Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ai về Tân Phú, Tân Châu
Thứ bảy: 16:32 ngày 07/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cũng xin nói trước rằng Tân Phú cũng là Tân Hưng đấy thôi, ở thời điểm bảy, tám mươi năm trước. Còn xa hơn nữa, thì đây là làng Khedol thuộc tổng Chơn Bà Ðen của quận Thái Bình. Ðường 785 từ thành phố Tây Ninh thẳng lên. Qua xã Tân Hưng hiện nay là vào Tân Phú. Tạm hiểu: Hưng là phát triển, Phú là giàu có. Miền đất này mang những cái tên nặng đầy hy vọng, niềm tin.

Triền hồ ở Tân Phú.

Như là biểu tượng cho sự giàu có của mình, là một ngôi biệt thự ở góc ngã ba đường vào ấp Tân Châu. Thật ngạc nhiên vì cái gu thẩm mỹ kiến trúc của người Tân Phú. Nhà y như biệt thự Pháp cổ, mà tưởng như chỉ có thể gặp trên thành phố hoa - Ðà Lạt.

Cũng ống khói lớn cao ngất nghểu một góc tường; hai tầng nhà với những ô cửa sổ hẹp long lanh kính, chớp. Mái ngói đỏ au khúc khuỷu, lại còn thêm một tum mái nhọn nhô lên hình lục giác. Nhà ngự giữa một khu vườn xào xạc gió, chuối và dừa ngả bóng bên nhau.

Những biệt thự kiểu thế này có thể gặp khá nhiều trên trục đường 785 qua Tân Phú, của những ông chủ vườn cao su hay chủ trang trại mía, mãng cầu. Còn nhớ cách nay vài năm, tôi có xin vào khu vườn sau một trạm xăng. Ông chủ trẻ đã thiết kế khu vườn như cảnh một làng quê cổ ở miền Trung hoặc miền Bắc.

Bên khối nhà biệt thự toàn đá hoa cương, hay gạch ốp lát lại là những cái cổng tranh tre xơ xác. Dưới một cây chuối mọc như ngẫu hứng bên bờ suối có một cặp tượng Thị Nở, Chí Phèo. Họ đang nghiêng ngả tràn đầy hạnh phúc bên một tiểu cảnh suối và núi non sang trọng. Có cả những bầy cá vàng lội dưới nước trong veo. Dường như với một số người giàu lên sau những gian nan nghèo khó, thì lại càng yêu, càng nhớ cảnh nghèo thuở trước.

Tưởng như những ngôi nhà đẹp và sang chỉ có ở mặt đường. Nhưng không! Trên đường vào ấp Tân Châu có cộng đồng người Chăm sinh sống, cách đường 785 đến 3km, tôi vẫn còn thấy những ngôi nhà đáng mơ ước với người thành phố.

Nhà trệt, tường sáng ngói nâu xây kiểu biệt thự. Nhà càng nổi bật hơn trên rẫy mì mướt xanh với vài cây thốt nốt và dừa. Ðấy là ngôi nhà ở ngay đầu xóm có người Chăm sinh sống. Xóm Chăm có con đường sỏi đỏ xuyên ngang cũng ngợp bóng cây xanh.

Trên một tàn cây có rất nhiều tổ chim. Vào ngày xả chay Ramadal nên trai gái người Chăm diện lễ phục đen hoặc thật nhiều màu rộn ràng đi lại. Trước một ngôi nhà, có một cặp vợ chồng trẻ bày mâm cơm ra ăn ngay trên hiên nhà ốp gạch men sáng bóng. Ði dọc xóm thấy hầu như tất cả nhà đã xây tường, lợp tôn cẩn thận.

Có ngôi lại kiếm đâu ra thứ gạch men ốp màu xanh, tím nên mặt tiền nhà rất vui như một bức tranh tường. Thanh niên, trẻ em nhởn nhơ chơi dưới bóng cây sanh, người lớn đã tập trung hết tại thánh đường. Hôm ấy có đoàn của Mặt trận và các ban, ngành tỉnh, huyện, xã về chúc mừng, thánh đường dựng thêm rạp trước sân đón khách.

Các bà các chị lại kéo về căn nhà phía sau chuẩn bị vài món ăn truyền thống của người Chăm. Các em nhỏ cũng xúm xít nơi đây, sặc sỡ và diêm dúa trong những bộ váy áo màu tươi tắn.

Thánh đường Chăm ấp Tân Châu cũng có vẻ đặc biệt hơn bởi những vòm cong nóc mái được dát màu vàng đồng óng ánh. Nhà thấp nhưng ấm cúng. Bù lại là nhiều trụ tháp cao ở chung quanh và cả trên mái thánh đường. Cái cổng xinh xắn cũng có trụ cao cắm cờ đỏ sao vàng.

Tấm tường che trên cổng được tạo tác vừa là vòm cong nhọn, vừa tạo hình một bông sen. Cũng là một nét kết hợp duyên dáng giữa nét Hồi và nét Việt. Nơi đây cũng là trụ sở của Trường trung cấp Giáo lý Islam. Vậy là trường Hồi giáo còn có trước cả Trường trung cấp Phật học mới khai giảng năm 2018.

Có đến ấp Tân Châu, tận xóm Chăm này mới thật sự tin Tân Phú đã giàu, như cái tên quê hương mà các bậc cha anh đã đặt, biểu lộ niềm hy vọng. Ðường ngang qua xóm rộng như một đường phố trung bình ở phố. Cũng thẳng tắp những hàng cột điện bê tông, treo cả đèn đường thắp sáng ban đêm.

Giữa những vòm phố xanh, các cô gái Chăm dắt trẻ em đi dạo, chụp hình bằng smartphone. Tôi ghé thăm nhà đôi bạn trẻ vừa gặp hồi sáng. Anh chị đã đi chơi nhà hàng xóm. Chỉ còn một cô em gái ở nhà đang dọn mâm. Hoá ra cô cũng đã đi làm ở một xí nghiệp của Hàn Quốc đóng tại Ðồng Pan, thị trấn Tân Châu.

Người con gái mảnh dẻ dáng dấp yêu kiều này cũng đã từng đi làm ở Thái Lan, Malaysia rồi đem kinh nghiệm học được về làm giàu cho quê hương đất nước. Cô bảo, ở đây cũng nhiều người như vậy lắm. Nào những Xa-phi-a, Fa-ti-ma... tốt nghiệp đại học đang làm việc ở cả trong và ngoài huyện Tân Châu.

Nguyên nhân cái sự giàu ấy của Tân Phú đã bày ra trước mặt, khi ta đi trên mọi nẻo đường Tân Phú. Ba cây số vào ấp Tân Châu đầy ắp toàn mì và mía. Vườn cao su tô đậm những chân trời. Ðồng mía bao la, được hiện đại hoá bằng hệ thống tưới phun xoay. Rẫy mì thì khỏi cần phun tưới mà vẫn óng ả xanh, bất chấp những con rầy bệnh khảm lá đang rập rình đâu đó.

Lên Tân Phú giữa tháng 6.2018 đang lúc người Tân Phú hái mãng cầu để chở ra Hà Nội. Anh nông dân đang sắp xếp từng thùng trái cây vừa đóng gói tự hào kể vậy. Hơi khó tin, nên tôi hỏi lại. Anh xuề xoà vừa cười vừa bình thản nói: - Có gì đâu! Lát nữa xe lạnh tới chạy xuống sân bay. Gửi hàng xong thì ngoài kia (sân bay Nội Bài) đã có bạn hàng đón đợi. Từ đây ra chợ Ðồng Xuân chỉ nội trong ngày.

Lại hỏi cô chủ hàng đang lúi húi lựa chọn trái. Cô bảo, khách Hà Nội “ăn hàng” kỹ lắm. Mình phải tuyển lựa, cho trái thật vừa, thật đẹp và ngon. Cô mời tôi ăn một trái được loại ra. Nó chẳng có khuyết tật chi cả, mà chỉ đã hơi mềm và nứt múi. Ðể lan toả một mùi thơm quyến rũ dịu dàng. Ôi chà, quê tôi thường gọi na dai. Thị trường Hà Nội chấp nhận là phải, bởi múi vừa dai và mềm, vừa dịu ngọt.

Vườn nhà cô chủ ở ngay bên kia đường. Theo chân một bác thợ mới chuyển về những thùng trái mới hái, tôi sang. Gặp một vườn cây đẹp đến mê hồn. Cây nào cũng sum suê vồng lá căng tròn. Chiếc lá nào cũng óng ả tươi xanh hớn hở xoè ra đón nắng.

Giữa những luống cây rộng rênh là những chị, những cô áo khăn trùm kín mít. Tay cầm kéo, mắt săm soi tìm và chọn. Ô kìa, từ nách lá bỗng lộ ra những trái tròn nây, mắt đều tăm tắp. Tay nâng, tay cắt. Nụ cười trắng loá nở trên môi.

Tôi sẽ còn gặp nhiều nhóm thợ đang thu hái mãng cầu khi qua đường 785 rẽ ngang ấp Tân Hoà. Có những nhóm rất đông, tới trên dưới 20 người, vừa hái trái, vừa chọn lựa rồi đóng gói vào những hộp xốp trắng. Hỏi, thì đều có một hướng đi chung ra Hà Nội. Có những chiếc xe lạnh đang chờ sẵn để đi về sân bay. Mà toàn là thương lái thôi; những con người năng động của thời kinh tế thị trường.

Họ đã góp phần cho người Tân Phú làm giàu ngay ở quê hương, theo một khát vọng muôn đời là: “không ly nông mà cũng bất ly hương”. Ðể trái mãng cầu Tân Phú, cũng là thương hiệu mãng cầu Bà Ðen nổi tiếng trên cả nước. Xin nhắc lại miền đất này xưa thuộc tổng Chơn Bà Ðen của quận Thái Bình.

Băng qua ấp Tân Hoà, gặp lại con suối Tha La. Với hy vọng ở đoạn gần đập này sẽ gặp lại một hình xưa bóng cũ. Ở gần đây, trên đường 785 từng có chợ Nông trường, còn có tên gọi chợ Tha La. Ngay gần với Nông trường mía Thạnh Bình xưa có một nhánh suối nhỏ thông ra suối Tha La. Nơi ấy có ngôi chợ cho công nhân Nông trường nên đã thành tên gọi. Nay nông trường đã giải thể từ lâu và suối cùng hoá Lòng hồ.

Thật chẳng uổng công khi len lách giữa rừng cao su trên những lối mòn bì bõm nước giữa mùa mưa mà ra tới Lòng hồ. Khi trước mắt tôi đã mở ra một không gian bao la trời, đất, nước. Nước trắng xoá ngoài xa, mây lững thững trên đầu.

Còn ngay dưới chân và trước mắt là mênh mông bờ bãi một triền hồ. Triền bờ rộng hàng trăm mét, chỉ ửng lên màu đồng đỏ. Thưa, đấy là màu một loại cỏ hoa lấm tấm đang nhoai nhóc nhoi lên từ mặt đất. Lẫn vào đấy cũng có những vạt non xanh cho bò gặm cỏ.

Gần mặt nước lại có thêm một thứ hoa li ti những cánh màu tím nhạt. Bông nào bông nấy đều có một vòi hoa vươn lên màu trắng. Ðể loài hoa cỏ miên man nở này trông như một bầy cò đang rướn cổ bay lên.

Giữa không gian bao la và đẹp như mơ này mà chỉ có mấy con bò gặm cỏ. Người đã đi đâu? Hay họ đã lẫn vào giữa ngút ngàn xanh những vườn cao su, rẫy mía, nương mì. Nhìn qua con suối nhỏ, ranh giới tự nhiên giữa Thạnh Ðông và Tân Phú mới thấy một bến sông đầy ắp cát. Cũng có những vườn mì lan đến gần mép nước.

Chợt nhớ những tấm bảng sơn xanh tôi gặp trên đường. Ðể biết nơi đây tương lai cũng là Nhà máy điện Mặt trời. Ai mà chọn chỗ hay quá vậy? Cả một triền bờ hướng mặt về Ðông, thênh thang gió, thênh thang sông và tràn nắng mặt trời.

Các cô gái Chăm Tân Phú.

Suối Tha La giờ đã nên hồ. Lúc này chỉ thấy duy nhất một người đang soạn lưới chài bắt cá. Anh cứ quẩn quanh gần bờ trên chiếc vỏ lãi có gắn máy đuôi tôm. Thỉnh thoảng lại tung tấm lưới như một vầng mây nhỏ chụp xuống trên mặt nước. Anh kể, cá độ này ít lắm, mỗi lần quăng lưới cũng chỉ được có vài con cá nhỏ... Thảo nào mà nơi dân đánh lưới “rớ chồ” chỉ còn toàn những cột tre đứng soi mình trên mặt nước bao la.

Trên đường ra nơi anh bắt cá, tôi đã thật ngạc nhiên khi thấy nhiều hố tròn to, như những chiếc ao con ở dọc triền bờ. Kiểu như những hố bom còn sót lại ở triền bờ đảo S uối Nhím. Mà nhiều thế này thì nếu bom, chắc phải là B52.

Vùng đất này lại chẳng phải là trọng điểm càn quét của giặc suốt thời kháng chiến? Ðặc biệt là trận càn Junction City dày đặc đạn bom thù. Ðã tính về sẽ kể chuyện những hố bom. May mà gặp mặt bác nông dân chạy xe máy ra đồng. Hỏi, thì bác bảo: - Không phải hố bom đâu. Mà là dân ta đào “trộm” cát.

Thì ra cả một triền bờ này có thể coi là mỏ cát, thứ tài nguyên đang đắt giá mỗi ngày. Nhưng, thứ đang mọc trên triền cát này chắc sẽ còn đắt giá hơn nhiều. Bởi trong màu xanh ngút mắt vùng bán ngập này còn có biết bao nhiêu tâm sức của người dân Tân Phú. Biết bao nhiêu là trí tuệ với mồ hôi.

Ghi chép của Nguyễn Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục