Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bà Năm Liên hào sảng
Thứ ba: 19:11 ngày 25/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Quần xắn tới gối. Tay không ngơi viêc. Nói năng rổn rảng. Tính tình hào sảng, đậm khí chất người dân Nam bộ, bà Phạm Thị Liên khiến chúng tôi hơi lúng túng khi đặt vấn đề viết bài về gương người tốt việc tốt của bà.

Bà cười rổn rảng khi nghe chúng tôi nói về những chuyện tốt bà đã và đang làm: bình thường thôi mà, có gì tốt đâu! Tính tình hào sảng, phóng khoáng, nhiệt tình,  bà Phạm Thị Liên, thường gọi là bà Năm (ngụ tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên), đúng là mẫu người dân Nam bộ điển hình.

Bà Năm nói: “Lao động sản xuất, làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo là những chuyện bình thường thôi, có gì đâu mà viết bài”.

Trong lúc chúng tôi đang chưa biết nên bắt chuyện với bà như thế nào thì một bé gái trạc 12 tuổi, thân hình gầy gò, miệng méo lệch, đi bán vé số dạo về tới. Cô bé khoanh tay thưa: “Thưa bà Năm con mới về”. Bà Liên xoa đầu và trìu mến bảo cô bé: “Con ra nhà sau tắm rửa, thay quần áo, rồi vào bếp bới cơm ăn đi, chờ chút mẹ về”.

Bà Liên chăm sóc đàn heo của gia đình.

Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc khi nhìn cô bé, bà Liên mở lời: “Cô bé này tên Võ Thị Mỹ, là một trong 3 người con của chị Nguyễn Thị Thu Hồng, ngụ huyện Tân Châu. Gia đình tôi với gia đình chị Hồng chẳng có họ hàng hay quen biết gì cả. Hằng ngày, mẹ con chị Hồng thường đi bán vé số dạo ở khu vực này, tôi thấy họ lang thang ngoài đường nên kêu về nhà cho nghỉ ngơi, tắm giặt, ăn uống. Vậy thôi”.

Một lát sau, bé Mỹ bước ra, bà Liên múc cho tô cháo gà và gắp cho mấy miếng thịt nóng hổi. Cô bé ăn ngon lành. Bà chủ nhà ngồi bên cạnh ngắm cô bé ăn cháo như trông chừng đứa cháu ruột thịt thân thương. Chờ con bé ăn xong tô cháo, bà Liên xẻ trái sầu riêng chín cây thơm phức, lấy một múi to tướng cho cô bé.

Bà Liên kể: “Chiều mẹ con nó bán hết vé số, về đây ăn cơm nước rồi mới chở nhau về nhà. Có bữa, tôi còn cho mẹ con nó mớ thịt heo kho đem về nhà để dành ăn. Cứ vài ba bữa, con bé này thèm hột vịt lộn, tôi chở nó ra chợ, mua cho ăn”.

Câu chuyện về gia đình cô bé Mỹ chưa dứt thì ngoài sân có một chiếc xe lôi máy dừng trước cổng. Hai vợ chồng và đứa con trai lớn gật đầu chào bà Liên rồi xách thùng nhựa đi thẳng ra vườn cao su thu gom mủ. Hai đứa nhỏ còn lại chạy ào tới ôm chân bà Liên, miệng kêu tíu tít: “Ngoại. Ngoại”.

Bà Liên ngồi xuống ôm lấy chúng, hỏi han chúng ăn cơm nước chưa? Mưa giông tối hôm qua có bị ướt chỗ ngủ không? Tưởng mấy đứa nhỏ này là cháu ngoại ruột, tôi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Một lần nữa bà Liên khiến chúng tôi bất ngờ, vì bà và gia đình này cũng chỉ là người dưng nước lã.

Theo lời bà Liên, người phụ nữ này tên Võ Thị Hải, quê ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu. Vợ chồng chị Hải cùng 3 người con nhỏ đến khu vực này mướn nhà ở trọ để làm thuê kiếm sống. Thấy hoàn cảnh đáng thương, bà Liên kêu gia đình chị Hải vào làm công nhân cạo mủ cao su cho gia đình bà (gia đình bà có hơn 20 ha cao su đang kỳ thu hoạch), đồng thời, bà cho vợ chồng chị Hải thu hoạch mủ cao su miễn phí trong mảnh vườn cao su rộng 1,5 ha của gia đình bà trong thời gian một năm.

“Tôi cho vợ chồng nó vô khu vườn này cạo lấy mủ bán kiếm tiền sinh sống được khoảng 1 tháng rồi. Trung bình mỗi ngày thu hoạch được hơn 30 kg mủ chén, bán ra cho thương lái giá 13.000 đồng/kg”, bà Liên giải thích thêm.

Bà Liên thương yêu bé Mỹ như con cháu trong gia đình.

Bà Liên kể, 15 năm qua, khu đất rộng 1,5 ha này của bà chỉ để làm từ thiện. 7 năm trước đây, khi phần đất này còn trống, vợ chồng bà cho gia đình người nông dân tên Ròng ở ấp Bàu Bền đến trồng cà, trồng mì. Những năm sau đó, lần lượt cho những người dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn như Phú, Hiệp, Hiền, Trinh đến trồng mì. Khi những người dân này thu hoạch mì, có đủ tiền cất nhà ở mới lấy đất lại trồng cao su. Vườn cao su trồng được 8 năm, hiện nay cho gia đình chị Hải thu hoạch miễn phí. “Giúp được người nào thoát nghèo là mình mừng cho người nấy”, bà Liên vui vẻ nói.

Điều khiến chúng tôi khâm phục là, để có cuộc sống hôm nay, vợ chồng bà phải vay tiền ngân hàng mà trồng trọt, chăn nuôi làm kinh tế. Hiện tại, vợ chồng bà có hơn 20 ha cao su đang kỳ thu hoạch và trang trại nuôi heo, dê, gà, vịt, ngỗng. Nhiều năm liền bà Liên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khen tặng danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016”. Năm 2018, bà vinh dự được tặng Huân chương lao động hạng Ba, được khen thưởng tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Tây Ninh.

Bà Liên nhớ lại quãng thời gian những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vợ chồng bà đều là chiến sĩ quân y phục vụ trong Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, bà trở về nhà với mảnh đạn còn ghim trong đùi cho đến nay. Thời gian này, bà được phân công công tác trong một số lĩnh vực như thương mại, xuất nhập khẩu; đến 1993 bà nghỉ hưu.

Được tặng thưởng Huân chương lao động và bằng khen, giấy khen các loại, bà Liên đều trang trọng treo lên tường nhà.

Những năm đầu nghỉ hưu, hai vợ chồng bà mua đất làm kinh tế gia đình, nhưng trồng cây, nuôi con gì cũng bị lỗ. “Lúc đó, vợ chồng tôi cuốc đất, trồng 7 ngàn cây ớt, thu hoạch xong, tôi để ớt lên xe đạp đẩy đi bán khắp nơi, nhưng không ai mua”, bà Liên nhớ lại.    

Năm 2003, vợ chồng bà vay 800 triệu đồng của ngân hàng và đi khắp các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk để học hỏi kinh nghiệm trồng cây nông nghiệp. Sau một thời gian đi tìm hiểu, không thấy loài cây nào có thể phù hợp với vùng đất Tây Ninh, vợ chồng bà trở về nhà, đầu tư trồng 10 ha cao su và mở trang trại nuôi heo. Đến năm 2008, vườn cao su tới kỳ thu hoạch, không có tiền thuê mướn công nhân, vợ chồng bà tự đi cạo mủ đem bán. Nợ trả chưa xong, những năm gần đây, mủ cao su tuột giá, cuối cùng vợ chồng bà phải sang nhượng cho người khác vài ha đất để lấy tiền trả nợ ngân hàng.

Hiện tại, bà còn nuôi hơn 100 con heo thịt. Giá heo đang xuống, mỗi ngày gia đình bà mổ thịt một con, mở sạp bán trước cổng nhà.

Vất vả mưu sinh là vậy, nhưng bà Liên vẫn nặng lòng với công tác từ thiện. Từ năm 2016 đến nay, bà Liên đã hỗ trợ 1.200 gà con trị giá 24 triệu đồng cho 8 hộ nông dân nghèo ở xã Thạnh Bắc; cho các hộ vay vốn và vay nuôi heo trả chậm, trị giá 350 triệu đồng; hiến 200m2 đất làm đường giao thông nông thôn tại ấp Thạnh Thọ.

Bà còn thường xuyên giúp đỡ 15 hộ nghèo trong xóm, ấp; hỗ trợ, tặng 250 phần quà tết cho hộ nghèo với trị giá 50 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 40 lao động tại địa phương và vận động các nhà hảo tâm khác xây tặng 2 căn nhà tình thương cho người nghèo. 

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh