Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ấn tượng sâu đậm của trí thức Việt Nam khi lần đầu gặp cụ Hồ
Thứ sáu: 16:37 ngày 15/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Lần đầu gặp Hồ Chủ tịch, Hoàng Xuân Hãn đã có ấn tượng đẹp về một nhà cách mạng thâm niên gầy ốm, nhưng tinh thần tinh anh, thâm trầm, cử chỉ ôn tồn, gãy gọn và kiên quyết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao của dân tộc, nhưng ở Người, luôn toát lên sự giản dị, lịch thiệp cùng trí tuệ mẫn tiệp khiến cho những ai lần đầu tiên gặp gỡ đều có ấn tượng đẹp và mãi không quên. Trong đó, ký ức của các nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn, Vũ Đình Hòe hay Trần Huy Liệu, Tố Hữu có thể cho ta những cảm nhận chung ấy.

‘Trông hiền lành, phúc hậu quá’

Lời trên, là cảm nhận của Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam tại An toàn khu Tân Trào dạo kháng chiến chống Pháp. Trong dịp cùng Vũ Đình Hòe ôn lại kỷ niệm lần đầu tiên gặp lãnh tụ, Lê Giản bồi hồi nhớ lúc gặp Người tháng 3/1945.

Dịp ấy, Lê Giản được Trung ương giao nhiệm vụ lên Cao Bằng đón Bác về Tân Trào. Khi gặp được Người, ông còn nhớ hình ảnh rất đỗi thân thương dù lần đầu tiên được thấy Bác bằng xương bằng thịt:

“Bác mặc một bộ đồ màu chàm trông như một ông già người Nùng, trông hiền lành, phúc hậu quá. Tuy đã được mấy đồng chí sống gần Bác tả diện mạo, phong thái Bác, tôi vẫn không thể nào ngờ cụ già đó lại chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, một lãnh tụ nổi tiếng mà từ khi Người còn ở nước ngoài chúng tôi đã nghe nói, bàn nhau và mường tượng hình ảnh của Người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo ở Việt Bắc. Ảnh tư liệu.

Không chỉ gây ấn tượng về sự giản dị, gần gũi, sau thời gian được ở bên cạnh vị lãnh tụ của dân tộc, Lê Giản đã học được nhiều điều mới mẻ như về tinh thần cảnh giác, giữ gìn bí mật cũng như tài hóa trang của Người.

‘Những lời nói giản dị, rõ ràng với cách nói chậm rãi’

Đối với Trần Huy Liệu, trong Hồi ký Trần Huy Liệu ông cho hay lần đầu tiên được gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ngoài đời là dạo tham gia Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Trước đó, Trần Huy Liệu chỉ biết Bác qua tấm ảnh được người bạn tặng năm 1926 mà ông cảm nhận là “thấy Người thanh tú quá với cái tên đáng yêu quá”.

Khi Quốc dân đại hội khai mạc chiều 16/8/1945 và sáng ngày 17 cụ Hồ không có mặt. Lúc sắp bầu Ủy ban dân tộc giải phóng thì Người đến thăm. Và đây là hình ảnh đầy xúc động, giản dị đến chân thực của vị lãnh tụ khi ông được thấy:

“Một người xắn quần, đội mũ nồi, tay chống gậy”… “Người không còn là một thanh niên thanh tú như trong ảnh nữa mà là một ông già gầy ốm, da xanh nhợt nhạt, má hơi hóp vào; tuy vậy vầng trán cao và đôi mắt sáng vẫn nổi bật lên”.

Bác Hồ nói chuyện với đại biểu tại Quốc dân Đại hội Tân Trào. Ảnh: Báo Tuyên Quang Online.

Chân dung của Bác lúc ấy qua miêu tả của vị Phó Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng thật chân thực. Bởi lúc ấy, Bác mới qua cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh”, dẫu gầy yếu nhưng ấn tượng về vầng trán cao, đôi mắt sáng thì không lẫn vào đâu được. Vẫn lời ông Trần Huy Liệu, cảm nhận được sự gần gũi của cụ Hồ khi Người nói về tình hình thế giới và đất nước với “Những lời nói giản dị, rõ ràng với cách nói chậm rãi”.

‘Đôi mắt sáng long lanh như gương’

Nhà báo Vũ Đình Hòe, trước Cách mạng tháng Tám là một trong những tay viết chủ chốt của báo Thanh Nghị. Trong tác phẩm Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, ông còn nhớ như in lần diện kiến thật gần với lãnh tụ khi tham gia Chính phủ lâm thời với tư cách Bộ trưởng Bộ Giáo dục và dự buổi họp nơi Bắc Bộ phủ cuối tháng 8/1945. Lúc Hồ Chủ tịch bước vào phòng, ông thấy:

“Một ông già thon thon, quần áo kaki màu vàng nhạt, cổ áo cài khuy, chân bọc trong đôi giày vải đen, êm. Mặt gầy, trán cao, râu đen, dài, thưa, điểm vài sợi bạc, đôi mắt sáng long lanh như gương: “Nguyễn Ái Quốc đấy!, tôi nghĩ thầm. Mừng, điểm chút ngạc nhiên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp chính thức đầu tiên ngày 3/9/1945. Ảnh tư liệu.

“Người đang bước tới. Chúng tôi đứng bật cả dậy, kính cẩn. Người thoăn thoắt, ung dung, dang cánh tay, mời tất cả ngồi xuống”, vẫn lời ông Vũ Đình Hòe. Sau đó, cuộc họp được bắt đầu trong không khí cởi mở để bàn thảo về Tuyên ngôn độc lập, về ngày ra mắt quốc dân đồng bào.

‘Ô tô của cơ quan, chứ không phải của các quan đâu đấy’

Cho đến khi lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công ở Huế, nhà thơ Tố Hữu vẫn chưa gặp Bác Hồ. Trong hồi ký Nhớ lại một thời, ông cho hay đến tháng 10/1945, được Trung ương gọi ra Hà Nội.

Ấn tượng về lần đầu tiên được gặp lãnh tụ như vẫn vẹn nguyên trong ký ức nhà thơ. Hôm ấy đến Bắc Bộ phủ, Tố Hữu hồi hộp “chưa biết gặp Cụ sẽ thế nào”. Và nhà thơ tiếp: “Đến cửa phòng nhìn vào, thấy một ông chưa già lắm, trán cao, mái tóc muối tiêu, có chòm râu thưa, đang ngồi ở bàn, đọc gì đấy”.

Ký họa chân dung Hồ Chủ tịch trên báo Cờ giải phóng số 16, 12 tháng 9 năm 1945. Ảnh tư liệu.

Sau lời giới thiệu của Vũ Đình Huỳnh, Người đã thân mật nói chuyện với nhà thơ. Trong buổi ấy, Tố Hữu đã học được bài học cách mạng khi lãnh tụ hỏi: “Chú ra bằng gì?”. Nhà thơ đáp: “Dạ, bằng ô tô”. “Ô tô của ai?”, Bác hỏi. “Dạ thưa, ô tô của mình…”. “Của mình, là của ai?”. “Dạ của cơ quan ạ”.

Nhận được câu trả lời của Tố Hữu, Người cười và nói: “Nhớ nhé, ô tô của cơ quan, chứ không phải của các quan đâu đấy!”. Bác vừa dạy, vừa chơi chữ vì Người hiểu hiện trạng nguy hiểm khi có quyền trong tay, cán bộ dễ lên mặt quan, dễ trở nên hư hỏng nếu không biết giữ mình.

Sau đó, Người hỏi thăm tình hình dân tình, chính quyền ở Huế và Tố Hữu báo cáo lại cho vị Chủ tịch nghe. Lần gặp đầu tiên ấy, ghi dấu mãi không phai trong ký ức nhà thơ của “Sáng tháng Năm”.

'Tinh thần tinh anh, thâm trầm và cử chỉ ôn tồn'

Từng có mặt trong Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn vẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng khi lập chính quyền mới sau Cách mạng tháng Tám. Khi gặp Người lần đầu tiên cuối năm 1945, Hoàng Xuân Hãn trong tác phẩm Một vài ký vãng về hội nghị Đà Lạt có kể lại.

Theo đó, lúc gặp Hồ Chủ tịch, Người tiếp nhà trí thức quê Hà Tĩnh hơn một giờ, cùng nhau bàn về chính quyền, về trí thức, về sự hợp tác giữa các đảng phái, cá nhân… Nhận thấy sự chân thành nơi lãnh tụ, ông Hãn được dịp bày tỏ hết lòng mình và sau khi giã biệt, tác giả của Danh từ khoa học nhớ cảm xúc của mình khi ấy:

“Tôi đứng dậy, từ giã, xuống lầu, cảm động vì đã có dịp tỏ nhiều lời tâm huyết, vì thấy vận mệnh của dân nước đè trên vai một vị cách mệnh thâm niên gầy ốm, nhưng tinh thần tinh anh, mặc tĩnh, thâm trầm và cử chỉ ôn tồn, gãy gọn và kiên quyết”.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng các thành viên Chính phủ lâm thời. Ảnh tư liệu.

Sau lần gặp ấy, thấy được lời nói và hành động thực tâm vì nước vì dân của Chính phủ Hồ Chí Minh, vẫn chính lời Hoàng Xuân Hãn, ông đã tham gia đoàn đàm phán với đại diện Pháp ở Đà Lạt.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục