Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ba nguyên tắc cơ bản của Đề cương văn hoá Việt Nam: Ngọn đèn pha chiếu sáng màn đêm
Thứ sáu: 06:19 ngày 03/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gần 100 năm trôi qua nhưng tư tưởng, quan niệm về văn hoá được nêu trong Đề cương chẳng những không lạc hậu mà còn rất hiện đại.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm về Đề cương văn hoá Việt Nam: “Khởi nguồn và động lực phát triển” là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, văn hoá của nước ta. Bản đề cương này nêu lên ba nguyên tắc nổi tiếng gồm dân tộc, khoa học, đại chúng.

Gần 100 năm trôi qua nhưng tư tưởng, quan niệm về văn hoá được nêu trong Đề cương chẳng những không lạc hậu mà còn rất hiện đại. Trước đây, khi đất nước chưa thống nhất, chế độ cũ Sài Gòn còn “copy” tinh thần của bản Đề cương này áp dụng trong ngành Giáo dục ở miền Nam.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng ngành Giáo dục Tây Ninh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.2022)

Tính dân tộc

Tính dân tộc như một lời hiệu triệu tinh thần yêu nước. Từ tinh thần của lời kêu gọi đoàn kết, trong bối cảnh người dân đang sống trong một đất nước nô lệ, bản Đề cương về văn hoá Việt Nam thực sự là lời hiệu triệu tinh thần yêu nước.

Về nguyên tắc này, Đề cương viết: “Dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập)”. Văn hoá không phải là cái gì đó thật mơ hồ. Tinh thần yêu nước cũng không phải cái gì đó cao siêu, nó là sự gắn bó một cách thiết tha với vận mệnh dân tộc của mỗi cá nhân. Như vậy, khi thực hành văn hoá, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đã thể hiện trong đó tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết với truyền thống và sự gắn bó với những hiện thể của truyền thống trong hiện tại.

Trong tuỳ bút nổi tiếng có tên gọi “Lòng yêu nước”, nhà văn Nga Ilya Erenburg (1891-1965) viết: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh... Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể.

Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Tình yêu đất nước không phải là cái gì xa xôi, dân tộc không còn là cái gì đó cao vời. “Dân tộc hoá”, theo tinh thần của Đề cương là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập”. Xây dựng nền văn hoá mới chính là kiếm tìm con đường độc lập, tự do, hay nói cách khác, để làm được cách mạng giành độc lập cho dân tộc, mọi người dân phải đứng trong cùng một mặt trận văn hoá.

Tính khoa học

Tính khoa học như một định hướng lựa chọn của phát triển văn hoá. Đề cương viết “khoa học hoá (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ)”. Những năm 40 của thế kỷ XX, nông dân Việt Nam hầu hết thất học, tầng lớp trí thức thì phân hoá, hoang mang, chủ trương “khoa học hoá” liệu có phải là một chủ trương quá khó hiểu đối với tất cả những người tiếp nhận? Đi sâu phân tích, có thể nói, ở nguyên tắc này, quan điểm của Đề cương về văn hoá là những gì gắn với khoa học và tiến bộ.

Hiểu theo nghĩa thông thường, văn hoá gắn chặt với đời sống con người, không nên đánh giá văn hoá bằng tiêu chí thể hiện trình độ cao/thấp, tốt/xấu, tiên tiến/lạc hậu. Tuy nhiên, nếu văn hoá là sáng tạo của con người trong quá trình thích ứng với tự nhiên thì ngược lại, con người lại chính là một sản phẩm của văn hoá theo nghĩa: văn hoá đã mang lại phần “người” cho “con người”, là tư duy, nhận thức, là phẩm chất nhân văn, làm cho cuộc sống trở nên phong phú, tốt đẹp hơn, hiểu từ “tiến bộ” chính ở nghĩa này.

Nó không mang nghĩa đánh giá sự cao/thấp của văn hoá mà nó chính là mục tiêu nhân văn tiến bộ của phát triển văn hoá. Chọn mục tiêu nhân văn với nghĩa là sự tiến bộ của nhân loại, Đề cương về văn hoá Việt Nam coi đó là cách tiếp cận khoa học nhất. Vì thế, khái niệm “khoa học hoá” ở đây cần được hiểu là sự lựa chọn đường lối phát triển sao cho có thể trao cho người dân các cơ hội phát triển để đời sống của họ được tiến bộ nhanh nhất, sao cho có thể tìm ra được con đường phát triển đất nước một cách bền vững nhất.

Nhìn vào bản chất của văn hoá, suy cho cùng, văn hoá của mỗi cá nhân/ cộng đồng/quốc gia chính là sự lựa chọn của cá nhân/cộng đồng/quốc gia đó. Sự lựa chọn thái độ, ứng xử của cá nhân, cộng đồng, quốc gia trong việc thích ứng với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội sẽ quyết định sự lựa chọn cách kiến tạo nên khí quyển văn hoá cho từng cộng đồng, quốc gia đó. Khí quyển văn hoá đó sẽ xác định mục tiêu của sự phát triển và tạo nên động lực cho phát triển.

Từ khía cạnh này, “nguyên tắc khoa học hoá” của Đề cương về văn hoá Việt Nam đã tạo nền móng cho việc định hình quan điểm “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII, tới Hội nghị Trung ương 9 khoá XI, tới văn kiện Đại hội Đảng các khoá và Hội nghị Văn hoá toàn quốc tổ chức năm 2021.

Tính đại chúng

Tính đại chúng như một lời tập hợp quần chúng. Văn hoá như cách quan niệm hiện nay là toàn bộ sáng tạo của con người trong quá trình sống của mình. Văn hoá phản ánh và thể hiện một cách tổng quát, sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó, từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình.

Điều này đồng nghĩa với việc văn hoá là toàn bộ sáng tạo (vật chất, tinh thần) và là sản phẩm của toàn dân, của các cộng đồng chứ không phải chỉ là những sản phẩm được đánh giá là “có giá trị”, dù cho đánh giá đó được thực hiện bởi một nhóm người hoặc dư luận rộng rãi. Khái niệm văn hoá, trong quá trình nhận thức chung của xã hội và nhận thức của giới nghiên cứu đã có một thời gian dài được đồng nhất với những gì được coi là “giá trị, tiến bộ, tinh tuý”, và điều này gần như được hiểu là sản phẩm của tầng lớp trên.

Trong khi đó, người dân lao động hàng ngàn năm thực hành văn hoá một cách hồn nhiên theo cảm xúc, niềm tin và nhu cầu của mình, và họ không nghĩ rằng, họ đã đóng vai trò to lớn trong việc trao truyền và bảo lưu những giá trị quý báu của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Trong bối cảnh một đất nước nô lệ, các quyền cơ bản của người dân bị tước đoạt, thì việc nhận thức về quyền văn hoá dường như là một việc quá xa vời. Chính trong bối cảnh đó, Đề cương về văn hoá Việt Nam ra đời.

Đó thực sự là một ngọn đèn pha soi rọi vào màn đêm tăm tối của việc nhận chân giá trị của mình với tư cách là một chủ thể văn hoá và nhận chân giá trị của nền văn hoá mà họ thuộc về, họ đang thực hành, đang trao truyền và đang gìn giữ.

Với ý nghĩa này, Đề cương về văn hoá Việt Nam là một thông điệp mới mẻ và mạnh mẽ nhằm thức tỉnh nhận thức của mỗi người Việt Nam về tài sản văn hoá mà họ đang nắm giữ, qua đó để nhận thức về vị thế của mình.

Hơn thế, bản Đề cương có giá trị giúp cố kết cộng đồng, kêu gọi tinh thần đoàn kết của những người không chỉ là “máu đỏ da vàng” mà còn là toàn thể đồng bào về truyền thống văn hoá được kiến tạo và trao truyền từ hàng nghìn năm lịch sử.

Bên cạnh nguyên tắc “đại chúng hoá” hướng tới toàn thể người dân Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (2.1943) đã chú ý tới một lực lượng hoạt động chuyên nghiệp, xác định lực lượng nòng cốt, đó là: “Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn vào hoạt động về văn hoá, đặng gây ra một phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc chống lại văn hoá phát xít thụt lùi.

Ở những đô thị văn hoá như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, v.v... phải gây ra những tổ chức văn hoá cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hoá và trí thức...”.

Chính vì thế, ngay sau khi công bố bản Đề cương về văn hoá vào tháng 2.1943, hai tháng sau, Hội Văn hoá cứu quốc được thành lập (4.1943). Điều này cho thấy sự ứng phó kịp thời của Đảng trong việc nhanh chóng thành lập một diễn đàn nhằm tập hợp rộng rãi các lực lượng quần chúng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Với quan điểm đúng đắn về việc “văn hoá khi đã xâm nhập vào đại chúng thì cũng tác động như một sức mạnh vật chất”, Hội Văn hoá cứu quốc đã nhanh chóng có các hoạt động diễn thuyết về các nội dung “kiến thiết một nền văn hoá mới với mục đích phụng sự độc lập tự do và hạnh phúc của dân tộc”, các bài viết về bản Đề cương văn hoá trên tờ báo của Hội nhằm lan toả sâu rộng các nội dung của bản Đề cương.

Sự tham gia của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ này như Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài... thể hiện tính tinh hoa trong tính đại chúng. Đại chúng ở đây được hiểu là văn hoá hình thành bởi đa số nhân dân, dành cho đa số nhân dân, vì lợi ích đa số nhân dân.

Thực ra, nguyên tắc này không mới trong dòng chảy lịch sử tư tưởng phát triển của đất nước, khác chăng là nguyên tắc này được nhấn mạnh, cô đọng để trở thành một kiểu triết lý phát triển.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục