Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ấp Trường, Hảo Đước
Thứ tư: 21:15 ngày 07/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vào những ngày đầu năm 2021, nhờ sự giúp đỡ của người dân ấp Trường, chúng tôi đã đi tìm lại dấu tích xa xưa còn lại trên các địa danh quanh bến sông này. Từ bến Trường, ngược dòng sông lên khoảng 300 mét là thấy ngay một cụm gò nhỏ nhô lên ngay một khúc ngoặt của dòng sông.

Khu mộ Lê Ngọc Dương ở bên kia bến Trường, Hảo Ðước.

Ngược lên khỏi Bến Trường chỉ vài chục mét, có một bãi đất phẳng làm nơi chứa cát của một doanh nghiêp vật liệu xây dựng. Cát đổ dài như con đê trắng toát phía bờ sông. Phía sau cũng toàn là gò, đống cát.

Giữa không gian khô khốc, đến cỏ cũng không mọc được ấy lại nổi lên một căn nhà “cao cẳng”, vuông vuông như một cái “bốt” hay trạm điện. Nhà làm kiểu sàn, xây tường lợp mái trên một cái sàn cao với 4 cột bê tông, có cầu thang đi lên, có lan can thép bao quanh. Trên mái lợp 4 mái tôn giả ngói.

Vào nhà rồi mới biết, đây là một ngôi miếu thờ, tuy chưa rõ thờ ai là chính. Bàn thờ đặt thấp dưới ô cửa sổ, trên có đủ loại tượng nhỏ gồm cả Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Phật Di Lạc… và cả vài ông Ðịa, Thần tài, Phúc, Lộc, Thọ.

Nhang đã tàn, hoa đã héo, chỉ còn cặp dưa là vẫn còn xanh. Theo ông Lê Văn Dũng- một người dân ở ấp Trường, nay đã 57 tuổi, ngôi miếu này thờ binh gia tướng sĩ đã hy sinh từ nhiều đời trước trên miền quê Hảo Ðước. “Ðất này máu xương nặng lắm!” - ông Dũng nói, giọng trầm ngâm. Ông cũng cho biết, miếu mới xây, nhưng trên nền đất đình Hảo Ðước xưa…

Quả thật chưa có ai nói, hay kể gì về đình Hảo Ðước, cũng chưa có tài liệu lịch sử nào ghi nhận. Và như vậy sẽ thật là hay khi xác định được đất của đình xưa. Bởi một thôn làng có lịch sử dày dặn như Hảo Ðước thì không thể không có đình làng.

Chỉ có điều miền đất này đã trở nên vùng đất chết do giặc xâm lược ngay từ những năm đầu khai cơ mở đất. Vì vậy đình nếu có, khó có thể còn qua bao cuộc chiến. Nhưng ngày nay thì đã khác. Cả một miền quê ven sông Vàm Cỏ Ðông đã và đang hừng hực hồi sinh.

Dòng sông thơ thới mát lành đã hiền hoà trở lại, chảy giữa đôi bờ xanh cây, xanh lúa. Vậy thì sự trùng tu phục chế lại ngôi đình không phải là chuyện khó. Tiếc rằng, ngoài ngôi miếu mới xây như một cột mốc, chẳng còn lại bóng hình nào của ngôi đình cũ. Di vật còn lại của đình chỉ là vài ba viên đá tán (đá kê cột đình) còn nằm rải rác đó đây trên bến Long, kề bên bãi cát đá kể trên.

Sách “Lược sử Tây Ninh”, ngoài mục sự tích một số địa danh có viết về Bến Trường (trang 39), tại các trang 36 và 37 có một vài chuyện liên quan đến địa danh ấp Trường, Hảo Ðước. Trong đó có đoạn: “Ðình miếu thì trong chiến tranh giặc Mỹ dội bom tàn phá, chưa khôi phục lại”. Vậy khả năng rất cao là ngôi đình làng Hảo Ðước xưa từng có ở Bến Trường.

Sách này còn đề cập đến các ngôi mộ cổ còn ở ven sông đoạn qua bến Trường, như: “Tại Vịnh Cù, sông Vàm Cỏ Ðông có hai ngôi mộ hai ông Lê Ngọc Báu (bên này sông) và Lê Ngọc Dương (bên kia sông).

Ðây là hai quan đại thần từ ngoài Huế đi “ghe ô ghe lê” vào đánh giặc, hy sinh tại đây, được nhân dân chôn cất và lập miếu thờ. Hai ngôi mộ ấy ngày nay vẫn còn…”. Ở một đoạn tiếp sau, lại có một đoạn mâu thuẫn với câu đã trích ở trên.

Ðấy là: “Hai ông Lê Ngọc Báu, Lê Ngọc Dương ở vịnh Cù, hai ông sau đánh giặc lập ra chùa Quan Huế ở Cẩm Giang…”. Chùa Quan Huế chính là chùa Cẩm Phong ngày nay. Mâu thuẫn ở chỗ, nếu hai ông đã hy sinh, được nhân dân khu vực Bến Trường chôn cất thì làm sao còn có thể: “Sau đánh giặc lập ra chùa Quan Huế”?

Có sự mâu thuẫn này là do nhóm biên soạn sách đã ghi chép lại đầy đủ ý kiến các cụ già ở những miền quê có các di tích xưa còn lại. Nhờ vậy mà sách vẫn lưu giữ được các ký ức xa xưa trên mỗi vùng quê ấy. Công việc nghiên cứu tiếp tục phân định đúng sai hoặc tìm tòi sự thật là trách nhiệm của con người và cơ quan quản lý của ngày nay.

Vào những ngày đầu năm 2021, nhờ sự giúp đỡ của người dân ấp Trường, chúng tôi đã đi tìm lại dấu tích xa xưa còn lại trên các địa danh quanh bến sông này. Từ bến Trường, ngược dòng sông lên khoảng 300 mét là thấy ngay một cụm gò nhỏ nhô lên ngay một khúc ngoặt của dòng sông.

Gò nằm khá gần bờ, giữa một cánh đồng lúa Ðông Xuân mơn mởn xanh của ấp Hoà Bình, xã Hoà Hội. Trên gò vẫn còn lại vài cây cổ thụ xoè tán rộng đậm xanh che khắp khu gò. Ðây là nơi thoạt đầu người dân đã tìm ra mộ ông- chính là Lê Ngọc Dương trong “Lược sử Tây Ninh” đã chép.

Mộ có đắp vữa xi măng tròn tựa mai rùa. Phía đầu mộ, ngay bên một gốc cây cổ thụ là mảng tường cong xây kiểu “cuốn thư”. Chính giữa bức bình phong có ốp vài bức tranh trên sứ, là tấm bia đá đen, khắc chữ. Bia đề: “Phần mộ/ Lê Ngọc Vương/ Tự Hùng Vương đời thứ I/ Nước Việt Cồ/ Hy sinh ngày 18.01.1007/ Các cháu đồng lập mộ/ 10.3 Kỷ Sửu 2009".

Xin tạm thời chưa nhận định đúng, sai trong những dòng ghi trên bia mộ. Câu chuyện của một trong những người cháu con ấy- ông Lê Văn Dũng, sống ở ấp Trường về chuyện người xưa tìm thấy và lập mộ cũng khá ly kỳ.

Chuyện xảy ra từ thời ông cố của ông Dũng còn tại thế. Ông cố ấy là Lê Văn Dư, một điền chủ giàu có nhiều ruộng đất tại làng Hoà Hội. Phần ruộng có cái gò nhỏ kia được ông cố Dư chia cho người con thứ ba.

Trên gò có một mô đất nhỏ. Một hôm bà Ba đặt chuồng gà lên trên nuôi cho sạch sẽ. Ðêm ấy, bà bị báo mộng về việc bị thần linh quở trách… Ông cố Dư mới rước ông Võ Văn Hào, một ông thầy cúng có tiếng ở địa phương lập đàn hầu đồng. Ðồng lên, cho biết đây là phần mộ của vị quan võ năm xưa từng đánh giặc rồi hy sinh tại nơi đây mà không ai biết, sau có một gò mối đã trùm lên.

Ông cố Dư xin được xây mộ cho ông, và hỏi:- Ông quay đầu về đâu, để biết mà xây cho đúng? Ông lại trả lời:- Cứ nhìn lên cây, thấy cành nào có lá héo thì quay về hướng ấy! Mọi người ngước lên quả nhiên thấy một cành xoải dài về hướng Bắc, trên cành đầy những loại tầm gửi như rắn bay đã khô vàng. Vậy là ngôi mộ được xây quay đầu về hướng Bắc.

Ngoài mộ, trên gò còn một dinh thờ và ngôi miễu ông Tà. Bà Lê Thị Kim Sa, chị ông Dũng cho biết dinh có từ thời cụ cố. Trước khi khu mộ và dinh thờ bị tàn phá dưới bom đạn Mỹ, vào năm 1963 dinh vẫn còn bằng cột cây, lợp ngói, vuông 3 x 3 mét, trong có cặp hạc chầu cao ngang mí cửa.

Giờ đây, dinh đã được xây dựng lại trên một nền bê tông cao lên khỏi mặt gò. Một cái cây mới trồng nhoai lên khỏi sàn bê tông, xoè lá cành mát rượi gió sông trên mái ngói dinh thờ. Con cháu họ Lê rước Bà Chúa xứ từ một ngôi thờ cách đây non cây số về dinh cho thuận tiện việc thờ cúng hằng năm theo lệ cũ. Vậy nên trong dinh có cả 2 ban, bên thờ “Quan lớn Ðại thần Lê Ngọc Vương”; bên thờ “Bà Chúa xứ Nguyên Nhung”.

Theo các câu chuyện kể từ ông bà, cha mẹ mà chị em bà Sa, ông Dũng còn ghi nhớ, khu mộ này đã có từ cách nay khoảng 90 năm. Vậy là vào khoảng năm 1930. Thông tin có được từ việc hầu đồng, nhưng không loại trừ việc các thông tin ấy đã có trong ký ức người đương thời (như Lược sử Tây Ninh ghi lại). Lại thêm sự tàn phá của chiến tranh nên đã nhiều lần xây sửa lại, không thể tránh việc “Tam sao thất bản”.

Vì thế mới có chuyện những dòng khắc trên bia mộ đã bị nhầm lẫn thành ra sai lạc khá nhiều. Như tên người là Dương thì biến thành Vương. Từ chữ Vương ấy suy diễn thành đời Hùng Vương thứ I, nước Việt Cồ… Vậy mong rằng các vị con cháu dòng họ Lê ở ấp Trường, Hảo Ðước xem xét kỹ và tu sửa lại.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục