Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
An toàn trường học-trách nhiệm không của riêng ai
Thứ tư: 00:32 ngày 28/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trường học luôn được xem là nơi an toàn nhất cho học sinh. Thế nhưng thời gian gần đây, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của học sinh. Bảo đảm an toàn trường học là trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người- trong đó hiệu trưởng nhà trường phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp.

Ðoàn viên, thanh niên ngành Y tế hướng dẫn học sinh một trường tiểu học ở huyện Tân Châu rửa tay an toàn. Ảnh: Công Ðiều

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

An toàn trường học là an toàn cả trong và ngoài trường, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khách quan lẫn chủ quan. Từ trước đến nay, ngành Giáo dục luôn coi trọng vấn đề an toàn cho giáo viên và học sinh, bởi không thể dạy học tốt, không thể nói đến chất lượng giáo dục, chất lượng văn hoá; không thể có trường học hạnh phúc khi tiềm ẩn và xảy ra các vụ, việc đe doạ, cướp đi sức khoẻ và sinh mạng của giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn trường học thời gian gần đây diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Bạo lực học đường giữa giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh… khiến cho người ta đau lòng, lo lắng.

Kết quả một cuộc điều tra cho thấy, có 5 vụ bạo lực học đường trong một ngày, 1.600 vụ đánh nhau trong một năm, cứ 11.000 học sinh có 1 em bị đình chỉ học tập vì đánh nhau. Tổ chức UNESCO cảnh báo Việt Nam là một trong 10 quốc gia có bạo lực học đường cao, trong đó 73% bị bạo lực tinh thần như mắng chửi, đe doạ, bắt nạt, sỉ nhục; 41% bị bạo lực về thể chất như xô đẩy, tát, đá, kéo tay, bạt tai, đánh đập… Tình trạng đánh bạn dã man như côn đồ không còn là chuyện hiếm.

Bên cạnh đó, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở trường học như vụ cánh cổng Trường tiểu học Khánh Yên Thượng, Văn Bàn, Lào Cai đổ sập khiến 3 em tử vong; một học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nam Lộc, Nam Ðàn, Nghệ An bị bức tường nhà dân đổ sập, tử vong trong giờ ra chơi; hay trường hợp chiếc quạt trần trong phòng học lớp 2B, Trường tiểu học Kim Ðồng, thành phố Lào Cai rơi xuống mặt bàn, văng trúng trán một em học sinh gây thương tích…

Rồi các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường học, những vụ học sinh bị xâm hại tình dục... thật sự là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn trường học, kỷ cương của ngành Giáo dục cần được nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, mang lại sự an toàn cho giáo viên và học sinh.

An toàn cho cả thầy lẫn trò

Trường học có an toàn mới có thể thực hiện việc giáo dục và dạy học. Cần ngăn chặn những hành vi xâm hại đến danh dự,  nhân phẩm, sức khoẻ, tính mạng của giáo viên. Quyền lợi về vật chất và tinh thần của giáo viên cần được bảo vệ và chăm lo để họ chuyên tâm với công việc, ra sức học tập, nghiên cứu và sáng tạo để dạy tốt với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”…

Ðối tượng quan trọng, chủ yếu cần quan tâm của an toàn trường học là học sinh. Trong hoạt động giáo dục, về mặt nguyên tắc, chỉ khi nào đứa trẻ cảm thấy an toàn mới an tâm học tập, mới phát huy hết tiềm năng, khả năng sáng tạo của mình.

Cũng từ đó, tác động của giáo dục mới tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện và bền vững theo đúng mục tiêu mong muốn. Ðể bảo đảm an toàn cho học sinh- trước hết là an toàn về hệ thống cơ sở vật chất bao gồm phòng học (cửa ra vào, cửa sổ, hành lang đi lại, cầu thang, lan can…), sân chơi, bãi tập, hệ thống cây xanh, hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy, cổng trường, bờ rào…

Thứ đến là an toàn trong các hoạt động dạy học. Ðây là hoạt động chính của nhà trường với hai đối tượng chính là giáo viên và học  sinh bao gồm quan hệ thầy - trò, trò - trò tạo nên hoạt động dạy học. Phải xây dựng mối quan hệ thầy trò trên tinh thần thân ái, bình đẳng, thầy yêu thương, tôn trọng trò, trò yêu kính thầy…

Mọi lời nói, cử chỉ, hành động của giáo viên đều tác động đến nhận thức, tâm hồn của các em. Chính vì thế trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lý do nào, giáo viên không được xúc phạm thân thể, nhân phẩm của các em.

Trò phải luôn lắng nghe, kính trọng và đối thoại với thầy khi cần thiết. Phải xây dựng mối quan hệ trên tinh thần đoàn kết, thân ái, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa trò và trò, cả trong và ngoài nhà trường.

Bên cạnh đó là bảo đảm an toàn trong hoạt động tập thể, vui chơi, giải trí, bởi đây là một hoạt động không thể thiếu trong nhà trường. Hoạt động này có thể do nhà trường tổ chức như chào cờ, thể dục thể thao, văn nghệ, cắm trại, các cuộc thi, các cuộc giao lưu giữa các khối, lớp…; cũng có thể là hoạt động tự phát diễn ra ngoài nhà trường như tham quan, dã ngoại du lịch… Ðây là những hoạt động dễ gây mất an toàn bởi các em đang ở lứa tuổi hiếu động, mọi sự cố đáng tiếc đều có thể xảy ra.

Và cuối cùng là an toàn về tâm sinh lý học sinh. Trường học an toàn là ngôi trường luôn tạo cho học sinh cảm giác an toàn để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Các em phải cảm nhận mình được bảo vệ, tôn trọng, được học tập, vui chơi trong những điều kiện an toàn nhất.

Học sinh an toàn thì phụ huynh cũng cảm nhận được cảm giác an toàn khiến họ tin tưởng, đồng hành và ủng hộ mọi hoạt động của trường. Do đó, cần chú ý đến việc xây dựng phòng y tế, các quy chuẩn về vệ sinh học đường, các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà bếp, nước uống, phòng tư vấn tâm lý học đường…

Học sinh tiểu học ở thị xã Trảng Bàng (ảnh Ð.V.T)

Trách nhiệm không của riêng ai

Xây dựng trường học an toàn, trang bị cho học sinh những kỹ năng bảo đảm an toàn cho bản thân là nhiệm vụ quan trọng, cần sự vào cuộc, sự phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể… từ Trung ương đến các địa phương nơi có trường học; giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

Các bộ, ngành có liên quan như Xây dựng, Y tế, Công thương, Công an… cần có các văn bản hướng dẫn ngành Giáo dục thực hiện các quy định về tiêu chuẩn xây dựng trường, lớp, bảo vệ sức khoẻ của giáo viên, học sinh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm an toàn giao thông…

Bộ GD&ÐT cần có văn bản hướng dẫn các địa phương, các trường trong việc bảo đảm an toàn trường học. Cần tiếp tục quan tâm và đưa các phong trào xây dựng Trường học an toàn, Trường học thân thiện, học sinh tích cực, Trường học hạnh phúc… đi vào thực chất.

Ðể có trường học an toàn, vai trò quan trọng và có tính quyết định là cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của từng trường. Hiệu trưởng là người được Nhà nước uỷ quyền và giao trách nhiệm quản lý, điều hành phải chịu trách nhiệm chính về sự an toàn của giáo viên và học sinh của trường mình. Hiệu trưởng cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ, không lơ là, chủ quan, xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn trường học, thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra… để kịp thời phát hiện, xử lý những nguy cơ có thể gây mất an toàn.

Theo kinh nghiệm của nhiều trường, ngay từ đầu năm học, Hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu, Công đoàn, Ðoàn Thanh niên thành lập Ban An toàn trường học. Kiểm tra, đánh giá các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị...

Quan tâm đến hoạt động dạy học, xây dựng tốt mối quan hệ giữa Ban giám hiệu - Công đoàn - Ðoàn, Ðội, không gây áp lực và bảo đảm quyền lợi vật chất và tinh thần của giáo viên, chú trọng xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên - giáo viên; giáo viên - học sinh; học sinh - học sinh; nhà trường, giáo viên - phụ huynh và các tổ chức đoàn thể ở địa phương nơi trường đóng.

Có kế hoạch chuẩn bị tốt các hoạt động vui chơi, giải trí; phối hợp với phụ huynh, các cơ quan hữu quan khi tổ chức cho học sinh tham quan, dã ngoại, du lịch…; phối hợp với địa phương để giải toả tình trạng bán hàng rong, tụ tập gây mất trật tự trước cổng trường; cần có quy định về việc phụ huynh đưa đón học sinh, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng - chống dịch bệnh, xử lý các vụ bạo lực học đường xảy ra ngoài trường…

Quán triệt với toàn thể giáo viên làm tròn trách nhiệm của mình, xây dựng mối quan hệ thân thiện, bình đẳng, tôn trọng và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi bạo lực đối với học sinh. Phối hợp với phụ huynh nhắc nhở con em tuân thủ Luật khi tham gia giao thông; nhắc nhở học sinh hoà đồng, không gây mất đoàn kết với bạn bè, không kết giao với bạn bè xấu, không đi với người lạ, không bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.

D.M

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh