PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ẩn hoạ 'bóng cười': Dễ như 'mua rau', cần bao nhiêu cũng có
Thứ hai: 22:08 ngày 24/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo và ngay tại Hà Nội, UBND Thành phố cũng đã có công văn khẳng định ngành Y tế không cấp phép cho việc sản xuất, nhập khẩu, lưu hành bóng cười. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh, buôn bán bóng cười công khai vẫn diễn ra, đặc biệt là trên thị trường Online.

Trước thực trạng một số thanh niên và học sinh đang có xu hướng sử dụng bóng cười (khí N2O) làm thú vui và những hệ luỵ khó lường, cùng những vụ việc liên quan đến bóng cười xảy ra, UBND TP Hà Nội đã có công văn cấm học sinh sử dụng bóng cười, đồng thời tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng bóng cười trong giới trẻ và học sinh.

UBND TP yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân tác hại của việc sử dụng bóng cười, sử dụng khí N2O trong các cơ sở y tế theo đúng quy định. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh tác hại của việc sử dụng bóng cười, nghiêm cấm sử dụng.

Cùng với đó, Công an TP Hà Nội chỉ đạo công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã phối hợp đơn vị liên quan tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động kinh doanh bóng cười.

Nhiều bạn trẻ hiện vẫn đang coi bóng cười là một "thú vui" không thể thiếu trong các cuộc ăn chơi. Bất chấp các lời cảnh báo, thị trường Online vẫn rất nhộn nhịp. Ảnh: Facebook bán bóng cười quảng cáo.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Tiền Phong, muốn mua được “bóng cười” hiện tại không mấy khó khăn. Thậm chí, người mua kẻ bán khá tấp nập, chỉ cần nhấc điện thoại và với vài dòng từ khoá, muốn mua bao nhiêu cũng có, bóng cười có thể được ship đến tận nhà người mua.

Chỉ cần gõ cụm từ “bóng cười”, hàng loạt các cửa hàng kinh doanh online với những lời rao kích thích sự tò mò để thu hút khách hàng được các đối tượng rao bán tận dụng triệt để. Các chủ cửa hàng Online này còn quảng cáo, hít loại khí trong quả bóng này vào trong người sẽ có cảm giác “tê tê”, “phê”, sau đó là… sảng khoái.

Để kích thích người mua, các chủ cửa hàng cho biết, nếu mua số lượng lớn sẽ được khuyến mại hấp dẫn. Một bình 3 kg giá 1,1 triệu đồng, bình 6 kg giá 1,6 triệu đồng với đủ các mùi dâu, dưa gang, nho v.v… Không phê không lấy tiền, bóng cười giúp gây cười, xả stress, tâm hồn sảng khoái… mỗi bình bơm được từ 300 đến 400 quả.

Thực tế, vài năm trước bóng cười chỉ có trong các quán bar, karaoke với giá lên tới 50.000-60.000 đồng/quả, một số quán cao cấp còn bán tới 100.000 đồng/quả, mua một tặng một, thì hiện nay được rao bán công khai với giá rẻ hơn rất nhiều. Thường chỉ có giá 20.000-30.000 đồng.

Hình ảnh nhóm bạn trẻ sử dụng bóng cười với cô gái "phê" ngã ngửa từng gây xôn xao thời gian qua. Ảnh: Facebook.

Chia sẻ với PV, nhiều bạn trẻ tại Hà Nội đã từng sử dụng bóng cười cho biết, bóng cười hiện vẫn là “mốt” trong các cuộc ăn chơi từ café vỉa hè đến quán bar, karaoke, muốn mua bao nhiêu bóng cười cũng có. Đa phần các bạn trẻ này đều không mấy quan tâm đến tác hại của các loại bóng cười được quảng cáo là hàng “nhập khẩu”. Chỉ cần “phê” là đủ (!?)

“Nhiều lần em đã sử dụng bóng cười cùng với bạn bè, nó không phải ma tuý mà chỉ để xả tress, mua vui thôi. Lần đầu “chơi” có cảm giác hơi choáng một chút rồi lâng lâng, buồn cười. Em cũng không biết nó có độc không, nhưng sau đó thấy bình thường nên nghĩ không có vấn đề gì”, N.M.K (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Loại bóng được sử dụng để bơm khí N20 tạo thành bóng cười. Ảnh: Facebook bán bóng cười quảng cáo.

Thực tế, tâm lý “không gây nghiện” của bóng cười khiến nhiều bạn trẻ cho rằng bóng cười không mấy tác hại khiến nhiều người vô tư “chơi tới bến” trong các cuộc vui.

“Em cũng có đọc nhiều thông tin trên Internet nói về tác hại của bóng cười. Ban đầu cũng hơi sợ nhưng thỉnh thoảng dùng chắc cũng… không sao. Nghe nhạc mà không có chút bóng cười thì thấy nó… thiếu thiếu. Với lại, đi chơi một nhóm với nhau mà các bạn thổi bóng mà mình không dùng có vẻ không ổn, không hoà đồng cho lắm”, N.M.T (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

Bóng cười thực chất là bóng bay được bơm khí Nitrous oxide (N2O). Chất khí nitrous oxide khi hút vào sẽ có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hoá, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, loại khí trong bóng cười là N2O, thực tế, thường được sử dụng trong y tế với mục đích gây mê không mất tri giác. Với nồng độ thấp, N2O sẽ kích hoạt trung tâm gây cười trong não. Khí này khi hít vào cơ thể sẽ tan vào máu, tác động đến thần kinh, gây cười.

Ông Côn cũng cho biết, với những người có bệnh tim mạch, hô hấp, nhạy cảm về thần kinh không nên sử dụng bóng cười, bởi dễ bị sốc và ảnh hưởng hoạt động của tim. Ngoài ra, khí N2O có thể bị pha lẫn NO, NO2, nên rất có hại cho cơ thể.

Trong khi đó, theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này.

BS. Nguyên khuyến cáo các bạn trẻ không nên sử dụng các loại khí này vì tính chất nguy hiểm của nó gây tổn thương thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm. Không nên giải trí bằng bóng cười, không nên dại dột thử rồi thành thật, rồi bị lạm dụng dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nguồn TPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục