Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ấp Cây Nính là trung tâm xã Phước Trạch (huyện Gò Dầu), có diện tích tự nhiên 286 ha. Ðịa bàn ấp có quốc lộ 22B đi ngang qua một đoạn dài hơn cây số. Phía Tây của ấp là một đoạn bờ sông Vàm Cỏ Ðông dài chừng 1km. Ấp có 612 hộ dân, với 2.669 nhân khẩu, chia làm 16 tổ dân cư tự quản.
Đường số 3 ấp Cây Nính được bê tông hoá và trồng hoa kiểng hai bên đường.
Trước kia, đa số người dân trong ấp sống bằng nghề nông, một số ít buôn bán nhỏ. Những năm gần đây, nhờ số đông lao động trẻ của ấp đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp, đời sống của các hộ dân được nâng cao. Từ khi thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo của ấp Cây Nính đã thay đổi một cách nhanh chóng. Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tập thể Ban Phát triển nông thôn mới ấp Cây Nính được UBND huyện Gò Dầu khen thưởng.
Trưởng ấp Cây Nính Nguyễn Văn Thanh đưa chúng tôi dạo quanh ấp trên những con đường sạch đẹp. Ðường trục chính do Nhà nước đầu tư láng nhựa, đường ngõ xóm thì người dân đóng góp bê tông xi măng. Mỗi con đường đều có cắm biển tên và ban, ngành, đơn vị có trách nhiệm chăm sóc, bảo quản. Nhiều đoạn được trồng hoa kiểng xanh, sạch đẹp. Ðang xem thợ xây nhà mới cho người con ra riêng, ông Bùi Văn Xấn (60 tuổi), nhà ở tổ dân cư tự quản số 8 vui vẻ cho biết, ông sinh ra và lớn lên trên địa bàn ấp và sống bằng nghề nông. Trước đây, chỉ trừ những hộ dân sống cặp quốc lộ 22B đi lại thuận lợi, còn lại ở bên trong ấp- đường sá lầy lội, đi lại hết sức khó khăn. Nhiều hộ vứt rác bừa bãi ra hai bên đường, chăn nuôi heo không bảo đảm vệ sinh làm ảnh hưởng môi trường. Những năm gần đây, đời sống người dân và bộ mặt nông thôn của ấp thay đổi hoàn toàn. Qua tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền, ông Xấn thấy được lợi ích của việc làm đường giao thông. Những năm qua, gia đình ông đóng góp hơn 4 triệu đồng để cùng bà con xung quanh bê tông xi măng 5 đoạn đường.
Không riêng ông Xấn, hầu hết người dân ở ấp Cây Nính đều đóng góp làm đường nông thôn, giữ gìn vệ sinh môi trường; không còn tình trạng chiều xuống, nhiều nhà đốt rác trước cửa, bên đường làm khói bay mù mịt. Nhà nào cũng có giếng khoan, máy bơm nước. Những căn nhà tường thi nhau mọc lên ngày càng nhiều. Trưởng ấp Cây Ninh Nguyễn Văn Thanh cho biết, từ khi Nhà nước thực hiện chủ trương xây dựng khu dân cư, ấp văn hoá, hầu hết bà con trong ấp đồng thuận và nhiệt tình đóng góp công sức xây dựng khu dân cư, ấp văn hoá nông thôn mới. Ngoài 5 con đường trục chính của ấp do Nhà nước đầu tư nhựa hoá (nhân dân đóng góp đất đai mở rộng mặt đường), thời gian qua, bà con trong ấp tự nguyện đóng góp kinh phí, đất đai để làm mới, mở rộng, nâng cấp, bê tông xi măng 9 con đường ở các tổ dân cư tự quản, với tổng chiều dài gần 1.860m, tổng trị giá 314 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn ấp chỉ còn một đoạn đường dài khoảng 100m giáp ranh giữa địa bàn 2 tổ DCTQ số 14 và 15 chưa được bê tông. Lãnh đạo ấp đang vận động bà con hai tổ đóng góp để bê tông xi măng con đường này.
Những năm qua, Ban Phát triển nông thôn mới ấp luôn vận động các hộ dân giữ gìn vệ sinh môi trường. Những hộ dân nhà gần bên đường, nếu không có điều kiện xử lý rác thải thì đăng ký với dịch vụ thu gom rác. Những hộ có điều kiện xử lý rác thải phía sau nhà. Lãnh đạo ấp cùng các ngành chức năng xã còn vận động người dân hai bên đường có điều kiện trồng hoa kiểng trước nhà để tạo vẻ mỹ quan... Ðường sá sạch đẹp, đi lại thuận tiện, nhà nào cũng có xe gắn máy. Số hộ nghèo trong ấp hằng năm đều được kéo giảm. Trước đây, ấp Cây Nính có số hộ nghèo cao nhất xã (trên 30 hộ), nay giảm xuống còn 9 hộ. Ðây là những hộ già cả, neo đơn bệnh tật (thuộc diện hộ nghèo vĩnh viễn). Tất cả những hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở đều được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng nhà đại đoàn kết. Nhờ vậy, trên địa bàn ấp không còn nhà tranh, nhà tạm bợ. Hơn 10 năm qua, ấp Cây Nính luôn giữ vững danh hiệu ấp văn hoá. Năm 2017, trên 80% hộ dân trong ấp được công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá.
N.H