và đã quen với quá trình phân loại. Miller nói rằng ông hiểu tại sao một số bản ghi chép nên được coi "tuyệt mật" nhưng không có gì trong cuộc gọi giữa Trump và Zelensky cần được xử lý nghiêm trọng đến mức độ đó.

"Tôi không thấy có gì trong đó khiến nó được coi là tuyệt mật", Miller nói. "Việc này được thực hiện vì lý do chính trị".

Các cựu quan chức giải thích những bản ghi chép này được chia sẻ thông qua Hệ thống Thông tin Tình báo chung trên Thế giới (JWICS), mạng lưới được sử dụng bởi những người làm việc trong các cơ quan tình báo. Tuy nhiên, thông thường, các bản ghi chép không được bảo mật với mức độ cao đến vậy.

Tài liệu được coi là "tuyệt mật" có nghĩa là chỉ số ít cá nhân trong chính phủ Mỹ có quyền xem nó. Nếu bản ghi chép được coi là "mật" thay vì "tuyệt mật" thì các quan chức có thể thảo luận nội dung cuộc gọi của tổng thống dễ dàng hơn với những người khác trong chính phủ.

Larry Kudlow và các cố vấn tổng thống khác nói rằng cuộc gọi và việc xử lý bản ghi chép của chính quyền Trump đều bình thường, bác bỏ những nghi ngờ của người tố giác. Tuy nhiên, một số người cho rằng cuộc gọi điện thoại của Trump và độ bảo mật quá cao với bản ghi chép thể hiện sự lạm dụng quyền lực của Tổng thống.

"Việc phân loại mức độ bảo mật vốn được thiết kế để bảo vệ tính mạng", Brett Bruen, quan chức Nhà Trắng từng phục vụ trong chính quyền Obama nói. "Nếu đột nhiên chúng trở thành phương tiện để bảo vệ vị thế chính trị của tổng thống thì điều đó có nghĩa là chúng ta không còn có một hệ thống phân loại bảo mật quốc gia đáng tin cậy nữa".

Miller cũng đồng ý với quan điểm này. Ông cảnh báo các phụ tá của Trump rằng việc giữ bí mật về bản ghi chép chỉ vì muốn bảo vệ triển vọng chính trị của ông chủ là hành vi làm suy yếu cả hệ thống đất nước.

Những người làm việc tại Nhà Trắng không phải thề trung thành với Tổng thống mà với hiến pháp Mỹ, Miller nói. "Lòng trung thành của các bạn nên dành cho đất nước chứ không phải một cá nhân nào".

Nguồn VNE (Theo BBC)

Tin cùng chuyên mục