Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ăn gì khi bị bệnh mạch vành?
Thứ năm: 20:12 ngày 09/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các nhà khoa học nhận định rằng bệnh mạch vành cần sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng giảm cholesterol máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, chống oxy hóa, tăng cường năng lượng cho các tế bào cơ tim sẽ giúp hỗ trợ trái tim hoạt động, ngăn sự tiến triển của bệnh và phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả.

Trong bệnh mạch vành, một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khỏe của người bệnh. Quá trình tiến triển của mảng xơ vữa nhanh hay chậm, một phần là do những thực phẩm chúng ta ăn vào hàng ngày.

Việc lựa chọn đồ ăn không đúng cách có thể gây bất lợi không chỉ cho mạch vành mà còn là cả tim nữa, bởi làm gia tăng sự tổn thương viêm và lắng đọng cholesterol máu.

Ngược lại, bổ sung những thực phẩm chứa các hoạt chất sinh học có khả năng chống viêm, giảm oxy hóa và ít cholesterol… sẽ là giải pháp giúp người bệnh mạch vành kiểm soát tốt mảng xơ vữa khiến phòng ngừa biến chứng nhồi máu cơ tim có thể xảy ra.

Thực phẩm giảm cholesterol

Các thực phẩm giảm cholesterol hiệu quả nhất đó là các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, giúp làm giảm hấp thu cholesterol tại ruột và tăng đào thải cholesterol ra khỏi máu.

Các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan người bệnh nên sử dụng như: ngũ cốc nguyên hạt như: gạo lứt, bánh mì đen, các loại đậu đỗ, súp lơ xanh, rau đay, mùng tơi, táo, đu đủ, lê, ổi, mận, cam, bưởi...

Súp lơ xanh giàu chất xơ hòa tan.

Mặt khác phải chọn loại dầu ăn như: dầu ôliu, dầu cải, dầu ngô, dầu đậu nành và dầu hướng dương... là những loại dầu thực vật không no nên lựa chọn bởi chúng đều có tác dụng vận chuyển cholesterol ra khỏi máu. Song người bệnh mạch vành nên tránh dùng dầu mỡ động vật: mỡ lợn, bơ, mỡ bò... và kem sữa bò. Những thực phẩm này chứa nhiều chất béo no, làm tăng lắng đọng cholesterol rất dễ làm tắc động mạch vành. Khi chế biến, nên sử dụng dầu rán một lần, tránh dùng lại nhiều lần gây độc cho cơ thể.

Bổ sung protein đúng cách nghĩa là không nên ăn các loại thịt đỏ (bò, ngựa, trâu, cừu) hoặc nếu có ăn thì nên sử dụng dưới 255g một tuần. Cách tốt nhất là ăn nhiều cá như: các hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu, cá trích... vài ba lần/ tuần để bổ sung Omega-3 giúp bảo vệ tim mạch hoặc sử dụng các loại thịt nạc trắng như: thịt lợn thăn, thịt gia cầm (gà, vịt…) thì nên bỏ da. Nên hạn chế ăn uống sau 8h tối vì sau khoảng thời gian này thức ăn rất khó hấp thu. Nếu dùng các thức ăn từ sữa thì nên chọn loại đã tách kem (còn gọi là sữa gầy). Ngay cả sữa chua hay pho mát cũng nên chọn loại làm từ sữa gầy hoặc sữa có hàm lượng chất béo chỉ 1 - 2%.

Tránh các thức ăn như: bơ thực vật dạng thỏi và bánh, bánh nướng lò; sản phẩm dạng chiên: khoai tây chiên, mì ăn liền và đồ hộp chế biến sẵn khác. Trong những thức ăn này có axít béo dạng trans, có thể làm tăng lượng cholesterol máu. Để tránh axít này, nếu muốn phết bơ lên bánh mì hãy chọn loại bơ thực vật mềm. Với những người có nồng độ triglycerid cao thì cần kiêng tuyệt đối với bia rượu, chất kích thích... Thay vào đó, uống nhiều nước và sử dụng các loại trà thảo dược như: lá sen, atiso…

Thực phẩm chống oxy hóa

Cần lựa chọn thực phẩm chống oxy hóa để dọn dẹp các gốc tự do sẽ giúp ngăn chặn phản ứng viêm và sự phát triển của căn bệnh này. Tốt nhất hãy lựa chọn chế độ ăn Địa Trung Hải với nhiều trái cây, rau, các loại hạt, ngũ cốc, cá, và các loại dầu lành mạnh. Các chất chống oxy hóa như: vitamin E, C, A... thường được tìm thấy trong cá tươi, các loại rau quả có màu xanh, đỏ, hoặc vàng đậm như súp lơ xanh, rau cải bó xôi, rau bina, cải xoăn, cà chua, cà rốt, dâu tây, cam, quýt, dưa hấu, mận tím…Rau quả nhiều màu sắc có tác dụng chống oxy hóa tốt cho người bệnh mạch vành.

Ăn cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu, cá trích... vài ba lần/ tuần.

Một số thực phẩm như: gừng, nghệ, tỏi và hành tây, nho khô, nho tươi, quả chà là, việt quất, dâu tây, quế, cam thảo… có chứa salicylate, một hóa chất có thể ngăn chặn các tiểu cầu kết dính và làm chậm quá trình đông máu. Ngoài ra, loại axít béo như omega-3 có nhiều trong các loài cá như: cá thu, cá cơm, cá hồi, cá ngừ, cá trích và một số loại hạt như: hạt lanh, đậu, dầu ôliu hay quả óc chó... cũng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa cục máu đông.

Với người bệnh mạch vành đang sử dụng thuốc chống đông máu kháng vitamin K như Sintrom (Acenocoumarol) và Coumadin (warfarin)... nên đặc biệt lưu ý khi lựa chọn thực phẩm bởi có nhiều loại chứa hàm lượng vitamin K lớn có thể gây cản trở tác dụng của thuốc chống đông. Các loại thực phẩm có chứa vitamin K bao gồm cải xoăn, bông cải xanh, cải bắp, củ cải, rau chân vịt, súp lơ, mùi tây, hành xanh, rau muống, măng tây và rau diếp; mù tạt; trà xanh; bơ; gan động vật, thịt cừu, thịt bò; dầu đậu tương, đậu nành...

Nên ăn các loại rau có màu xanh sẫm. Tảo biển rất tốt cho người mắc bệnh mạch vành.

Nguồn Suckhoedoisong

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh