Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ai sẽ nắm quyền chủ động trên bán đảo Triều Tiên?
Thứ năm: 08:43 ngày 05/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đang có những thông tin, bình luận trái chiều liên quan tới năng lực và ý định của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên với kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình. Bất kể điều gì sắp xảy ra, 2017 sẽ có thể là một năm không bình lặng với bán đảo Triều Tiên.

Quyết tâm chính trị

Những đồn đoán về một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên xuất hiện ngay từ cuối năm 2016. Và nó được nhắc lại trong thông điệp mừng năm mới 2017 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Người đứng đầu nhà nước Triều Tiên khẳng định, nước này đã tăng cường đáng kể sức mạnh răn đe hạt nhân trong năm qua. Điều này đặt Bình Nhưỡng vào “giai đoạn cuối” của việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Tham vọng là điều không phải giấu giếm bởi Bình Nhưỡng được khẳng định là đã vươn lên thành một cường quốc hạt nhân. Ông Kim Jong-un cho rằng, đây là lời cảnh báo mạnh mẽ nếu Mỹ không chấm dứt chính sách thù địch chống nước này.

Theo quy ước quốc tế, ICBM là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 5.500 km và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân một lúc. Thậm chí một số được thiết kế bắn xa tới 10.000 km hoặc hơn, nghĩa là Triều Tiên sẽ có thể đe dọa tới lãnh thổ của Mỹ. Trong năm 2016, Triều Tiên đã 2 lần tiến hành thử hạt nhân, tuyên bố phóng tên lửa hơn 20 lần, và nhiều lần tuyên bố đạt được đột phá trong việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa.

Động cơ mới cho ICBM của Triều Tiên được cho là trong quá trình thử nghiệm tại Trung tâm vũ trụ Sohae, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan. Ảnh: Japan Times.

Động cơ mới cho ICBM của Triều Tiên được cho là trong quá trình thử nghiệm tại Trung tâm vũ trụ Sohae, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan. Ảnh: Japan Times.

Giới chuyên gia quốc tế có vẻ không hồ nghi quá nhiều về những tuyên bố này. Các thông tin cả chính thức lẫn đồn đoán đều cho thấy quyết tâm chính trị của lãnh đạo Triều Tiên đã được chuyển hóa thành công thành năng lực kỹ thuật của vũ khí. Triều Tiên được khẳng định đã thử nghiệm động cơ tên lửa và các tấm chắn nhiệt cho ICBM song song với việc phát triển công nghệ dẫn đường cho tên lửa sau khi trở lại quỹ đạo.

Triều Tiên thường xuyên đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào nước Mỹ. Tuy nhiên, năm 2016, quốc gia này vẫn bị xem là còn ở khá xa khả năng hiện thực hóa những đe dọa của mình. Melissa Hanham, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, Canada nhận định: “Điều quan trọng là Bình Nhưỡng đã đạt bước tiến lớn trong việc phát triển tên lửa, nhiều hơn những gì thế giới có thể nhận thấy”.

Bằng chứng được đưa ra là vụ thử tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng hồi tháng 4/2016. Tiến bộ trong việc chế tạo và thử nghiệm động cơ có thể coi là dấu hiệu tốt. Trong nhiều năm, thế giới chỉ biết rằng Triều Tiên có một động cơ tên lửa mẫu Soviet R-27.

Chuyên gia Melissa nhận xét. Họ đã cải tiến thiết kế để tăng gấp đôi sức đẩy cho động cơ này. Vấn đề hiện tại là Triều Tiên sẽ lắp gì cho tên lửa đủ để Washington phải lo lắng. Nhiều thông tin cho rằng Triều Tiên hiện đã có đủ số urani làm giàu cho việc chế tạo 6 quả bom hạt nhân trong một năm. Còn việc thu nhỏ thiết bị hạt nhân để lắp vừa các tên lửa này vẫn chưa được kiểm chứng. 

Trận chiến tuyên truyền

Tại “quốc gia bí ẩn nhất thế giới” như CHDCND Triều Tiên, việc ghi lại những hình ảnh sinh hoạt đời thường là một việc khó khăn, chứ đừng nói gì tới những tiến bộ về công nghệ tên lửa và hạt nhân. Vậy nên những thông tin này xuất hiện rộng rãi trên các mạng tin quốc tế được coi là một điều nằm trong chủ ý của Bình Nhưỡng.

Trong năm qua, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã nhiều lần phát đi hình ảnh các vụ thử nhiều bộ phận tên lửa. Chiến dịch tuyên truyền này được cho là hướng tới giới phân tích nước ngoài, mà nhiều người còn hoài nghi về năng lực thực sự của Triều Tiên. Joshua Pollack, biên tập viên tạp chí Không phổ biến Vũ khí hạt nhân nhận xét: “Triều Tiên đang đáp trả những chỉ trích công khai của Mỹ. Nhiều người đặt câu hỏi liệu có thực sự đang sở hữu một tấm chắn nhiệt hiệu quả sử dụng cho các ICBM hay không. Giờ thì họ cho chúng ta thấy.”

Mật độ xuất hiện của những thông tin ngày càng nhiều trong năm qua, trùng với mùa bầu cử Tổng thống tại nước Mỹ có lẽ là một chỉ dấu quan trọng. Triều Tiên muốn đưa ra một thông điệp rõ ràng với các ứng cử viên Tổng thống Mỹ và với cả người đắc cử. Đó là việc Triều Tiên sẽ tiếp tục là một bài toán khó với bất cứ ai “làm chủ” Nhà Trắng. Và giờ đây là quãng thời gian chờ đợi Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra quan điểm của mình. 

Một module của tên lửa Unha được Triều Tiên phóng đi ngày 12/12/2012 do hải quân Hàn Quốc thu giữ trên biển. 	Ảnh: DongA Daily

Một module của tên lửa Unha được Triều Tiên phóng đi ngày 12/12/2012 do hải quân Hàn Quốc thu giữ trên biển. Ảnh: DongA Daily

Ai sẽ nắm phần chủ động?

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong một dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân hôm 2/1 khẳng định Triều Tiên sẽ không thể phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ. Ông Trump nêu rõ: "Triều Tiên vừa tuyên bố nước này đang ở giai đoạn cuối cùng của việc phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới nhiều khu vực trên lãnh thổ Mỹ. Điều này sẽ không xảy ra".

Như vậy, sau rất nhiều chờ đợi, ông Trump cũng đã đưa ra quan điểm về một trong những hồ sơ gai góc có liên quan tới lợi ích của nước Mỹ. Sự chậm trễ của tỷ phú bất động sản ngược lại có lẽ cũng sẽ thử thách Bình Nhưỡng về chiến lược của Mỹ trong 4 năm tới nhằm đối phó với Triều Tiên. Dĩ nhiên, nó sẽ không nằm ngoài việc Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận Bình Nhưỡng là một quốc gia hạt nhân. 

Cũng còn một lý giải khác khiến nước Mỹ chưa nên quá lo lắng về mối đe dọa từ Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã đạt tới cái “ngưỡng” về kỹ thuật, đòi hỏi sự đột phá nếu muốn “đánh đòn phủ đầu” với Mỹ. Trong năm 2016, nước này đã 8 lần thử nghiệm loại tên lửa này và chỉ có 1 lần duy nhất thành công.

Nước này từng nhiều lần phóng tên lửa tầm xa, tuy nhiên đều được khẳng định là vì mục đích hòa bình và để đưa vật thể vào không gian. Dấu ấn rõ ràng nhất là tên lửa Kwangmyongsong 3 tầng được dùng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo hồi tháng 2/2016.

Tên lửa này có thể di chuyển tới 12.000 km nếu được điều chỉnh. Tuy nhiên, bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn cho rằng, việc này chỉ xảy ra nếu Bình Nhưỡng thành công sở hữu công nghệ “phóng lạnh” và hoàn thiện khả năng đưa tên lửa quay trở lại quỹ đạo Trái đất an toàn.

Những nhân tố chính trị và kỹ thuật đang dần chín muồi, đặt bán đảo Triều Tiên vào một tình thế mới, rất có thể sẽ căng thẳng hơn trong năm 2017. Mọi việc có thể khởi đầu với một vụ thử ICBM của Triều Tiên. Vấn đề là ai sẽ nắm phần chủ động mà thôi.

Nguồn BNA

Tin cùng chuyên mục