Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ăn phải nấm độc, làm gì để không tử vong?
Thứ năm: 19:49 ngày 05/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo các bác sĩ, với nấm chứa độc tố amatoxin thì chỉ cần người dân ăn một cái nấm là đã bị ngộ độc. Tỷ lệ tử vong của các trường hợp ăn phải loại nấm này lên đến 50%. Độc tố amatoxin cũng rất bền vững trong nhiệt độ nên dù đun nấu cách nào cũng không loại trừ được độc tố.

Mặc dù các bác sĩ đã cảnh báo rất nhiều về tình trạng ngộ độc nấm nhưng cứ sau những đợt mưa xuân, các loại nấm dại phát triển mạnh mẽ cũng là lúc xuất hiện nhiều bệnh nhân ngộ độc nấm do thói quen hái nấm hoang dại về ăn.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm tại Trung tâm Chống độc.

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, cuối tháng 3 - đầu tháng 4 là khoảng thời gian có nhiều bệnh nhân ngộ độc nấm nhập viện. So với trước đây, tình trạng ngộ độc đã giảm nhiều nhưng một số vùng (như ở Hà Giang) từ lâu không xuất hiện bệnh nhân ngộ độc nấm thì nay đã xuất hiện trở lại điển hình là vụ ngộ độc nấm chứa độc tố amatoxin khiến 3 người trong 1 gia đình tử vong vừa qua.

Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu biết về ngộ độc nấm, các loại nấm độc... rất quan trọng nhằm giúp giảm thiểu số vụ ngộ độc.

Nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa).

Loại nấm độc gây ngộ độc nặng ở 5 bệnh nhân ở Võ Nhai, Thái Nguyên trước đây.

TS. Dũng cho biết, theo đề tài nghiên cứu của Học viện Quân y từ năm 2004-2007 ở Hà Giang xảy ra 33 vụ ngộ độc nấm khiến 165 người ngộ độc, 24 người tử vong. Kể từ đó, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không ăn nấm hoang dại nên các vụ ngộ độc nấm giảm hẳn và không có ca nào tử vong. Trường hợp gia đình bệnh nhân Sùng Diu Hồng là trường hợp đầu tiên ngộ độc nấm sau nhiều năm không có ca bệnh.

Tại Cao Bằng, nghiên cứu từ năm 2003-2009 xảy ra 29 vụ ngộ độc khiến 81 người ngộ độc, 17 người chết. Nghiên cứu cũng chỉ ra, cùng là một loại nấm chứa độc tố amatoxin nhưng nấm ở Hà Giang có kích thước to hơn nấm ở Cao Bằng, do đó cần chú ý nhận diện nấm độc.

Tại Bắc Kạn, các vụ ngộ độc nấm ghi nhận từ năm 2004-2011 có 28 vụ khiến 94 người ngộ độc và 14 người tử vong.

Nấm nhìn "bắt mắt" dễ chứa độc

BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, đa số các loại nấm độc có màu sắc bắt mắt, ăn thấy ngon, có vị ngọt... bằng mắt thường không thể phân biệt được nấm chứa độc tố hay không. Thậm chí, ngay cả người am hiểu về nấm cũng có thể bị nhầm nấm độc với nấm lành.

Các bác sĩ cho biết, nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau. Và trong đám nấm lành cũng có nấm độc, không phải nấm trắng là nấm không độc. Có những loại nấm độc nhất (nấm độc tán trắng – Amanita verna, nấm độc trắng hình nón – Amanita virosa) cũng có màu trắng muốt và nấu ăn cũng ngọt “không cần mì chính” nhưng lại là loài nấm chính gây độc ở nước ta.

Nấm độc dễ bị nhầm lẫn với nấm lành như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để tránh bị ngộ độc và nếu chẳng may ăn phải nấm chứa độc thì làm cách nào hạn chế nguy hiểm cho sức khoẻ. Theo khuyến cáo của BS. Nguyên, cách tốt nhất là người dân chỉ nên ăn nấm nuôi trồng, tuyệt đối không nên hái nấm mọc hoang dại về nấu ăn.

"Với nấm chứa độc tố amatoxin thì chỉ cần người dân ăn một cái nấm là đã bị ngộ độc. Tỷ lệ tử vong của các trường hợp ăn phải loại nấm này lên đến 50% với các tổn thương chính là ở đường hô hấp, tiêu hoá, sau đó đến gan dẫn đến suy gan, bệnh nhân dễ tử vong. Độc tố amatoxin cũng rất bền vững trong nhiệt độ nên dù đun nấu cách nào cũng không loại trừ được độc tố"- BS. Nguyên cho hay.

Làm gì khi biết ăn phải nấm độc?

TS. Dũng khuyến cáo, nếu phát hiện ra ăn phải nấm độc, người dân cần gây nôn ngay lập tức bằng cách uống nhiều nước, sau đó dùng bàn chải răng đánh sâu vào lưỡi để gây nôn. Tiếp tục đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời.

Việc vận chuyển cấp cứu bệnh nhân đến bệnh viện huyện với các bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng sớm. Còn các bệnh nhân ngộ độc nấm triêụ chứng muộn (sau 6 giờ) cần được chuyển đến bệnh viện tỉnh hoặc khu vực nơi có khả năng lọc máu.

Nguồn SKĐS

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh