Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án an ninh lương thực quốc gia:
An ninh lương thực ngày càng trở nên bức thiết khi dân số có xu hướng gia tăng
Thứ năm: 09:18 ngày 19/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 18.3, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án an ninh lương thực quốc gia năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Cùng chủ trì hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp, HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh báo cáo kết quả 10 năm thực hiện đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 (2009-2019). Sau 10 năm thực hiện, cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có 12 chỉ tiêu đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Sản lượng lúa tăng từ trên 39 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn. Năm 2019, nước ta đã xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về hơn 3 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ NN&PTNT, năng suất cây trồng ở nước ta chưa cao do sản xuất quy mô nhỏ, manh mún; ứng dụng cơ giới hóa, công nghiệp hóa, khoa học công nghệ còn thấp làm cho giá thành cao. Vấn đề an ninh lương thực ngày càng trở nên bức thiết hơn vì dân số ngày càng tăng; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đều là những thử thách lớn.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Chính trị ban hành kết luận mới về “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”.Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh quy định về diện tích đất trồng lúa để phù hợp với Luật Quy hoạch và định hướng thị trường tại các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ. Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về an ninh lương thực thay thế Nghị quyết số 63/NQ-CP

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra một số kết quả đạt được của Đề án bảo đảm an ninh lương thực, không chỉ căn bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn xuất khẩu. Trong hoàn cảnh biến động, thiên tai, dịch bệnh, vẫn bảo đảm cho cân đối sản phẩm nông nghiệp. Đi đôi với tăng cường năng lực sản xuất, đã chú ý thích đáng đến phát triển bền vững, an sinh xã hội, với tinh thần “quan tâm đến toàn xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đứt bữa”.

Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số tồn tại, bất cập cần khắc phục như liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường nhìn chung trên tất cả các ngành hàng còn yếu. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp do sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đạt tỉ lệ thấp, làm cho giá thành cao, khó cạnh tranh...

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số có xu hướng tăng, gần 900 triệu người trên toàn cầu đang thiếu đói, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống, đồng thời phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm, tăng cường khả năng dự trữ, không chạy theo thị trường và nêu cao tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực; chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới, là một lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập.

Thủ tướng đưa ra  một số mục tiêu quan trọng để phấn đấu đạt được,  đó là đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030, để chống tình trạng thấp, bé, còi của người Việt Nam; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9-10%/năm, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD.

Về lúa gạo và diện tích đất lúa, Thủ tướng cho rằng, gạo có vai trò quan trọng trong cơ cấu thực phẩm, do đó sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối…

Về thực phẩm, cần tăng nhanh sản lượng sữa từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn đến năm 2030 vì đây là loại thực phẩm góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc giống nòi. Tăng cường liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, mỗi nhóm ngành hàng đều có tập đoàn kinh tế lớn là hạt nhân liên kết.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT hoàn thiện văn bản, báo cáo Bộ Chính trị để ban hành, làm cơ sở cho việc triển khai thời gian tới và chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về an ninh lương thực.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục