Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ấn Độ sắp đổi tên tiếng Anh chính thức?
Thứ tư: 09:15 ngày 06/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chính phủ Ấn Độ đã thay thế tên gọi tiếng Anh “India” của nước này bằng từ tiếng Phạn “Bharat” trong thiệp mời ăn tối gửi tới các vị khách dự Hội nghị thượng đỉnh G20.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ lâu đã muốn thay đổi tên gọi "India" từ thời thuộc địa của Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin AP, ngày 5/9, Ấn Độ đã trở nên xôn xao về những lời đồn đoán cho rằng Thủ tướng Modi có kế hoạch từ bỏ sử dụng tên tiếng Anh chính thức của đất nước này, sau khi dùng tên tiếng Phạn “Bharat” để mời các lãnh đạo thế giới dự yến tiệc. 
 
Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực xóa bỏ các biểu tượng còn sót lại từ thời Anh cai trị khỏi cảnh quan đô thị, thể chế chính trị và sách lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, động thái thay đổi tên gọi bằng tiếng Anh trên có thể là bước đi “mạnh tay” nhất từ trước đến nay.
 
Bản thân ông Modi thường gọi Ấn Độ là “Bharat”, một từ có nguồn gốc trong kinh Hindu cổ viết bằng tiếng Phạn và là một trong hai tên chính thức của đất nước này theo hiến pháp.
 
Các thành viên trong đảng cầm quyền theo đạo Hindu trước đây đã vận động ngừng sử dụng tên gọi nổi tiếng hơn là “India”. Tên gọi này có nguồn gốc từ thời cổ xưa của phương Tây và được áp dụng từ thời kỳ thuộc địa Anh. 
 
Cuối tuần này, Ấn Độ sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Chương trình kết thúc bằng một yến tiệc cấp nhà nước mà trên thiệp mời giới thiệu sẽ do “Tổng thống Bharat” chủ trì.
 
Được biết, chính phủ Ấn Độ đã triệu tập một phiên họp quốc hội đặc biệt vào cuối tháng qua, song vẫn giữ im lặng về chương trình nghị sự lập pháp.
 
Tuy nhiên, đài truyền hình News18 dẫn lời các nguồn tin chính phủ giấu tên rằng các nhà lập pháp sẽ đưa ra một nghị quyết đặc biệt để ưu tiên tên gọi “Bharat”.
 
Đối mặt với những tin đồn trên, các đảng đối lập đang ra sức phản đối chính phủ của ông Modi đổi tên gọi “India” của nước này. 
 
Nghị sĩ Shashi Tharoor của đảng Quốc hội đối lập chia sẻ trên mạng xã hội X rằng: “Chúng ta nên tiếp tục sử dụng cả hai từ thay vì từ bỏ quyền sở hữu đối với một cái tên còn đọng lại lịch sử, một cái tên đã được cả thế giới công nhận”. 
 
Nguồn Hoàng Trang/Báo Tin tức
Tin cùng chuyên mục