Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khi làm nên chiến thắng lẫy lừng ấy, Tua Hai còn thuộc xã Thái Bình, tổng Hoà Ninh, quận Châu Thành. Ðây là một trong những thôn xã cổ ở Tây Ninh, có ngay từ thời lập phủ Tây Ninh vào năm 1836. Thôn Thái Bình xưa rộng tới cả ngàn cây số vuông, bao trùm lên cả phần lớn Tân Biên hiện tại.
Mía và mì ở ấp Tua Hai.
Nhớ độ này năm trước, không riêng xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành mà hầu như toàn tỉnh đều rộn ràng không khí cho ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai. Vâng! 61 năm trước đây, vào đêm 25 rạng ngày 26.1.1960, bộ đội miền Ðông phối hợp cùng quân dân Tây Ninh đánh trận mở đầu, tấn công vào căn cứ của Trung đoàn 32 thuộc Sư 21 quân đội Sài Gòn.
Thành Tua Hai thất thủ, 500 lính bị bắt được giáo dục và thả tại trận. Ta thu hơn 1.200 cây súng và nhiều đạn dược. Chiến thắng Tua Hai được ví như phát pháo lệnh cho cuộc đồng khởi vũ trang trên toàn miền Nam.
Riêng với Tây Ninh, sau Tua Hai, các lực lượng cách mạng huyện, xã thừa thắng xông lên, phối hợp chính trị và quân sự tự giải phóng hai phần ba số xã trong tỉnh. Cũng năm ấy, ngày 20.12 trên miền căn cứ địa, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng đã phấp phới bay cùng bài ca Giải phóng miền Nam hùng tráng dội vang. Ðấy là ngày ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, lực lượng quy tụ và đoàn kết nhân dân bước vào kháng chiến chống xâm lược Mỹ.
Khi làm nên chiến thắng lẫy lừng ấy, Tua Hai còn thuộc xã Thái Bình, tổng Hoà Ninh, quận Châu Thành. Ðây là một trong những thôn xã cổ ở Tây Ninh, có ngay từ thời lập phủ Tây Ninh vào năm 1836. Thôn Thái Bình xưa rộng tới cả ngàn cây số vuông, bao trùm lên cả phần lớn Tân Biên hiện tại.
Vậy nên mới có truyền thuyết về Quan lớn Trà Vong- Huỳnh Công Giản. Là bởi miền đất Trà Vong cũng thuộc xã Thái Bình. Xã còn là nơi có nhiều ngôi đền miếu thờ ông, dù ngày nay đã thuộc về nhiều xã. Nhưng truy ngược lại thời gian sẽ thấy các ngôi đền miếu ấy phần lớn nằm trên đất thôn Thái Bình xưa, như các ngôi đền Cầy Xiêng, Tua Hai, Mỏ Công, Thanh Thuận…
Thôn xưa chỉ gồm 4 ấp là: Thái Hoà, Thái Thuận, Bình Lương, Bình Trung. Ngày 30.9.1998, xã Ðồng Khởi được thành lập kế thừa một tên ấp cũ: Bình Lương. Ðồng Khởi ngày nay có 4 ấp là: Cầy Xiêng, Tua Hai, Bình Lương và Chòm Dừa.
Chỉ là đất tách ra từ Thái Bình thôn, nhưng Ðồng Khởi vẫn có tới 3 ngôi đền thờ Quan lớn Trà Vong, như một vị thành hoàng bảo trợ nhân dân làm ăn buôn bán. Việc thờ phụng Ngài, ngoài ý nghĩa tâm linh, còn có sự ghi nhớ công lao người mở đất. Bởi theo một truyền tụng xuất xứ từ thôn Ninh Thạnh kế bên (nay là phường 1, TP. Tây Ninh), Ngài đã cùng người em Huỳnh Công Nghệ của mình dẫn đầu những “dân ấp, dân lân” từ Tân An lên khai phá vùng này từ rất sớm (1749).
Ðể vào năm 1836, khi đoàn kinh lý Nam kỳ của triều đình Huế do các đại thần Trương Ðăng Quế và Trương Minh Giản dẫn đầu tới đây xem xét, đã thấy: “Ðất đai rộng rãi, bằng phẳng, màu mỡ, người Kinh, người Phiên ở xen nhau làm ăn cấy cầy…”.
Từ đó các ông về triều, mới tâu trình về việc “lập phủ Tây Ninh coi hai huyện Tân Ninh và Quang Hoá, để làm phên giậu giữ vững cho Gia Ðịnh” (Nguyễn Ðình Ðầu- Tổ chức hành chính Tây Ninh 1836- 1970, Tạp chí Xưa nay số 96. 2001).
Vậy là dấu chân những người mở đất đã in lên đất đai Ðồng Khởi từ hơn 80 năm (1749-1836) trước khi các quan chức triều đình tới đây đo đất, phân định tổng, thôn thuộc phủ Tây Ninh. Hơn 80 năm, đổ biết bao xương máu, mồ hôi, ba ngôi miếu thờ được chia đều cho 3 ấp: Cầy Xiêng, Tua Hai, Chòm Dừa. Còn tại ấp Bình Lương cổ xưa hơn lại có một ngôi miếu Bà Chúa xứ.
Miếu lập ra để tạ ơn Bà chúa của ruộng đồng, người đã âm thầm phù hộ cho cư dân nông nghiệp. Miếu có “tục danh” là miếu bà Trà Cốt. Cụ Nguyễn Ðạt, nay đã 83 tuổi nói vui rằng, tính đến ông là đã có 6 đời các “ông từ” giữ miếu. Vậy là cổ miếu cũng đã vào hàng tuổi tác trăm năm.
Bữa vào miếu gặp cụ là vào trung tuần tháng 12.2020. Cánh đồng Bình Lương đang gặt lúa Hè Thu. Máy liên hợp gặt đập chạy băng băng giữa ruộng lúa vàng và bầy chim én. Núi Bà sẫm xanh dâng cao như ở ngay trước mặt.
Tôi ngơ ngác giữa con đường đất đỏ chạy từ quốc lộ 22B vào Trà Cốt, bởi như lạc vào giữa một chốn thiên đường. Thiên đường ấy ở ngay cạnh con kênh TN17 có những hồ sen và súng vẫn đang rộ hoa giữa đám lá sen tàn.
Lại có những ao nuôi cá và vịt luênh loang trời mây lăn tăn sóng nước. Có cả bản hoà ca vui vẻ của bầy chim yến, quanh những ngôi nhà nuôi yến cao lên giữa bồng bềnh trời nước mênh mang. Ðấy là khi kênh TN17 còn chưa mở nước.
Ðầu năm 2021 trở lại đã thấy dòng kênh đầy ắp. Lúa vụ Ðông Xuân đã ửng lên màu mạ mới xanh non. Ở vài khoảng ruộng cao hơn, những đám bắp xanh rờn sum suê xạc xào trong gió. Lại có nơi xanh rì những dãy giàn cho bầu, bí thoả thích leo và nở hoa vàng.
A! Còn một giống cây mới mà nhìn mãi không nhận ra. Phải hỏi mới biết đấy là cây tràm lấy tinh dầu đang được trồng thử nghiệm trên đất đai Ðồng Khởi. Cây tràm này cũng lạ. Chỉ cao tầm cây bắp lai và mọc đều như ruộng bắp.
Có vẻ chất lượng tốt, nên chủ vườn đã xây một căn nhà đẹp ngay bên hồ nước làm nơi chế biến ra dầu tràm- một loại dầu được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng hiện nay. Thế là thêm một cơ hội cho đất đai Ðồng Khởi.
Là bởi, dù trước nay bà con đã học hỏi, gieo trồng nhiều loại cây nhưng có vẻ vẫn thất thường. Như anh nông dân có tên là Hàn Sỹ, vừa chăm chút ruộng bầu vừa chia sẻ: mùa trước trồng lúa thì thất mùa, bởi chuột phá, còn vụ này trồng rau màu thì lại gặp cảnh được mùa rớt giá. Bầu trái của anh chỉ bán được 1.500 đồng/ký, chả bõ công tưới tắm, chăm bón diêm tro…
Làm nông nghiệp ở Ðồng Khởi có vẻ thư thái an nhàn nhất lại là các anh chăn vịt. Thì thấy các anh mắc võng nằm hát nghêu ngao trong căn lều chứa đầy các bao thức ăn cho vịt. Hồ nước của anh dài 180 mét, rộng 100 mét, thả được 3.500 con vịt giống.
Toàn vịt siêu thịt, nuôi 55 ngày được hơn 3 ký/con. Lứa trước vừa bán xong, lại thả tiếp vịt con. Chúng như những núm bông vàng bập bềnh trôi trên mặt nước. Phía bờ bên kia lá xanh óng ánh của vườn cam…
Bên tượng đài Chiến thắng Tua Hai (11.2020).
Miền đất dội vang chiến thắng năm xưa, nay trở lại yên bình hơn bao giờ hết. Không thấy nhiều người đi, chỉ có nhiều bò tụ đàn gặm cỏ trên bờ kênh bờ ruộng. Và lặng thầm lan toả những dòng kênh, từ kênh TN17 đến các kênh phụ chạy ngang dọc cánh đồng, len lỏi vào từng khoảnh ruộng.
Mà không chỉ có trên miền đất cổ Bình Lương, tới ấp nào của Ðồng Khởi, ta cũng thấy những hình ảnh bao la khoáng đạt. Từ đâu cũng thấy dáng núi Bà Ðen sừng sững. Dù là Chòm Dừa có nhiều bóng dừa xao xác, hay Ðồng Khởi, trên đường đi sang Suối Dộp nở đầy hoa sen hoa súng…
Tại trụ sở UBND xã, anh Phạm Hữu Lộc - Phó Chủ tịch còn rủ tôi, qua tết sang đây mà ngắm hoa mè tím ngát cánh đồng quê. Qua anh Lộc, tôi được biết xã Ðồng Khởi có diện tích tự nhiên 3.471,1 ha, dân số 3.556 hộ với 12.570 nhân khẩu. Xã còn thiếu 4 tiêu chí nữa là đạt chuẩn nông thôn mới…
Vậy mà đi tới đâu trên quê hương Ðồng Khởi, người ta đều nhận thấy một sức sống mới trào dâng. Dọc quốc lộ 22 đang trải thêm lớp bê tông nhựa mới, là những phố chợ đông vui dọc Cầy Xiêng lên tới Tua Hai. Qua Vịnh, rẽ sang tỉnh lộ 788 là đất đai Chòm Dừa lúc nào cũng ngời xanh mì, bắp, lúa, cánh cò bay chấp chới.
Ði trên miền đất này, không thể không nhớ đến công lao những người đi khai mở đất, có lẽ đã từ hơn 250 năm trước. Lại nhớ những chiến công vang dậy đất trời của nhiều thời cha ông đánh đuổi giặc xâm lăng, giữ đất.
Có lẽ cũng trong tâm thế ấy mà khói hương nghi ngút các ngôi đền miếu thờ Quan lớn Trà Vong. Và cho dù năm 2020 có nhiều lúc phải căng mình cảnh giác trước dịch bệnh, thì vào những khi thích hợp hoặc được phép, nhiều đoàn người vẫn về viếng Di tích chiến thắng Tua Hai.
Người tới viếng không chỉ nhớ về những chiến công, những hy sinh to lớn, mà còn ghi tạc trong lòng:- Tua Hai là một trận đánh khai sinh, khai mở cho tất cả mọi chiến thắng lớn lao từ đó về sau suốt 15 năm kháng chiến cho đến ngày 30.4.1975 toàn thắng.
Ghi chép: Nguyễn Quốc Việt