Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chuyến thăm tới Kiev của Thủ tướng Modi được xem như sự mở rộng của chính sách đối ngoại đầy khéo léo kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra trong khi Trung Quốc cũng đang thận trọng điều chỉnh lập trường của mình.
Đó là nhận định của ông C. Uday Bhaskar *, Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu chính sách (SPS) ở New Delhi trong bài viết mới đây đăng trên báo The South China Morning Post.
Ấn Độ và Trung Quốc đang tìm một lối đi khéo léo trên ranh giới mỏng manh của cuộc xung đột ở Ukraine. (Nguồn: SCMP)
Ngay sau cuộc gặp của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23/8 tại Kiev, truyền thông nhanh chóng đăng ảnh hình ảnh hai nhà lãnh đạo dành cho nhau cái ôm thắm thiết. Trong một bài viết trên mạng xã hội X, Tổng thống Zelensky cho rằng chuyến thăm đầu tiên của ông Modi tới Ukraine sau khi tái đắc cử là dấu ấn lịch sử quan trọng cũng như thể hiện sự ủng hộ của New Delhi với những vấn đề của Kiev.
Tuy vậy, Thủ tướng Modi lại không trực tiếp bày tỏ lập trường của Ấn Độ đối với cuộc xung đột hiện đã kéo dài 30 tháng. New Delhi “đứng ngoài trong cuộc xung đột này", không có nghĩa là "thờ ơ", mà "không trung lập ngay từ ngày đầu". Hay nói cách khác, "chúng tôi đã đứng về một phía và chúng tôi kiên quyết ủng hộ hòa bình”, ông Modi khẳng định.
Chuyến thăm Kiev của Thủ tướng Modi, theo chuyên gia C. Uday Bhaskar, là sự mở rộng của hành động cân bằng ngoại giao khéo léo và tinh tế của Ấn Độ kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Quốc gia Nam Á kiên quyết không chỉ trích những hành động của Nga nhưng đã kêu gọi cả hai bên tham gia đối thoại và ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột thể theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Đây cũng là trọng tâm trong thông điệp của ông Modi nhằm xoa dịu những lo ngại của Mỹ rằng New Delhi đã ủng hộ Nga một cách thiếu phê phán.
Thủ tướng Modi công du Kiev chỉ hơn một tháng sau chuyến đi tới Moscow (8-9/7). Thời điểm đó, Tổng thống Zelensky bày tỏ sự thất vọng sâu sắc và cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Ngai là đòn đánh tàn khốc giáng vào những nỗ lực hòa bình.
Việc Thủ tướng Modi hiện diện tại Kiev diễn ra song song với hai chuyến thăm cấp cao khác. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh có chuyến đi tới Washington, hai bên ký kết các thỏa thuận quốc phòng quan trọng, làm sâu sắc thêm hợp tác quân sự giữa hai bên. Cùng lúc đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vừa kết thúc chuyến thăm Nga và Belarus.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) chào đón Thủ tướng Lý Cường trước cuộc họp tại Điện Kremlin ngày 21/8. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Đối với New Delhi, việc ông Lý Cường tái khẳng định về tình hữu nghị Trung Quốc-Nga "bền chặt, mạnh mẽ và không thể lay chuyển" và “vượt qua được sự hỗn loạn quốc tế” có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tam giác quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc-Nga trở nên phức tạp. Các động thái này phản ánh một “ván cờ đa cực” tại châu Á và trên toàn thế giới kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có mối quan hệ đặc biệt với Nga từ những thập kỷ Chiến tranh Lạnh, khi mối quan hệ lưỡng cực giữa Liên Xô và Mỹ định hình nên khuôn khổ chiến lược toàn cầu. Trong giai đoạn sau của Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc lại có xu hướng nghiêng về phía Mỹ trong khi Ấn Độ thiên hơn về phía Liên Xô.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cả hai gã khổng lồ châu Á đều thiết lập lại quan hệ với một nước Nga bị thu hẹp về mặt địa lý và yếu hơn về mặt kinh tế. Ngày nay, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã định hình mối quan hệ giữa các cường quốc.
Chuyên gia C. Uday Bhaskar nhận định, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan năm 2021 làm giảm vị thế hàng đầu của Washington trên vũ đài chính trị. Đặc biệt, các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza dẫn đến một một khuôn khổ chiến lược toàn cầu không ổn định mà trong đó các cường quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hầu như không còn hiệu quả trong việc đảm bảo hoà bình và ổn định toàn cầu.
Ấn Độ và Trung Quốc đang tìm một lối đi khéo léo trên ranh giới mỏng manh của cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách duy trì luật pháp quốc tế nhưng không công khai lên tiếng chỉ trích hành động của Nga. Động thái này phản ánh vị thế cô độc của hai ông lớn châu Á nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia dài hạn của mình.
Trong khi định hướng của Ấn Độ được nhìn nhận như một sự thể hiện quyền tự chủ chiến lược, phần mở rộng của chính sách không liên kết, lập trường được cân nhắc kỹ lưỡng của Trung Quốc lại được xem là “thế lưỡng lự Bắc Kinh”.
Cả New Delhi và Bắc Kinh đều duy trì mối quan hệ với Moscow dưới hình thức nhập khẩu dầu, phát triển quan hệ thương mại và quân sự, nhưng cẩn trọng để không rơi vào tầm ngắm trừng phạt của Washington. Đồng thời, cả hai đang tìm cách thể hiện mình như tiếng nói đại diện của Nam bán cầu, những quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột ở Ukraine do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng lương thực và phân bón toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại lối vào Cung điện Mariinskyi ở Kiev vào ngày 23/8/2024. (Nguồn: AFP)
Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của nhà phân tích chiến lược C. Uday Bhaskar, chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Kiev thực chất chỉ mang tính biểu tượng. Điều quan trọng là những tín hiệu đa tầng mà chuyến thăm gửi đi ở cấp độ toàn cầu, trong khu vực Á-Âu và người dân trong nước. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không thể thúc đẩy một tiến trình hòa bình hiệu quả trong cuộc xung đột ở Ukraine nếu thiếu vắng sự tham gia của Mỹ. Điều này phụ thuộc vào kết quả của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới, mà nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng, những chính sách có thể sẽ khó lường.
Trong thời gian tạm thời, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Brics tại Kazan, Nga, vào tháng 10. Cách những người tham gia – bao gồm các thành viên sáng lập của nhóm là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – định hình cuộc chiến tranh Ukraine sẽ
Trong lúc chờ đợi chủ nhân Nhà Trắng, cả Ấn Độ và Trung Quốc đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) vào tháng 10/2024. Theo Giám đốc SPS C. Uday Bhaskar, cách các quốc gia tham gia hội nghị, bao gồm các thành viên sáng lập khối là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, nhìn nhận cuộc xung đột ở Ukraine sẽ cung cấp một số manh mối về kịch bản sắp tới. Hòa bình lâu dài vẫn còn khó nắm bắt trước thực tế khắc nghiệt của cuộc xung đột sắp tròn 3 năm...
(*) Tác giả từng là người đứng đầu hai tổ chức nghiên cứu lớn khác của Ấn Độ là Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng (IDSA) và Quỹ Hàng hải quốc gia (NMF).
Nguồn baoquocte.