PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
APEC nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Chủ nhật: 15:37 ngày 02/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực và xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Biểu trưng của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Biểu trưng của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC.

Ngày 15/6/1996, Việt Nam đã gửi đơn bày tỏ nguyện vọng gia nhập Diễn đàn APEC. Tháng 11/1996, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại 5 năm 1996 - 2000, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, gia nhập APEC và WTO”.

Ngày 14/11/1998, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 10 đã kết nạp Việt Nam, cùng Nga và Pê ru, trở thành các nền kinh tế thành viên chính thức của Diễn đàn.

Việc gia nhập APEC là một bước đi lô gích, làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Cùng với việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996 và khởi động đàm phán gia nhập WTO, việc gia nhập APEC thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực và xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Nhìn lại toàn bộ quá trình tham gia APEC của Việt Nam, có thể thấy APEC là một trong số các diễn đàn đa phương đã đem lại những lợi ích thiết thực và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tham gia APEC góp phần quan trọng vào nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của nước ta và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.

Tại các hội nghị do APEC tổ chức hằng năm là dịp để nước ta thúc đẩy các cuộc tiếp xúc song phương ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao, với các đối tác then chốt.

Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC, gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Inđônêxia, Xingapo, Malaixia, Philíppin, Thái Lan, Ôxtrâylia, Niu Di lân và Chilê.

Nước ta đang hình thành mạng lưới FTA song phương và nhiều bên với 18 trong tổng số 20 thành viên APEC trừ Papua Niu Ghi nê và Đài Bắc (Trung Quốc).

Thông qua đóng góp, tham gia giải quyết các vấn đề chung, Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên APEC đối với các quan tâm của ta, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam.

Việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước. APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC đã thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam với các đối tác APEC.

Bảy nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong tốp 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ (đứng đầu), Trung Quốc (thứ 2), Nhật Bản (thứ 3), Hàn Quốc (thứ 4), Hồng Công - Trung Quốc (thứ 5), Malaixia (thứ 9) và Singapo (thứ 10). Hầu hết các đối tác này cũng là các đối tác đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.

Việc tham gia hợp tác APEC đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận tốt hơn khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ của APEC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu... thiết thực góp phần vào quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Việc triển khai các cam kết, đồng bộ hóa chính sách, cùng các dự án hỗ trợ của APEC góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tăng cường kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập.

Việc tham gia APEC và tăng cường hợp tác với các nền kinh tế thành viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Trước hết, chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân có điều kiện được cải thiện, nâng cao. Sự gắn kết kinh tế thương mại sâu rộng giữa các nền kinh tế thành viên tạo điều kiện cho người dân có thêm nhiều lựa chọn về việc làm, hàng hóa, dịch vụ, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, du lịch... với chất lượng và giá cả tốt hơn.

APEC đang triển khai các chương trình giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, giao lưu sinh viên,... với mục tiêu cụ thể là trao đổi sinh viên giữa các trường đại học APEC đạt 1 triệu người vào năm 2020 và số lượt khách du lịch của APEC đạt 800 triệu người vào năm 2025.

Cùng với đó, hợp  tác APEC mở ra nhiều cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, được hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lọi hơn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn hàng đầu thế giới... Thông qua tham gia hợp tác, đối thoại của APEC, các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội thúc đẩy những vấn đề quan tâm.

Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam, có điều kiện thuận lợi hơn để học tập, nghiên cứu trong môi trường giáo dục, đào tạo chất lượng cao. Hiện có khoảng 80% số du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại nhiều nền kinh tế thành viên APEC, tập trung tại Ôxtrâylia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapo, Đài Bắc (Trung Quốc), Nga và Canađa.

Nguồn Báo điện tử ĐCSVN

Tin cùng chuyên mục