Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Áo dài- Nét duyên của phụ nữ Việt
Thứ bảy: 00:14 ngày 07/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trang phục áo dài đang ngày càng đi vào cuộc sống, không còn là trang phục dùng trong các dịp lễ quan trọng. Hằng ngày, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều phụ nữ tự tin mặc chiếc áo dài. Đó là các cô giáo, là nữ sinh trung học, nữ nhân viên công sở; chính khách…

Thiếu nữ Tây Ninh duyên dáng trong trang phục áo dài. Ảnh: Trường Nhất

Hưởng ứng Tuần lễ áo dài (từ ngày 2 đến ngày 8.3) do Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã vận động hội viên, quần chúng phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham gia, mặc trang phục áo dài khi đi làm, họp mặt, công tác xã hội, sinh hoạt CLB, tổ chức hội thi duyên dáng áo dài, đi chợ, siêu thị… nhằm quảng bá nét đẹp áo dài. Và rất nhiều phụ nữ chúng tôi gặp hôm nay đều tự hào nói rằng: “Ngày nay, chiếc áo dài đã được nâng cao giá trị truyền thống, tôn vinh vẻ duyên dáng vốn có của người phụ nữ Việt Nam”.

Trang phục áo dài đang ngày càng đi vào cuộc sống, không còn là trang phục dùng trong các dịp lễ quan trọng. Hằng ngày, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều phụ nữ tự tin mặc chiếc áo dài. Đó là các cô giáo, là nữ sinh trung học, nữ nhân viên công sở; chính khách… Nhiều chị vui vẻ nói rằng: “Áo dài không quá kén người, kén tuổi tác như các loại đầm váy hay quần áo thời trang khác”.

Chị Võ Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hoà Thành: “Hưởng ứng Tuần lễ áo dài, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị có liên quan vận động nữ cán bộ, viên chức, hội viên, phụ nữ mặc áo dài xuyên suốt tuần lễ. Phụ nữ được vận động mặc áo dài trong giờ làm việc, tham gia các dịp lễ, hội nghị, sinh hoạt định kỳ… và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Qua đó góp phần tôn vinh nét đẹp văn hoá của dân tộc”.

Áo dài Việt Nam có một sức hút đặc biệt với nhiều người, kể cả người ngoại quốc. Chị Bích Thảo (ngụ phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) chia sẻ, trong lần cùng cô bạn đi du lịch tại Huế, chị chọn bộ áo dài để diện khi tham quan Hoàng thành. Một người ngoại quốc đã thốt lên với chị bằng tiếng Việt: “Bạn thật đẹp!”. Lúc ấy, chị Bích Thảo cảm thấy thật tự hào.

Bao năm qua, nhiều thế hệ phụ nữ Việt đã và đang duy trì nét đẹp truyền thống này. Là thợ may áo dài, chị Nguyễn Thị Bích (khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu) có tình cảm đặc biệt với chiếc áo dài.

Chị nói: “Tôi làm nghề may đến nay gần 30 năm. Trước đây, tôi may đủ loại đồ kiểu, bà ba, sườn xám... Nhưng sau này, tôi chỉ chuyên may áo dài vì quá yêu thích chúng”. Chị Bích là thợ may áo dài khéo tay được nhiều chị em tin tưởng. Chị cho biết thêm: “Khách hàng của tôi gồm nhân viên công sở, giáo viên và những người yêu thích áo dài. Mỗi ngày, tôi may ít nhất hai bộ áo dài cho khách. Có những lúc phải từ chối vì không thể nhận may xuể”.

Chị Bích luôn muốn tự tay mình đo, may áo dài cho khách nên chị không thuê người may phụ. Có nhiều lúc vào đợt cao điểm, chị Bích phải may suốt từ sáng cho đến gần khuya để kịp giao đồ. Nhưng với chị đó là niềm vui. Chị tâm sự: “May áo dài có thể nói khâu nào cũng cần sự tỉ mỉ. Chỉ một chút không cẩn thận là áo không đẹp nên tôi luôn tập trung mỗi khi may, nhất là đi một đường viền hay tạo kiểu.

Đổi lại, niềm vui chính là những bức hình đẹp, thái độ hài lòng của khách dành cho”. Theo chị Bích, những năm gần đây, áo dài được nhiều chị em chọn may. Có người may một lần nhiều bộ và chị có những mối quen đặt may áo dài mỗi năm vài bộ. Với chị Bích, áo dài luôn là trang phục mang lại vẻ đẹp cho người phụ nữ, nó là truyền thống, sự tinh tế.

Cán bộ Hội LHPN huyện Dương Minh Châu.

Quả thật, áo dài trở thành trang phục được nhiều phụ nữ mọi lứa tuổi ưu tiên lựa chọn. Chị Phạm Thị Diễm An (ở ấp Gò Đá, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên), một người thường xuyên mặc áo dài khi đi làm cho biết: “Hiện nay, vải may áo dài thoáng mát, nhẹ nhàng, kiểu dáng cũng phong phú phù hợp với sở thích mỗi người. Quan trọng, áo dài bắt kịp xu hướng và không lỗi thời. Các bạn trẻ có thể chọn áo dài kiểu truyền thống hoặc cách tân để phù hợp với tính cách, sở thích nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng vốn có của người phụ nữ”.

Tại xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu), chị Mã Thị Kim Tiền, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, dịp này, Hội LHPN xã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội thi “Nét đẹp áo dài Việt Nam” trên trang fanpage Bến Củi Quê Hương. “Cuộc thi đã thu hút được 48 thí sinh tham gia dự thi. Qua đó, góp phần quảng bá, lưu giữ nét đẹp của chiếc áo dài Việt Nam”.

Khi đi làm, biểu diễn văn nghệ hay chụp ảnh nghệ thuật, chị Diễm An đều ưu tiên chọn trang phục áo dài. Chị nói: “Tôi tự tin mỗi khi khoác lên mình bộ áo dài, nét đẹp văn hoá của dân tộc. Mặc áo dài kín đáo nhưng vẫn tôn lên vẻ đẹp cơ thể và nét duyên của người phụ nữ. Tôi luôn ưu tiên chọn áo dài cho các sự kiện mình tham gia”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bé Hai (ấp Long Hoà, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu), một nữ nhân viên công sở sắm cho mình nhiều bộ áo dài. Chị cho biết, bản thân rất thích mặc áo dài trong dịp lễ tết, hội họp hay dự tiệc cưới bạn bè. Theo chị Bé Hai, mặc áo dài sẽ là một trong những hành động chung tay gìn giữ và lưu truyền một nét đẹp văn hoá của dân tộc, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh chiếc áo dài ra thế giới. Việc lưu truyền và phát huy giá trị chiếc áo dài là nhiệm vụ của mỗi người, nhất là các bạn trẻ.

Chị Bích có niềm yêu thích đặc biệt với áo dài.

Chị Lê Thị Hồng Đào (ngụ ấp Tân Định, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) là người làm nông nhưng chị rất thích mặc áo dài. Ở vào tuổi 50, chị Đào vẫn giữ vóc dáng khá đẹp để tự tin mặc những bộ áo dài mỗi dịp tết đến hay dự tiệc. Chị nói: “Mỗi năm, tôi có thể may vài bộ áo dài để mặc khi có đám tiệc, lễ lạt. Bạn bè tôi nhiều người rất thích áo dài. Có dịp, chị em thường rủ nhau mặc áo dài, vừa đẹp lại vừa vui”.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục