Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Anh lao đao, Đức - Nhật tụt lùi: Tượng đài suy yếu, kinh tế thế giới sẽ ra sao?
Thứ hai: 09:57 ngày 19/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong khi châu Âu thêm già cỗi, còn Trung Quốc chậm lại, thì Mỹ vẫn khá vững vàng và Nam Á, Đông Nam Á nổi lên mạnh mẽ. Cơ hội phát triển kinh tế ở các khu vực này thêm nhiều hơn.

Bờ vực suy thoái

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), nền kinh tế xứ sở sương mù đã chính thức rơi vào suy thoái sau khi giảm hai quý liên tiếp trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, GDP của nước Anh trong quý IV/2023 giảm 0,3% so với quý trước đó. Trong quý III, mức giảm là 0,1%.

Cả 3 lĩnh vực chính là dịch vụ, sản xuất và xây dựng đều đi xuống.

Nền kinh tế hàng đầu ở châu Âu này rơi vào suy thoái sau khi đã đình trệ kéo dài trong vòng hai năm.

Nước Anh thực sự trải qua một giai đoạn khó khăn hiếm có. Trong năm 2022, lạm phát tại Anh lên tới hai con số, cao nhất trong hơn 4 thập kỷ. Giá năng lượng và lương thực tăng chóng mặt khiến đời sống người dân khó khăn.

Cuối năm 2022, một loạt quỹ hưu trí tại Anh bên bờ vực sụp đổ sau cú lao dốc của trái phiếu Chính phủ. Cuộc khủng hoảng đã buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải can thiệp để xoa dịu thị trường và ngăn thảm họa xảy ra với các quỹ hưu trí có đòn bẩy cao.

Ngay gần nước Anh, nước Đức cũng có nguy cơ rơi vào “khủng hoảng vĩnh viễn”. Đức ở trên bờ vực suy thoái khi các cuộc khủng hoảng trong ngành sản xuất và bất động sản nhấn chìm nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Nền kinh tế Đức đã giảm 0,3% trong quý cuối cùng của năm 2023. Lãi suất cao của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tạo gánh nặng cho nền kinh tế. 

Đức rơi vào giai đoạn khó khăn chưa từng có khi ngành công nghiệp bị cắt nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, còn sức cầu tiêu dùng từ thị trường tỷ dân Trung Quốc suy yếu trong 2 năm qua. Nền công nghiệp Đức, trong đó có ngành sản xuất ô tô, đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung phụ tùng do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị khu vực.

Giống như nhiều nước, thị trường bất động sản của Đức cũng khủng hoảng, hàng loạt dự án bị hủy bỏ, ngành xây dựng lao đao.

Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn vài năm gần đây.

Với Nhật Bản, tình trạng có thể bi đát hơn khi đồng Yen lao dốc, xuống mức thấp nhất hàng chục năm so với đồng USD của Mỹ. Theo Japan Times, tới cuối 2023, Nhật đánh mất vị trí nền kinh tế số ba thế giới vào tay nước Đức, kể cả khi nền kinh tế số 1 châu Âu rơi vào khủng hoảng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế Nhật đã giảm hơn 2.000 tỷ USD trong hơn thập kỷ qua, xuống chỉ còn 4.200 tỷ USD vào năm 2023. Lý do là bởi dân số quốc gia này ngày càng già đi và biến động lớn về tiền tệ.

Trung Quốc gặp khó, đâu là sức mạnh kinh tế thế giới sắp tới?

Có một thực tế, kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều khó khăn không chỉ do đại dịch, căng thẳng địa chính trị hay xung đột quyền lực, mà còn đến từ sức cầu yếu của Trung Quốc.

Trong vài năm qua, nền kinh tế số 2 thế giới - Trung Quốc - rơi vào tình trạng xấu. Trung Quốc chứng kiến cuộc khủng hoảng bất động sản lan sang lĩnh vực tài chính. Cuối tháng 1/2024, đại gia bất động sản Evergrande chính thức được chỉ định giải thể, thanh lý tài sản. Đây là cái kết với đế chế địa ốc khổng lồ Trung Quốc.

Cú sụp đổ của Evergrande có thể phá vỡ giấc mơ làm giàu của nhiều người Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng tới niềm tin đầu tư, tiêu dùng. Nó có thể kéo kinh tế Trung Quốc xuống sâu hơn. 

Trong lịch sử, Nhật cần tới một thập kỷ để vực dậy nền kinh tế sau những cú sốc lớn. Ở Trung Quốc, sự hồi phục có thể nhanh hơn nhờ nỗ lực chính trị. Tuy nhiên, có thể cũng kéo rất dài.

Trên Reuters, Andrew Collier, Giám đốc công ty nghiên cứu Orient Capital Research, cho rằng, việc để Evergrande phá sản là tín hiệu Trung Quốc sẵn sàng làm đến cùng để chấm dứt bong bóng bất động sản. Điều này có thể tác động tích cực với nền kinh tế trong dài hạn, nhưng sẽ gây ra khó khăn trong ngắn hạn.

Năm 2023, dòng vốn ròng chảy ra khỏi  Trung Quốc cao kỷ lục. Tình trạng yếu kém của kinh tế nội địa trong năm 2023 cho thấy Trung Quốc đang mất đi khả năng thu hút và giữ vốn toàn cầu.

Trung Quốc cũng thêm nỗi lo khi dân số giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống còn 1,409 tỷ người vào năm ngoái.

Những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn tới kinh tế thế giới.

Việc Trung Quốc hồi phục chậm được đánh giá sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, giới đầu tư đang đặt niềm tin vào hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Ấn Độ.

Thực tế là, dù lãi suất được duy trì ở mức cao nhất trong 22 năm qua, ở mức 5,25-5,5%/năm, nhưng các doanh nghiệp Mỹ vẫn sống khá tốt. Độ trễ và kỳ hạn vay dài giúp doanh nghiệp Mỹ bớt sốc. Nền kinh tế Mỹ liên tục công bố những số liệu tích cực một cách bất ngờ.

Trái với dự báo, kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt kỳ vọng và thoát suy thoái ngoạn mục. Theo Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nước này tăng 3,3% trong quý IV/2023, vượt dự báo của Phố Wall là 2%. Trước đó, hầu hết các nhà kinh tế gần như chắc chắn rằng Mỹ ít nhất sẽ bước vào một cuộc suy thoái nhẹ.

Sức cầu tiêu dùng và thị trường lao động Mỹ đã mạnh mẽ trong suốt cả năm 2023, qua đó thúc đẩy nền kinh tế số 1 thế giới đi lên.

Một điểm sáng khác là Ấn Độ. Trong khi nhiều cường quốc kinh tế chật vật, Ấn Độ vẫn đứng vững và phát triển nhanh chóng, GDP tăng 6,5% năm 2023.

Với GDP đạt 3.750 tỷ USD, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. 

Theo Japan Times, nền kinh tế Ấn Độ sẵn sàng vượt qua hai nền kinh tế Đức và Nhật trong vài năm tới.

Còn theo S&P Global, khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, động lực tăng trưởng chính ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ chuyển sang khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển trong 3 năm tới, dẫn đầu tăng trưởng trong khu vực. Trong năm 2023, Ấn Độ cũng vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới -một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia này.

Có thể thấy, trong khi châu Âu thêm già cỗi, còn Trung Quốc chậm lại, thì Mỹ vẫn khá vững vàng và Nam Á, Đông Nam Á nổi lên mạnh mẽ. Cơ hội phát triển kinh tế ở các khu vực này thêm nhiều hơn.

Việc mở rộng và nâng cấp quan hệ với các đối tác như Mỹ và Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam có thêm có hội tăng trưởng. Dù vậy, kinh tế thế giới trong năm 2024 còn đối mặt nhiều rủi ro, trong đó có ảnh hưởng từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cùng với căng thẳng chính trị ở Trung Đông và cuộc xung đột Ukraine.

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục