Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ân nhân
Thứ hai: 11:16 ngày 26/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Câu chuyện xảy ra đã mười năm. Và bây giờ, vị bác sĩ mà đều đặn hai tháng tôi phải vào thành phố một lần để gặp đó chính là bác sĩ Phong- cậu học trò xanh xao ngày xưa...

1. Tôi đến nhà thăm em. Nhà là một ô gạch, xây theo kiểu hộp thuốc lá. Đầu đuôi cụt ngủn, trước mặt có cánh cửa nhỏ, thông thẳng ra vách sau là một cái cửa nữa rồi tới hàng rào. Tôi đến khi Phong đang cầm một ca nước, tôi hỏi đó là nước gì, em nói nước râu bắp. Nhìn cậu học sinh mười một năm liền là học sinh giỏi trong thân hình một cậu bé lớp 7, da dẻ vàng tái, thở xì xì mệt nhọc mà thương đứt ruột.

Tôi hiểu vì sao em không mời tôi vào nhà vì liếc vào đã thấy giữa nhà chỉ có mỗi chiếc chiếu trải giữa nền xi măng, chẳng có bộ bàn ghế nào cho khách. Cô trò ngồi ở bộ ghế được ghép bằng những viên gạch và miếng gạch men thừa bỏ trước sân. Em nói, ba mất sớm, mẹ đi làm thuê trên rẫy. Chị gái làm công nhân nhà máy gạch ở xã dưới, em và cô em gái đi học, chuyện cơm canh cho gia đình em lo sau khi mẹ đi chợ vào lúc sáng sớm.

Em kể, từ năm bốn tuổi, em bị phù thận rồi sau đó chuyển sang suy thận. Tháng nào mẹ cũng đưa em vào viện chạy thận. Tôi rơi nước mắt khi em đang ráo hoảnh chia sẻ bỗng khóc oà, nói trong tiếng nấc:- Có những đợt nhà không có tiền để chạy thận, người em phù lên như con heo luộc. Đau nhức! Em sợ chết lắm cô. Lúc nào cũng ở trong trạng thái mệt mỏi, muốn ngủ. Em cố không nhắm mắt lại, sợ khi sụp đôi mi xuống mình sẽ không mở lên được nữa. Em còn muốn đi học, em sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho em, cho những người nghèo như mẹ em.

Gia đình nghèo khó, cơ thể bị bệnh tật hành hạ, nhiều đợt bệnh trở nặng, phải nghỉ học hai tuần liền nhưng vốn thông minh, em nhanh chóng theo kịp bạn bè. Thành tích đáng nể của em là nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Chưa hết, em còn hát hay, diễn kịch giỏi. Thật sự ngưỡng mộ. Tôi hỏi bí quyết để vừa chống chọi bệnh đau, vừa giữ vững danh hiệu thì em bảo, em luôn tranh thủ học xong rồi mới uống thuốc. Vì hễ uống thuốc vào là em sẽ li bì trong giấc ngủ. Em phải học, vì trước khi nhắm mắt, ba em dặn đi dặn lại, con không được bỏ học, còn thở là còn học. Em lại nói: - Em muốn tự chữa hết căn bệnh của mình và chữa bệnh cho tất cả những ai bị bệnh mà không có điều kiện, để không có một bạn nhỏ nào phải có hoàn cảnh như em. Nắm đôi bàn đôi tay xanh xao của em, nước mắt tôi chảy dài.

2. Tôi, sau những chấn thương nghiêm trọng về thể xác và tinh thần thì mắc phải căn bệnh hiếm gặp- Rối loạn ám ảnh sợ hãi kịch phát từng giai đoạn. Thật tệ, từ năm hai tám tuổi, tôi đã phải sống trong triền miên sợ hãi. Khi nỗi ám ảnh kịch phát, tôi nôn nao, hồi hộp, thở yếu đi và mềm nhũn rồi nằm ra bất cứ chỗ nào, dù không mất ý thức nhưng chẳng thể làm gì vì toàn thân đã khánh kiệt sức lực. Tình trạng ấy xảy ra đều đặn. Phải đi dạy trong trạng thái đó, phải nỗ lực tròn việc nhà (mẹ đơn thân) và đảm việc nước (xe buýt đi về hơn 80km mỗi ngày) tôi luôn nghĩ mình là người đàn bà vừa bất hạnh, vừa mạnh mẽ nhất thế gian. Nhưng giờ tiếp xúc với hoàn cảnh của Phong, tôi thấy hổ thẹn.

Đó là lần đầu tiên tôi viết một bài báo. Tôi viết về em, cậu học trò đáng thương và đáng khâm phục của tôi. Bài viết đã giúp em giành được suất học bổng “Bạn tôi, người vượt khó” 10 triệu cùng một món quà trị giá 25 triệu đồng từ các độc giả hảo tâm gần xa.

Có một cuộc điện ngoài trông đợi mà tôi nghe xong, mừng rơi nước mắt. Một chị ở Sài Gòn có nhã ý tặng em một liệu trình thuốc trị thận gia truyền. Chị cam đoan, nếu uống thấy có tín hiệu tốt, chị sẽ tiếp tục hỗ trợ tới chừng nào khỏi thì thôi: - Chị là con gái của một thầy thuốc Đông y. Bài viết của em trên Báo Tuổi Trẻ được ba chị đọc. Việc chị liên hệ để tặng thuốc là theo lệnh của ba. Đây là tên, địa chỉ nhà thuốc và số điện thoại của chị để em tiện tìm hiểu. Nhưng chị cam đoan với em, liệu trình thuốc này đã chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân bị thận rồi, cô giáo yên tâm nha!

Không có gì chắc chắn nhưng tôi tin vào giọng nói chân thành đầy tự tin và nhân ái đó nên chẳng ghi lại địa chỉ nhà thuốc hay tên vị thầy thuốc đức độ kia để bây giờ cứ mãi ăn năn.

Ngày ra bưu điện nhận gói thuốc to, tôi ước mình có cánh để bay nhanh nhất xuống nhà em. Khỏi phải nói, khi đưa thang thuốc cho em, tôi rất vui. Nhưng khi quay về nhà lại giật mình, thuốc từ một người không quen biết, nhỡ uống vào có chuyện gì thì sao? Đêm đó tôi mất ngủ.

Ngày đầu tiên Phong dùng thuốc, tôi xấp xải đến nhà em vào sáng sớm. Em bảo vẫn còn đau nhức nhiều nhưng dễ chịu hơn, có vẻ ổn. Vậy là có tín hiệu tốt rồi. Ôi, trời phật thánh thần ơi, mừng hổng biết nói sao luôn. Phong bỗng lắc đầu ngao ngán: - Nhưng cô ơi, nó đắng chưa từng thấy, đắng muốn chết luôn, tới mức không uống nổi. Giờ mà thấy chén thuốc là em phát khóc!

Phát khóc thiệt, vì vừa lúc ấy, thấy mẹ mang chén thuốc lên, em nhăn mặt một cách bất lực. Tôi dỗ: -Ráng lên em! Không phải ai bị suy thận cũng được may mắn uống chén thuốc này!

- Nhưng thật sự là không uống nổi. Nhiều khi em nghĩ cứ để thế này, có tiền thì chạy thận, không có thì thôi. Đau nhức rồi chết có khi còn dễ chịu hơn sống mà phải nuốt cái thứ thuốc siêu đắng cực hôi này.

- Nói bậy. Có bệnh phải chữa, thuốc đắng mà hết bệnh, mà học hành giỏi giang trở thành bác sĩ thì ba dưới suối vàng sẽ mỉm cười hạnh phúc. Cuộc sống không phải riêng mình nên không được dễ dàng từ bỏ, không được khước từ quyền được sống, đó là tội bất hiếu lớn nhất. Uống đi em, đắng một lát thôi, còn đau nhức cả đời. Đắng mà hết bệnh, hôi mà thực hiện được ước mơ…

Em bưng chén thuốc, tay run run, nâng lên lại hạ xuống. Tôi nhìn em bằng ánh mắt van xin, nhịp tim hồi hộp, nâng lên hạ xuống cùng chén thuốc “đắng dã man” trên tay em.

3. Không biết có phải do “phước chủ may thầy” hay không mà sau thang thuốc đầu tiên đã có tác dụng rõ rệt. Em đã có sinh khí, hoạt bát khi đến trường. Khi uống tới liệu trình thuốc thứ tư, em không đi chạy thận nữa. Nhìn em hớn hở đi thi đại học cùng chúng bạn, ai mà dám nghĩ “sĩ tử” đó từng đi chạy thận hằng tháng. Em đậu vào Đại học Y dược với sự hỗ trợ tài chính của người thầy thuốc bí ẩn đó.

Viết xong câu chuyện có thật này, tôi đang miên man nghĩ về những diệu kỳ khó lý giải của cuộc sống. Câu chuyện xảy ra đã mười năm. Và bây giờ, vị bác sĩ mà đều đặn hai tháng tôi phải vào thành phố một lần để gặp đó chính là bác sĩ Phong- cậu học trò xanh xao ngày xưa...

N.T.B.N

Tin cùng chuyên mục