Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ba kịch bản kết thúc dịch do virus Corona
Thứ sáu: 08:35 ngày 07/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau hơn một tháng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) rồi lan ra nhiều nước, các nhà dịch tễ học đã dự báo ba kịch bản kết thúc dịch bệnh.

Hình ảnh virus gây SARS dưới kính hiển vi. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Vox (Mỹ), đây là kịch bản tốt nhất và là điều thế giới đã làm được trong dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003.

Virus gây dịch SARS cũng giống virus gây dịch viêm đường hô hấp cấp hiện nay đều là một chủng của virus Corona – nhóm virus gây bệnh ở động vật có vú và chim chóc. Một số virus Corona gây bệnh cho người, số khác gây bệnh cho động vật.

Virus gây SARS chủ yếu ảnh hưởng tới động vật nhưng cũng lây sang người. Cuối năm 2002 và năm 2003, SARS đã khiến 8.096 người nhiễm bệnh và giết chết 774 người ở 17 quốc gia.

Điều đáng lưu ý là tới năm 2004, SARS về cơ bản không còn tồn tại. Bà Jessica Fairley, giáo sư dược tại Đại học Emory nói: “SARS là trường hợp kinh điển mà các biện pháp can thiệp y tế công cộng có hiệu quả và ngăn chặn được dịch bệnh”.

Trong khi xảy ra SARS, giới chức y tế đều xác định các ca bệnh càng nhanh càng tốt và cách ly họ. Nhờ đó, hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể chống virus mà không làm virus lây cho người khác. Trong trường hợp không may, virus sẽ giết chết bệnh nhân và chết cùng họ.

Biện pháp can thiệp của hệ thống y tế cần rất nhiều sự điều phối: Bác sĩ tìm kiếm virus, điều tra hiệu quả mọi trường hợp để tìm người tiếp xúc virus, thắt chặt biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, hạn chế đi lại, cách ly, sàng lọc hành khách tại sân bay.

Tất cả các biện pháp trên đều được thực hiện nhanh chóng. SARS được báo cáo lần đầu vào tháng 2/2003. Tới tháng 3, hàng trăm người bị phơi nhiễm SARS đã được cách ly tại nhà. Tổ chức Y tế Thế giới phát cảnh báo đi lại tại các khu vực bị ảnh hưởng. Tới giữa mùa Hè 2003, nhiều nước có dịch SARS đã không còn dịch.

SARS vẫn đang tồn tại trong động vật nhưng không lây ra người. Hiện nay, có thể khó lặp lại thành công trong kiềm chế dịch mới như với SARS. Người nhiễm SARS không làm người khác nhiễm bệnh cho tới khi phát triệu chứng.

Còn với dịch mới, các nhà khoa học cho rằng virus Corona mới có thể lan trong thời gian ủ bệnh, chưa có triệu chứng, do đó khó kiềm chế hơn.

Hơn nữa, dịch hiện nay đã có quy mô lớn hơn SARS. Theo mô hình toán học đăng trên tạp chí The Lancet, có thể đã có tới 75.800 người nhiễm bệnh tính tới ngày 25/1 ở Vũ Hán.

Nếu có vaccine mới, dịch bệnh cũng có thể chấm dứt nhanh, nhưng cần có thời gian để các nhà khoa học nghiên cứu và tìm ra vaccine phòng virus Corona.

Virus tự “kiệt sức”

Zika tự kiệt sức khi không còn ai để lây nhiễm. Ảnh: Getty Images

Các đợt bùng phát dịch bệnh giống như đám cháy. Virus chính là ngọn lửa. Những người dễ mắc bệnh là nhiên liệu. Đám cháy sẽ tự tắt khi hết các mồi dễ cháy. Đợt bùng phát virus sẽ kết thúc khi nó không tìm thấy người dễ nhiễm bệnh để tấn công.

Ông Michael Mina, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng ở Harvard cho rằng trường hợp dịch virus Zika năm 2015-2016 ở Puerto Rico và Nam Mỹ là ví dụ cho kịch bản này. Ông nói: “Rất nhiều người bị nhiễm virus cực nhanh. Nhưng sau đó, số người dễ mắc bệnh giảm xuống. Những ai có nguy cơ nhiễm mà tiếp xúc với muỗi mang mầm bệnh đều đã nhiễm bệnh hết. Và cuối cùng ngày càng ít người nhiễm virus”.

Virus Zika hiện vẫn lây truyền với mức độ thấp ở Brazil nhưng ở Puerto Rico, giới chức cho biết virus này không còn lây lan nữa.

Với virus Corona mới, hiện vẫn chưa rõ virus có thể tự “kiệt sức” thế nào. Có thể virus sẽ “kiệt sức” ở Trung Quốc và tại các nước khác, các biện pháp kiềm chế dịch sẽ khiến virus không thể hoành hành thêm.

Đây không phải là kịch bản được mong muốn vì theo kịch bản này, nhiều người nữa sẽ bị nhiễm bệnh và tử vong.

Virus Corona mới trở thành loại virus thông thường

Cúm H1N1 đã trở thành cúm mùa. Ảnh: Getty Images

Kịch bản này đã từng xảy ra trước đây. Năm 2009, chủng mới của virus cúm H1N1 gây đại dịch toàn cầu. Nhưng sau một thời gian, virus này trở thành một loại virus gây cúm mùa thông thường.

Hiện có bốn chủng virus Corona thường khiến con người nhiễm cảm lạnh thông thường hoặc viêm phổi. Có thể 2019-nCoV sẽ trở thành loại thứ 5 và giống như cúm, nó có thể xuất hiện và biến mất theo mùa. Có thể 2019-nCoV sẽ trở thành virus cúm mùa ở Trung Quốc và toàn thế giới.

Kịch bản này cũng không phải là kịch bản mong muốn vì con người thực sự đã quá đủ loại virus thông thường phải đối phó. Hơn nữa, 2019-nCoV có thể gây bệnh nghiêm trọng, gây chết người.

Nguồn Báo Tin tức/The Vox

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục